Thời gian gần đây, tôi nghe nói nhiều về trào lưu sống nằm thẳng (tang ping/ 躺平/ thảng bình), "mặc kệ đời" của một bộ giới trẻ Trung Quốc. Theo đó, một số người trẻ Trung Quốc đang theo đuổi lối sống chậm và tối giản thay vì phải cố gắng hết sức cho những nhu cầu nặng về vật chất.
Hôm qua, tôi có đọc chia sẻ trên mạng xã hội của một cô gái người Hưng Yên, 27 tuổi, đã quyết định nghỉ hưu sớm với một cuốn sổ tiết kiệm chỉ hơn trăm triệu. Cô quyết định nghỉ hưu sớm. "Năm nay mình 27 tuổi. Tài sản trong tay là 1 chiếc xe đạp, 1 tấm thảm yoga, 1 iPad, 1 điện thoại, 1 cuốn sổ bảo hiểm xã hội mới đóng 1 năm, sách vở quần áo và tài khoản tiết kiệm hơn trăm triệu"- cô gái chia sẻ.
Cuộc sống về hưu khi chưa đến ba mươi của cô với các hoạt động thường ngày là: tập thiền, đi chợ, đọc sách, thêu thùa, làm bánh. Và theo như chia sẻ, cuộc sống không chịu áp lực tiền bạc, chậm rãi trôi.
>> Người trẻ nhụt chí đòi về quê
Dĩ nhiên, bài chia sẻ ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi, kẻ khen người chê, kẻ cổ vũ, động viên, người săm soi, chỉ trích.
Chỉ có điều, tôi chợt giật mình khi nhớ lại các bài viết đã đọc về trào lưu "sống nằm yên" ở Trung Quốc, các ý muốn rời xa phố thị, về quê sống nhàn và bây giờ là quyết định về hưu sớm.
Trong công ty, vài người bạn của tôi mỗi lúc bực mình vì cãi nhau với sếp, với khách hàng cũng bực tức và buột miệng nói: "Thôi nghỉ việc, về quê sống, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau".
Người ngoài nghe được, ắt sẽ cho đó là biểu hiện của sự thiếu ý chí cầu tiến rồi nói bọn trẻ ngày nay sao mong manh, dễ vỡ thế. Thế hệ xưa cách đây vài chục năm đói khổ, vẫn ráng chăm chỉ học hành, làm việc vất vả...
Nhưng tôi nghĩ, như vậy là rất quy chụp và thiếu khách quan. Bởi mỗi thế hệ đều có những cái khó khăn riêng, mà nói vui theo trend trên mạng hiện giờ là: "Chỉ có người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt". Nếu tách các hành động của con người ra khỏi bối cảnh, thời đại thì chúng ta sẽ thấy hết thảy đều trở nên vô nghĩa.
Giới trẻ ngày nay, xung quanh có thể có nhiều vật chất, điều kiện hơn so với thời trước. Nhưng đi kèm đó là sự kỳ vọng của gia đình, áp lực so sánh thành công với bạn bè, với những người thành công. Đời người được công thức hoá theo kiểu: học tập chăm chỉ từ bé, thi đậu đại học, xin việc, làm việc, kết hôn, sinh con và nó lặp lại ở thế hệ kế tiếp. Nếu ai chệch ra khỏi quỹ đạo này sẽ bị coi là "con ngựa bất tuân".
Trò chuyện với nhiều bạn trẻ độ tuổi dưới 30, tôi thấy nhiều bạn có điểm chung là hoang mang và bất an với cuộc sống hiện tại, dù có thể đã mua được nhà, có xe. Số khác bị kéo theo lối sống hối hả, cường độ làm việc cao và căng thẳng. Các mối quan hệ xã hội thiếu vắng, với gia đình thì ít tìm được sự cảm thông. Chưa kể, nếu xuất phát điểm thấp thì rất dễ bỏ cuộc giữa chừng do lương thì không tăng mà giá nhà, sinh hoạt phí tăng cao, ở mức trên trời.
>> Ảo tưởng bỏ phố về quê như Lý Tử Thất
Cảm giác hụt hơi vì "cơm áo gạo tiền" là có thật. Vậy nên họ chỉ còn biết phản kháng bằng cách muốn về quê sống, nghỉ hưu non hoặc nằm yên mặc kệ. Tôi cho là thế hệ đi trước cần quan tâm, chia sẻ cũng như hỗ trợ cho các bạn trẻ này nhiều hơn, thay vì chỉ biết áp đặt mục tiêu và than phiền hay chỉ trích. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ mà tôi thấy dù đang gặp vấn đề tâm lý nhưng không tìm đến các chuyên gia, bác sĩ tâm lý hay chia sẻ với bạn bè, người thân. Lâu ngày sẽ làm tăng độ ỳ ạch với cuộc sống.
Quay trở lại với chia sẻ về hưu tuổi 27 với 100 triệu đồng của bạn nữ Hưng Yên. Tôi nghĩ đương nhiên là số tiền 100 triệu không đủ cho cuộc về hưu non mà bạn dự tính. Nhưng ít ra tôi thấy bạn ấy dám sống thật với suy nghĩ của bản thân và dám chia sẻ quan điểm với cộng đồng, dù biết là sẽ chịu nhiều gạch đá bởi chín người thì mười ý. Bạn ấy đang sống thật với bản thân, ít nhất là ngay thời điểm này.
Có lẽ, thời gian sau khi sống chậm, bạn sẽ trở lại làm việc với tâm thế khác, hoặc tìm cách tạo thu nhập để giữ nhịp cuộc sống về hưu của mình.
Trần Huệ An
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.