Trong mua bán bất động sản có chiêu lấy mỡ nó rán nó, tức là chủ đầu tư kêu gọi khách hàng hùn một phần tiền cho họ xây dựng, dùng chính tiền đó khấu hao tạm ứng, tiền này nguy cơ bị quỵt rất cao nếu dự án không xong.
Điều này chỉ có lợi cho kẻ đầu cơ muốn đặt một mà ăn mười, kiểu ngay khi dự án xong thì bán lại kiếm chênh lệch so với 30% tiền ban đầu.
Tôi đã từng hỏi một bạn tư vấn viên rằng nếu tôi không đủ tiền tiếp tục, tôi buông và muốn thanh lý hợp đồng thì làm sao, vì tôi thà bỏ rơi 30% còn hơn đối diện 70% với lãi suất quá cao.
Các tư vấn viên đều không ai trả lời được, thay vào là hứa tìm người mua lại, trong khi tôi muốn tư vấn viên phải tự mua lại cái mà họ khoe khoang đó, cho họ "chết" như khách hàng, như tôi.
Họ tư vấn cho khách hàng kiểu tay không làm dự án, bỏ 30% muốn lấy 60% dễ dàng mà chẳng phải làm gì, chỉ cần chút liều lĩnh, được thì sau vênh váo bảo áp dụng thành công nguyên tắc đòn bẩy tài chính, nào là lấy mỡ nó rán nó.
Nếu ra luật đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên, kết hợp siết cho vay, sẽ chặt bỏ tư duy mượn đòn bẩy tài chính để chơi chiêu lấy mỡ nó rán nó (khách hàng là mỡ).
Hãy bắn tín hiệu đưa tiền vào sản xuất kinh doanh, đừng dại dột mua nhà đợi giá cao bán, đòn thuế sẽ san bằng mọi lợi nhuận theo kiểu kỳ vọng. Tín hiệu cần rõ ràng mạnh mẽ, buộc ai nhiều nhà cửa thì hãy bán ra đi trước khi thuế ăn mòn mọi thứ. Nó sẽ buộc giới có tiền nhàn rỗi phải đưa tiền vào sản xuất kinh doanh chứ không phải mua nhà đất để đó đợi giá tăng rồi bán.
Áp thuế bất động sản thứ hai trở lên còn buộc tiền không đi vào chu kỳ đầu cơ mới, khi đó lại luẩn quẩn với giá cao và những bài học làm giàu từ buôn bán đất đai nhà cửa.
Hãy bỏ tư duy kiếm tiền dễ dàng qua nhà đất là vừa. Dòng tiền cần vào sản xuất, vào lao động cơ bản tạo của cải vật chất thật cho xã hội, không phải tích trữ nhà cửa đợi lên giá bán kiếm lời.
Demy Nguyen
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.