Nhiều người ở Sài Gòn, Hà Nội chấp nhận ở nhà ổ chuột trong hẻm nhỏ, lên mạng thấy biết bao người than thở giá đất cao thì biết nhu cầu mua nhà đất lớn đến mức nào. Vậy nên đất ở trung tâm tăng giá là do nhu cầu cao, giá trị thật. Ở trung tâm ít có miếng đất nào bỏ hoang, nhưng dù bỏ hoang thì giá tiền của nó vẫn cao.
Đất vùng ven có nơi hạ tầng phát triển, có nơi thổi giá ảo. Điều này không sai. Nhưng bản thân nhiều người lên thành phố lập nghiệp, đất ở quê rộng thênh thang. Cái sân thôi đã rộng bằng cả ngôi nhà thành phố. Cái vườn thì rộng hơn căn biệt thự. Thật sự họ không thiếu đất ở, họ cũng bỏ hoang đất ở quê đó thôi. Cái họ cần là nơi ở thành phố, và ai cũng cần, nên giá đất tăng.
Tôi nghĩ muốn kiểm soát giá đất thì nên giãn dân, phát triển các vùng, các tỉnh đồng đều. Còn nếu đánh thuế thì nên đánh thuế cả bất động sản thứ nhất như Mỹ (có thể khấu trừ diện tích trên đầu người ra rồi đánh thuế phần còn lại) và áp dụng niên hạn chung cư. Hai điều này sớm muộn cũng xảy ra nhưng tôi nghĩ sẽ không trong tương lai gần. Mà dù có xảy ra thì cũng không dễ mua nhà hơn.
Mua được nhà hay không là do mình có vượt trội với số đông ngoài xã hội hay không. Chính sách dễ dàng thì dễ với tất cả mọi người, cũng chả đến lượt mình nếu không cố gắng.
Còn về việc đầu tư bất động sản chỉ lãi 9% một năm thì đúng là không hấp dẫn nhưng cũng không quá tệ. Mấy năm trước lãi suất huy động dưới 9% vẫn có người gửi tiết kiểm đó thôi. Ít ra 9% vừa đủ chống trượt giá đồng tiền, coi như mua đất giữ tài sản cũng được. Chưa kể có thể cho thuê kiếm lời (đỡ hơn mua vàng, tuy thanh khoản tốt hơn nhưng không cho thuê được).
Đúng là đầu tư những mảng khác, ví dụ như kinh doanh hay chứng khoán có thể kiếm lời cao hơn, nhưng cần nhiều kiến thức và có rủi ro một tí, không phải ai cũng thích hợp. Tóm lại đầu tư gì là do năng lực, sở thích bản thân người đó.
Còn việc cái ví dụ doanh nghiệp của tác giả đưa ra thì thật tế nó như vậy, nhưng họ không sai. Thử hỏi triển khai một khu đô thị mất cả chục năm. Doanh nghiệp làm gì có đủ tiền tươi mà trả, họ phải vay là việc đương nhiên. Hoặc người mua phải trả góp tiền theo tiến độ. Giả sử doanh nghiệp có đủ tiền tươi đi nữa thì sau này khi bán phải tính kèm lãi suất, chi phí cơ hội, thì giá bán cũng không rẻ được. Mà doanh nghiệp làm ăn phải có lời, phải lợi nhuận vào giá bán chứ.
Quoc Khanh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.