Vấn đề là muốn để dành được một GDP đầu người mỗi năm như tác giả bài Mỗi năm dư 70 triệu, 30 năm mua được nhà hai tỷ đồng nói không phải dễ đối với phần đông gia đình.
Tiếp đến là nếu không có biện pháp kiểm soát giá đất tăng thì không cần đến 30 năm, chỉ tầm 5-10 năm nữa thôi sẽ chẳng còn căn nhà giá hai tỷ đồng nào trên thị trường khi giá nhà đất tăng lên chóng mặt như thế.
Và để có được hai tỷ đồng mua nhà với phần đông người dân Việt Nam là sự phấn đấu không biết mệt mỏi trong hàng chục năm nhưng khi đem hai tỷ đó đi mua nhà đất thì hai tỷ đồng đó không hề to như bạn tưởng đâu.
Bạn thử đem hai tỷ đồng ra mua nhà đất hoặc chung cư thử xem mua được những nơi nào ở Sài Gòn cũng như ở các tỉnh, rồi mới thấy tình hình bong bóng bất động sản nghiêm trọng thế nào.
GDP đầu người là 3.500 USD một năm thì với tỷ giá, giả định 25 nghìn đồng một USD, thì thu nhập một tháng chỉ khoảng 7,3 triệu đồng. Hộ gia đình hai người sẽ là 14,6 triệu đồng. Nếu để dành 6 triệu đồng một tháng cho đến lúc đủ hai tỷ mua nhà thì chắc nhà đã lên vài lần.
Còn nếu vay ngân hàng để mua nhà thì tối thiểu bạn phải có 20% giá trị căn nhà tức 400 triệu đồng, một con số cũng không phải nhỏ. Và ngân hàng đa phần chỉ cho bạn vay 20 năm, tôi chưa thấy ngân hàng nào cho vay đến tận 30 năm.
Và khi vay 1,6 tỷ đó cho 20 năm thì tiền gốc và lãi vay đã lên đến gần 4 tỷ đồng. Và số tiền bạn phải trả mỗi tháng trong 10 năm đầu sẽ dao động từ 15-10 triệu đồng một tháng. Như vậy là hộ gia đình đó nếu không có biện pháp gì kiếm thêm tiền thì sẽ "hít khí trời mà sống" trong khoảng 10 năm để vay mua căn hộ hai tỷ đấy.
Vậy nên muốn tính số liệu thì ráng thực tế xíu sẽ thấy được bức tranh nhà đất ngày nay thế nào. Còn lấy một nhóm nhỏ người giàu ra để nói mua nhà đất dễ lắm miễn là có cố gắng mà bỏ qua sự thật là giá đất ngày càng vượt xa giá trị thật của nó thì thật là khập khiễng.
Nếu Việt Nam là đất nước nhỏ bé về diện tích như Singapore trong khi dân số lại quá đông thì việc tăng giá đất khủng theo tôi là điều bình thường. Đằng này Việt Nam có diện tích tương đối rộng. Nếu so với dân số thì vẫn còn rộng chứ không đến nỗi thiếu đất.
Nhiều người mua đất nội thành không nổi thì mua đất ngoại thành, mua ngoại thành không nổi thì về tỉnh, tỉnh vẫn không nổi thì mua huyện xã.
Họ mua xong và bỏ hoang chờ lên giá vì chẳng thể ở hay kinh doanh gì với miếng đất đó được. Từ đó gây ra tình trạng khan hiếm đất đai ảo ở khắp mọi nơi trên đất nước này và đẩy giá đất lên quá cao so với giá trị đúng của nó.
Winter
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.