Tôi vội vã ngăn ngay vì thú thật trong những ngày này chỉ nói chuyện, vui chơi là chính chứ không sao ăn uống nổi.
Bởi suốt từ những ngày giáp Tết cho đến mâm cơm Tất niên, đêm giao thừa, mâm cơm sáng mùng một...ta luôn luôn nạp vào cơ thể một lượng lớn đồ ăn. Mà những món ăn ngày Tết của chúng ta thường ngấy mỡ và mau ngán như thịt đông, giò chả, thịt ba rọi kho hột vịt, bánh chưng, bánh tét... hoặc ngọt như các loại mứt, nước ngọt.
>> 'Tiêu tết nhẹ nhàng khi không có phán xét'
Với những ai ăn uống vô độ hoặc có tâm lý xả láng bởi một năm chỉ Tết có một lần thì chuyện tăng cân là điều hiển nhiên. Phải chạy bộ vài cây số mới tiêu hoá hết một miếng bánh chưng - lời "đe doạ" của bác sĩ không làm chùn lòng những người có tâm hồn ăn uống, bởi có quá nhiều cám dỗ. Tủ lạnh thì được chất đầy ắp thức ăn, dưới bếp thì lúc nào cũng có vài món nấu để sẵn.
Như nhà cô bạn mà tôi đến chơi, gia đình chỉ có bốn người nhưng ngày 30 Tết mẹ cô ấy nhất quyết phải gói bánh chưng cho có không khí chứ chẳng chịu mua bánh gói sẵn. Bốn người nhưng gói hơn chục cái bánh chưng thì ăn bao giờ mới hết?
Cô bạn tôi nói qua Tết ăn không hết lại phải đem lên sân thượng phơi khô rồi chiên giòn ăn tiếp bởi bỏ thì rất uổng. Bánh chưng vốn nhiều năng lượng, nay lại đem chiên ngập trong dầu, tuy ăn ngon miệng hơn nhưng cơ thể lại mũm mĩm hơn là điều khó tránh khỏi, tôi cảnh báo cô bạn như thế.
>> Tết về quê một tuần tốn 45 triệu, có đáng?
Nạn thừa mứa thức ăn ngày Tết là điều diễn ra ở nhiều gia đình năm này sang năm khác. Những bà nội trợ của các gia đình này có tâm lý sợ đói nên ra sức tích trữ đồ ăn mà không quan tâm đến nhu cầu của từng thành viên trong gia đình. Cá biệt, có nhiều người mang tâm lý trong nhà phải có sẵn đồ ăn đến qua mùng bảy, bởi đầu năm đầu tháng không nên cầm tiền đi mua thức ăn bởi đó là điềm không may.
Nói đâu xa, ngay như gia đình tôi, mặc đầu đã khuyên mẹ tôi rằng nên nấu nồi thịt kho hột vịt ít thôi, cho có hương vị truyền thống nhưng mẹ nhất quyết kho một nồi thật to. Hậu quả là đến ngày mùng ba vẫn chưa có ai đụng vào. Nồi thịt cứ thế hâm đi hâm lại rệu rã đến mùng bảy, mùng tám là chuyện hiển nhiên.
Tôi nghĩ từ Tết năm sau, các bà nội trợ nên thay đổi thói quen tích trữ, nấu nướng để bớt việc thừa mứa thức ăn sau những ngày Tết. Siêu thị chỉ đóng cửa ngày mùng một, mùng hai đã mở cửa lại rồi, nếu thích ăn gì thì ra mua vừa tươi vừa đủ dùng.
Trần Tùng
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.