Tối cuối năm tôi ngồi cà phê với đứa bạn là chủ cửa hàng điện thoại xách tay nho nhỏ. Bạn than năm nay buôn bán kém hơn năm rồi. Năm ngoái tầm này thì đường phố nhộn nhịp, người đi chơi, đi mua sắm đông đúc rất vui. Năm nay nhập hàng về ít mà vẫn còn tồn.
Đang than thì có đôi nam nữ chạy xe máy mới toanh vào mua điện thoại. Trong lúc ngã giá, chàng trai buột miệng nói: "Thưởng Tết năm nay vừa đủ tiền mua con iPhone Promax". Tôi bèn hỏi vậy tiền đâu về quê ăn Tết, cậu ấy trả lời: "Còn lương tháng 13". Tôi chợt nghĩ cậu này suy nghĩ như trẻ con được người lớn cho kẹo, ăn hết cái này thì sẽ được cho cái khác, không cần để dành.
>>Những người tuổi 30 tay trắng
Một câu chuyện khác, hai cô gái sinh viên năm cuối thuê trọ của tôi ngày thì đi học, tối đến thì livestream bán vớ. Vốn ban đầu là 10 triệu, mỗi người hùn 5 triệu. Bán qua các kênh mạng xã hội, bạn bè. Đầu tháng Chạp trường cho nghỉ học sớm, hai cô cố gắng online nhiều để có nhiều đơn đặt hàng hơn, mong kiếm chút tiền về quê tiêu tết, sắm sửa cho gia đình.
Qua hai câu chuyện thì tôi thấy tại sao xã hội có người giàu, người nghèo và câu "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời rất đúng". Cậu thanh niên kia đã đi làm, có lương hàng tháng, không lo nghĩ nhiều về tiền bạc nên có tiền là tiêu hết. Hai cô gái còn đi học nhưng buôn bán đồ online (cũng là một dạng khởi nghiệp nhỏ) cho thấy khiếu kinh doanh, buôn bán tức là có ý thức kiếm tiền sớm.
>> Tuổi 25 hưởng thụ hay tiết kiệm tiền?
Có lẽ bây giờ nhìn vào thì thấy cuộc sống của cậu thanh niên kia có phần bóng bẩy, của hai cô sinh viên có phần hơi cực (vừa học vừa làm) nhưng sau này thì chưa biết ai hơn ai. Bởi dù đi làm trước, có tiền trước nhưng không biết giữ tiền và tái đầu tư thì rất có nguy cơ không tích luỹ được gì nhiều.
Làm ra tiền đã khó, giữ tiền và làm cho tiền đẻ ra tiền còn khó hơn. Tôi không biết do ngày nay dễ kiếm tiền hơn ngày xưa chăng mà nhiều bạn trẻ có thói quen tiêu pha cho hôm nay mà chẳng chịu nghĩ đến này mai.
Lê Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.