Tiền tiêu dịp Tết khác với những ngày bình thường vì nó nhiều đột biến so với 11 tháng còn lại trong năm. Theo một báo cáo, trong tháng Tết 2019, người Việt chi tiêu 46.000 tỷ đồng cho mua sắm. Một người trường thành thường chi tiêu gấp hai, gấp ba, gấp năm mức chi ngày thường, thậm chí dùng hết tiết kiệm hoặc đi vay về tiêu xài.
Năm đầu tiên đi làm, Tết với tôi rất áp lực. Với đồng lương 8 triệu đồng tôi bắt đầu hồi hộp từ tháng 10. Tôi cắt chi tiêu, tính toán làm sao để tháng một sang năm có đủ tiền về quê ăn Tết. Mua cho bản thân mấy bộ đồ nhìn được được, quà tết cho cả nhà, còn về sắm chậu bông, tiền đi chợ, tiền lì xì các em... vì "nay chị Duyên đã ra trường rồi".
Cứ như thế, tôi về nhà trong nơm nớp, liệu nhiêu đây tiền có đủ tiêu Tết không? Hàng xóm có xì xào không? Họ hàng có đánh giá mình không?...Vài năm sau, tôi nhận ra bản chất của Tết đã bị bóp méo, y như cái cách người ta bóp méo bản chất của lì xì.
Cũng giống như kỳ nghỉ lễ Giáng sinh của các nước phương Tây, Tết Nguyên đán là kì nghỉ dài nhất trong năm của người Việt. Mục đích là để nghỉ ngơi và nạp năng lượng. Với người Việt, đây còn là dịp đoàn tụ cùng gia đình sau một năm dài. Để ngồi lại kể chuyện, chia sẻ, lắng nghe, tâm sự. Nếu đúng như vậy, thì Tết nên là dịp người ta thực sự được thả lỏng, cả thể chất và tinh thần.
Tết không nên là sàn diễn để mỗi người mỗi nhà khoe khoang vật chất, cũng không nên là ông chủ nợ xuất hiện vào mỗi cuối năm nhắc người người "lo mà chuẩn bị tiền đi đấy".
Tết không nên là bồn chồn, lắng lo, phung phí, tự ti, đố kị, so sánh, hình thức. Vì nếu tết là như vậy, tết thật buồn.
>> Tết về quê một tuần tốn 45 triệu, có đáng?
Tiêu tẹt ga khiến những ngày sau Tết trở nên đáng sợ với nhiều người. Vì thời gian vốn đâu có tạm dừng lại để người ta kịp kiếm thêm tiền sau khi tiêu sạch. Năm này rồi năm khác. Vòng luẩn quẩn như một căn bệnh kinh niên.
Để Tết thật sự vui như Tết hay bỏ bớt tiêu dùng khoa trương. Hoa vừa đủ đẹp không cần phải chậu này bình kia đầy nhà. Quần áo đủ mặc, xinh đẹp lịch sự không cần phải hiệu này hiệu họ. Xe vừa đủ nhu cầu di chuyển, điện thoại vừa đủ nhu cầu phục vụ cuộc sống. Thực phẩm vừa đủ ăn, không nên mua thừa mứa.
Bỏ bớt check-in sống ảo. Ngồi xuống với nhau xem coi người thân năm qua ra sao, bạn bè sức khỏe thế nào, có điều gì hay nói nhau nghe cùng. Bỏ bớt lắng lo hình thức, bỏ luôn nỗi sợ bị phán xét bởi xã hội. Tóm lại hãy đơn giản, nhìn sâu vào giá trị thật của Tết và hành động. Thực hành thay đổi từ cái Tết năm nay đi thôi, rồi bạn sẽ nhận ra Tết vui ghê.
Trần Mỹ Duyên
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.