Bài viết Khi người trẻ xét nét câu hỏi 'bao giờ lấy chồng?' nhận được nhiều quan tâm, bình luận phản biện. Độc giả huy nguyen cho rằng:
Tôi đồng ý với tác giả nếu sau câu trả lời của người trẻ, người lớn họ biết điểm dừng và đổi sang chủ đề khác. Nhưng không, họ truy cùng đuổi tận thậm chí còn kèm thái độ mỉa mai. Đấy mới là những thứ khiến người trẻ khó chịu.
Nhiều độc giả kể rằng thường phải rơi vào ma trận câu hỏi. Độc giả Phuong Dao nêu:
Không biết quan tâm được bao nhiêu, chỉ thấy soi mói, tò mò về đời tư của người khác rồi lại đêm đi lê la bàn tán lại với hội tám chuyện khác thôi.
Nào là cái X nhà bác Tư tệ quá, học dở nên chỉ tính thi trường đấy thôi, nào là cái Y nhà anh Sáu, ra trường mãi vẫn chưa tìm được việc hoặc học hành kiểu gì mà lương thấp thế. Lại còn kiểu con nhà mợ Tám xấu trai/ xấu gái, tánh kỳ nên mãi vẫn chưa có ai thèm yêu, ai chưa có bầu thì lại bảo chắc tại "gái độc" nên mãi chưa kiếm được mụn con...
Trả lời thật thì bị bàn tán ra vào, nói đại khái cho qua thì bị quát bảo mất dạy, phận con cháu mà bề trên hỏi han lại từ chối không mở lời thật...
Mà có phải một người hỏi đâu, tới nhà ai cũng hỏi nhưng câu đấy đến phát ngấy. Sợ nhất là lúc vợ chồng kế hoạch chưa sanh con thế nào cũng bị nói ra vào là bị này kia... Thật tâm hỏi các vị muốn quan tâm con cháu hay chỉ muốn tò mò, soi xét rồi ganh tị là nhiều vậy?
Độc giả Mai Thanh Hằng nêu nhiều ví dụ:
Nếu người lớn chỉ hỏi cho có câu chuyện thì chả nói làm gì. Sau khi người trẻ trả lời cho qua chuyện, họ sẽ cho mình quyền xét nét, quyền bình phẩm:
Nếu trả lời: "Dạ duyên chưa tới thôi ạ" - "Ôi giời, duyên với phận, sướng quá hoá rồ, kén cá chọn canh".
"Dạ chúng cháu kế hoạch nên chưa sinh ạ" - "Kế hoạch cái gì, cẩn thận không lại tịt, đẻ đi cho ông bà có cháu bế".
Câu nói đỉnh cao tôi ghét nhất ở mấy người lớn đó là "Lại đẻ con gái à? Sao không lọc đi kiếm đứa con trai? Kiếm tiền nhiều để làm gì con trai thì không có. Mai mốt nhà cao cửa rộng con rể ở, tiền bạc đầy nhà cháu ngoại tiêu thôi".
Một số độc giả cho rằng không thiếu những câu hỏi không mang tính soi mói chuyện cá nhân nếu muốn bắt chuyện, mở đầu một cuộc giao tiếp:
Có thiếu gì cách mở đầu câu chuyện. Chọn cách hỏi han thế này có phải người hỏi đang gây khó chịu cho người trả lời, thế thì trách gì nếu người trả lời đưa lại cho họ cảm giác khó chịu đó.
Tôi đã từng bị hỏi như thế. Tôi đã cố trả lời để lãng sang chuyện khác. Cuối cùng thì sao, cả đống câu hỏi khác lại ập đến, cố xoáy cho ra vấn đề. Nếu là câu mở đầu thì một câu là đủ rồi chứ.
Sao không mở đầu bằng "khoẻ không? Vui không? Dạo này sao rồi...". Tôi thấy tốt nhất vẫn là đừng hỏi. Còn lỡ bị hỏi thì tốt nhất lơ đi. Càng trả lời hay càng lảng tránh thì càng bị vặn vẹo.
Nhân tiện chia sẻ thêm một câu hỏi cực kỳ vô duyên của người lớn đối với con nít mà thường được nghe sau một hồi hỏi han: "Con thương ba hơn hay thương mẹ hơn?".
Có hàng ngàn câu hỏi, hàng ngàn cách mở đầu một câu chuyện. Nếu bạn chỉ biết cách mở đầu bằng việc hỏi những câu đời tư như thế thì bạn nên tìm hiểu thêm về cách giao tiếp. Đừng đổ lỗi cho người trả lời. Hãy bớt vô duyên lại đi người hỏi à.
Đã là xã giao, thì cứ nói chuyện thời tiết, hoa đào hoa mai, bánh chưng có phải hơn không. Bây giờ giới trẻ họ hỏi xã giao người lớn kiểu "con gái bác lớn tuổi rối đấy bao giờ lấy chồng" hay "con trai bác sao không biếu bác được nhiều hơn ăn Tết" thì không biết chừng các bác lại phật ý.
Tôi 46 tuổi, không bênh bên nào, chỉ bênh người lịch sự. Ngày Tết tôi chỉ hỏi chuyện hoa mai hoa đào, hay hỏi họ có gói bánh chưng hay mua, rồi chúc họ đón Tết vui vẻ. Xã giao chỉ cần thế.
Còn thân tình thì tôi hỏi: Các cháu các em đi học có gì vui hay thú vị thì kể cho bác nghe; các cụ tôi cũng hỏi đi chùa đi lễ có gì vui thì xin các cụ kể cho nghe. Đấy là thật lòng tôi muốn biết họ có vui không. Như vậy cũng có thể tiếp tục câu chuyện.
Hà Hà Nội
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.