Năm 2001, tôi mua miếng đất 400 m2, đã có 200 m2 đất thổ cư. Tôi làm thủ tục chuyển đổi sang đất thổ cư phần diện tích còn lại, khung giá đất lúc đó là 360.000 đồng một m2, giá vàng 9999 lúc đó là 5 triệu đồng một lượng, lương công nhân là 500.000 đồng một tháng. Tổng số tiền chuyển mục đích sử dụng đất tôi cần phải đóng 72 triệu đồng (tức gần 15 cây vàng).
Hiện tại, sau 22 năm, khung giá đất tại khu vực này đã được điều chỉnh tăng thành 14 triệu đồng một m2. Như vậy, nếu trước đây tôi không bỏ 72 triệu đồng để nộp thuế chuyển đổi mục đích sử dụng 200 m2 đất, thì bây giờ tôi phải kiếm làm sao có được 2,8 tỷ đồng (gần 40 cây vàng SJC) để nộp?
Tôi còn có một miếng đất trồng cây lâu năm diện tích 2.000 m2 ở quê do bố mẹ để lại. Trước năm 2021, đất nằm trong vùng quy hoạch để mở đường, cây xanh, công viên, nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Khung giá đất ở lúc đó là 1 triệu đồng mỗi m2. Từ đầu năm 2022, khu vực này bỏ quy hoạch, khung giá đất mới được áp dụng là 3,3 triệu đồng một m2.
Như vậy, nếu trước 2022 miếng đất không nằm trong quy hoạch thì số tiền bỏ ra để chuyển đổi sang đất ở chỉ là 2 tỷ đồng. Còn bây giờ, cũng mảnh đất đó, để chuyển đổi mục đích sử dụng, tôi phải bỏ ra tới gần 6,6 tỷ đồng. Nói vậy để thấy, cho dù bạn không có ý định mua bán qua tay, nhưng giá trị của đất vẫn tăng sau mỗi lần điều chỉnh khung giá đất tại địa phương. Đó là lý do vì sao nhiều người vẫn chọn bất động sản là kênh đầu tư lâu dài và đảm bảo sinh lời tốt nhất.
Tất nhiên, không phải cứ mua bất động sản là có lợi nhuận. Trong kinh doanh, người thành công thì ít mà phá sản thì nhiều. Không tin, bạn cứ ra ngân hàng vay mua bất động sản đầu tư vài năm xem kết quả sẽ thế nào? Gần nhà tôi có một người mua đất trong các dự án, lúc bán xong thu tiền về chỉ vừa đủ trả cho ngân hàng, vốn ban đầu bỏ ra coi như bay hơi hết sạch. Trong khi đó, bạn tôi cần bán một miếng đất trong dự án với giá 3 tỷ đồng (bằng lúc mua ban đầu cách đó ba năm) nhưng không thể nào bán được. Số tiền 3 tỷ đó bạn đi vay ngân hàng, giờ điêu đứng vì trả lãi. Thế nên, mọi người đừng "thấy người ta có khoai ăn, cũng vác mai đi đào".
Xét cho cùng, đất rồi cũng chuyển từ người này qua người khác, tiền được xoay vòng để đầu tư, mua sắm. Không như thời ông bà xưa có tiền là mua vàng cất tủ thì làm sao kinh tế phát triển.
>> Cái giá phải trả khi nhiều người giàu lên từ đất
Còn về câu chuyện không mua nổi nhà, tôi cho rằng nếu bạn không cải thiện được cuộc sống, đó là lỗi của chính bạn. Chị tôi ở nước ngoài, mua nhà trả góp trong 20-30 năm, nói đó là chuyện bình thường, mở mắt là còn nợ. Vì vậy, việc đi làm vài chục năm mới mua được nhà, đất là chuyện rất bình thường ở bất cứ đâu.
Bố mẹ tôi thuộc thế hệ đầu 4X, khởi điểm cũng chỉ có 1.000 m2 đất để trồng rau và chăn nuôi. Khi có khoản tiền tiết kiệm, ai bán miếng đất nào vừa túi tiền là họ mua để mở rộng canh tác. Sau gần 15 năm, họ có được hơn 1 ha để canh tác. Vậy mới nói, cái gì cũng phải chịu khó làm ăn tích lũy, chứ lấy đâu ra có sẵn?
Thu nhập không tốt mà cứ đòi hỏi mua nhà ở thành thành phố với giá gấp vài ba lần ở tỉnh, trong khi năng lực, chất lượng công việc thì không cải thiện, vậy thử hỏi tăng thu nhập bằng cách nào để mua? Những đồng nghiệp của tôi trước đây làm cùng công ty, bây giờ họ vẫn đi làm công ăn lương, đã mua nhà ở thành phố giá trị cả 10 tỷ đồng cách đây gần 10 năm. Họ đâu có mua bán bất động sản hoặc kinh doanh. Muốn mua nhà thì phải xác định được thu nhập của mình để chọn nơi làm việc phù hợp với giá nhà.
Nơi tôi ở hiện nay, có những căn hộ 40 m2 họ rao bán trên mạng cũng chỉ 700-800 triệu đồng; căn 70 m2 có hai phòng ngủ, đã trang bị nội thất cũng chỉ 1,3 tỷ đồng. Là một tỉnh công nghiệp có rất nhiều công ty FDI, nên công việc làm ăn với thu nhập tại đây cũng khá tốt. Những sinh viên mới ra trường vào làm lương khởi điểm cũng 10 triệu đồng một tháng.
Muốn tăng thu nhập bạn phải nâng cao năng lực, chất lượng công việc, chứ đừng nghĩ chỉ có kiến thức nhiêu đó "bào" ra mà ăn thì sẽ sớm bị đào thải. Như vậy, giả sử hai vợ chồng chỉ có thu nhập tổng khoảng 30 triệu đồng một tháng, thì sống tiết kiệm cũng chỉ khoảng bảy năm là mua được căn hộ.
Ở những tỉnh cạnh Sài Gòn ngày nay, công việc và thu nhập đâu thua gì thành phố, mà giá nhà, mức sống lại rẻ hơn nhiều. Trường học cho các con thì từ công lập, tư thục, tới quốc tế đủ cả, chỉ sợ không đủ tài chính cho con học thôi. Tôi đã rời Sài Gòn về đây lập nghiệp từ năm 1996, bây giờ, chuyện mua nhà ở phố với tôi chẳng còn là vấn đề nữa, quan trọng là tôi có nhu cầu hay không mà thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.