Đề xuất thu thuế nhà đất được UBND TP HCM nêu trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 vừa gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Chính phủ. Theo đó, thành phố kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên với hai phương án: thành phố kiến nghị thí điểm thu thuế nhà và đất ở mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng (Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng); hoặc thành phố sẽ đề xuất tăng mức thu liên quan nhà đất thứ hai trở lên.
Tôi hiểu rằng mục đích lớn nhất của việc đề xuất thu thuế bất động sản thứ hai là nhằm hạn chế tình trạng đổ xô mua đất đầu cơ như hiện tại. Tuy nhiên, giải pháp nào cũng phải bắt đầu từ gốc rễ của vấn đề thì mới có thể giải quyết được triệt để những tồn tại. Có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi: tại sao lại có tình trạng đầu cơ nhà đất? Đó là bởi vì giá nhà đất liên tục tăng cao chóng mặt.
Vậy tại sao giá nhà đất lại tăng cao như vậy? Đơn giản vì sự tập trung mật độ dân cư quá lớn tại các thành phố lớn, khiến cho nhu cầu nhà ở tại đây tăng đột biến. Hệ quả sẽ dẫn tới việc sẽ có nhiều người sẵn sàng trả giá cao hơn mức bình thường để mua bằng được nhà, đất lại các khu vực trung tâm hoặc thuận tiện sinh sống.
Như vậy, vấn đề cốt lõi ở đây là sự phân bố dân cư không đồng đều. Nói cách khác, muốn giải bài toán loạn giá nhà, đất, chúng ta phải có biện pháp điều chỉnh giãn bớt dân cư, tránh tập trung sinh sống trong một khu vực hẹp, dẫn tới sự ganh đua mua bán nhà, đất, đẩy giá tăng cao mất kiểm soát.
>> 'Đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ giúp giá nhà, đất TP HCM hạ nhiệt'
Vì thế, tôi nghĩ rằng, thay vì tập trung tranh cãi việc thu thuế bất động sản thứ hai, chúng ta nên xem xét thu thuế dân cư tại các vùng có mật độ người cao, thuế này có thể tính theo thu nhập hoặc tính một mức tối thiểu (giống thuế môn bài đối với doanh nghiệp). Ví dụ, người dân sống tại Quận 1 (chỉ cần là có đăng ký tạm trú) thì hàng tháng sẽ phải nộp thuế dân cư, tối thiểu là 500.000 đồng một tháng hoặc 5% mức thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân. Tiền thuế dân cư này sẽ nộp cho quận để có nguồn ngân sách chi phúc lợi trong địa bàn quận đó.
Nói đến đây, chắc hẳn sẽ có người phản biện lại tôi rằng: thuế cao và có nhiều người không đủ khả năng nộp thuế dân cư này thì sao? Tôi nghĩ đơn giản rằng những người không đủ khả năng có thể chuyển sang các địa bàn khác, các khu vực lân cận có mức thuế dân cư thấp hơn hoặc về hẳn các tỉnh để không bị áp dụng thuế dân cư. Đó là các hữu hiệu để phân bố lại dân cư, góp phần giải bài toán giá nhà, đất đang khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu suốt thời gian qua.
Bạn có nghĩ giải pháp này sẽ khả thi và đem lại hiệu quả?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.