Hiện nay, nhiều ngân hàng đang áp dụng mức lãi vay mua nhà thấp từ 4,99-5,9%/năm, tuy nhiên chỉ được áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định, từ 3-6 tháng đầu tiên. Sau đó, các ngân hàng sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường hoặc áp dụng lãi suất ở mức cao để bù đắp lại.
Thông thường, lãi suất thả nổi sẽ bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ lãi suất khoảng 3-5%/năm, hoặc bằng lãi suất cơ sở được ngân hàng công bố cộng thêm biên độ 3-5%/năm. Như vậy, lãi suất cho vay mua nhà sau thời gian ưu đãi sẽ tăng lên rất nhiều, người vay có thể phải chịu lãi suất từ 11-13%/năm.
Là người Việt, khách quan mà nói, tôi cho rằng những chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang rất phù hợp và có những tác động rất tích cực tới việc ổn định lạm phát trong kinh tế vĩ mô. Vì với lãi suất tiết kiệm cao như vậy sẽ thu hút lượng lớn tiền gửi từ người dân vào, đồng thời góp phần giảm lượng tiền cho vay ra ngoài thị trường. Qua đó, giúp lượng tiền mặt trong nền kinh tế xuống thấp, góp phần ổn định lạm phát.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi cũng mong các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng tư nhân xem xét kỹ lưỡng việc giảm lãi suất cho vay với các đối tượng là người dân đã vay mua bất động sản từ hai năm trước, vì họ có nhu cầu ở thực sự.
>> Hành trình 5 năm mua nhà Sài Gòn từ hai bàn tay trắng
Trong thời kỳ đại dịch Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất cho vay với mong muốn bơm tiền ra nền kinh tế. Người dân vay mua bất động sản đã làm rất tốt trong việc hấp thụ dòng tiền này. Đến hiện tại, do muốn kiểm soát lạm phát nên ngân hàng đang tăng lãi suất cho vay (cả cũ và mới). Trong khi đó, người mua bất động sản cũng đã gửi tiền thu nhập hàng tháng để trả lãi suất.
Rõ ràng, những người này, đang không làm tăng tiền mặt trong nền kinh tế. Mặt khác, họ còn giúp giảm lượng tiền mặt trong nền kinh tế. Họ vẫn đang chăm chỉ làm việc và giúp nền kinh tế vận hành ổn định, hoàn toàn hợp với chính sách vĩ mô và không ảnh hưởng gì đến lạm phát. Vậy bắt họ phải chịu lãi suất tăng cao liệu có thỏa đáng?
Chính vì vậy, tôi cho rằng, những người này nên nhận được mức lãi suất thấp, thậm chí là ưu đãi còn 8-10% ở thời điểm hiện tại để giảm bớt gánh nặng trả nợ. Tất nhiên, vấn đề này phải có sự đồng thuận của hai bên (bên cho vay và bên vay).
Ở đây, tôi cho rằng các ngân hàng chỉ nên tăng lãi suất cho vay với những khoản vay mới từ cuối năm 2022 trở đi. Còn những khoản vay cũ thì nên giữ nguyên mức cũ vì người ta cũng đã tính khả thi năng trả lãi và gốc như thế nào rồi mới vay, nếu giờ thay đổi bất ngờ sẽ làm đảo lộn hết cuộc sống của nhiều người.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.