Có một quan niệm khá phổ biến trong xã hội Việt, đó là "có đất là giàu". Điều này xuất phát từ thực tế gần như tất cả hộ gia đình ở Việt Nam đều sở hữu nhà riêng gắn với đất và theo thời gian, giá đất luôn tăng. Ngộ nhận về việc dễ làm giàu bằng đất khiến nhiều người từ nhiều ngành nghề trong xã hội, thậm chí không học hành gì cũng đổ xô đi buôn đất, đầu cơ lướt sóng, làm "cò đất" với tham vọng đổi đời. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là nếu không đổ tiền vào đất, thì người ta sẽ đầu tư gì trong bối cảnh các lĩnh vực khác như chứng khoán, vàng, tiền ảo... vốn không dành cho những "tay mơ" và rủi ro không nhỏ?
Độc giả Trần Nguyễn Hoàng Hoa lý giải nguyên nhân chọn kênh đầu tư bất động sản: "Tôi là một lãnh đạo của ngân hàng, làm công ăn lương, và cũng có kinh doanh bên ngoài. Với tiền tích lũy hàng tháng, tôi vay thêm và để dành mua đất khi giá còn rẻ, và một ít mua bảo hiểm nhân thọ. Với việc mất giá của đồng tiền như hiện nay thì ngoài kênh trú ngụ của vàng, tôi chỉ còn biết mua bất động sản để dành sau này, xem như lương hưu dưỡng già.
Thực tế, lương hưu của tôi sau này cũng không biết có đủ sống mà không dựa dẫm con cái không? Trượt giá, chế độ phúc lợi, lương hưu thấp đẩy mọi người vào hành vi mua bất động sản phòng thân. Do đó, cũng tùy theo mục đích của mỗi người, chứ không nên đánh đồng tất cả người mua đất là làm lũng đoạn thị trường".
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Mai Khanh cũng chọn bất động sản làm kênh đầu tư an toàn nhất cho bản thân: "Cách đây chín năm, vợ chồng tôi mua một miếng đất diện tích 100 m2 với giá 2,3 tỷ đồng. Bây giờ, muốn mua miếng đất như thế, chúng tôi cần ít nhất 10 tỷ đồng. Giả sử hồi đó vợ chồng tôi không chọn mua đất mà dùng số tiền đó gửi tiết kiệm, thì có lẽ bây giờ giỏi lắm chúng tôi cũng chỉ mua được một nửa miếng đất kia.
Chúng tôi không dám trông mong sau này dựa dẫm vào con cháu và thực lòng cũng không muốn điều đó. Chúng tôi cũng không thể chỉ trông chờ vào lương hưu khi mà về già có lẽ tiền thuốc tốn nhiều hơn tiền ăn. Vì thế, chúng tôi buộc phải chủ động các kênh đầu tư của mình. Mà bất động sản là một trong số đó, nếu không muốn nói là chiếm phần lớn trong các khoản đầu tư của vợ chồng tôi".
>> 'Đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ giúp giá nhà, đất TP HCM hạ nhiệt'
Tuy nhiên, chứng kiến việc giá nhà, đất ngày một tăng phi mã, người người đổ tiền vào bất động sản, độc giả Hale bày tỏ lo ngại: "Giá đất ngày càng tăng khiến giá cả của tất cả các mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo. Đúng là buôn bất động sản cũng là một ngành nghề, nhưng đây là một ngành cực kỳ nguy hiểm đối với toàn bộ nền kinh tế và sức khỏe tinh thần của toàn xã hội. Hãy nhìn sang Hàn Quốc, Nhật Bản, HongKong, chúng ta sẽ thấy nơi nào nhà đất giá cao, nơi đó ít sinh đẻ và hệ lụy cho xã hội ngày càng lớn. Áp lực học hành, áp lực mưu sinh, áp lực mua nhà... sẽ đẩy con người ta đến bờ vực thẳm.
Tôi nghĩ rằng, cần siết thật chặt việc kiểm soát ngành nghề đặc biệt này. Đừng như con thiêu thân lao đầu vào buôn đất. Thực tế, gửi ngân hàng với lãi suất lũy kế còn ổn định và an toàn hơn buôn đất rất nhiều. Đúng là thực tế có rất nhiều người phất lên từ đất trong một thời gian ngắn, nhưng nên nhớ cũng có nhiều người khóc ròng, chui lủi trốn tránh khắp nơi vì các con nợ đến đòi tiền. Đời là thế, ăn chậm thì sẽ no lâu".
Đồng quan điểm, bạn đọc Thinh cảnh báo hệ lụy khi phong trào "đổ tiền vào đất" ngày một tăng cao trong xã hội: "Ở Việt Nam, khoảng vài chục năm trở lại đây, phong trào đầu tư chứng khoán , bất động sản lên cao chưa từng thấy. Có nơi nhà nhà, người người chơi chứng khoán và buôn bán đất đai để mong làm giàu nhau. Quả thực, đúng là có không ít người phất lên rất nhanh, chỉ sau vài lần trúng đậm vài miếng đất.
Nhưng tổng thể, thị trường bất động sản Việt Nam chỉ là mua bán qua tay từ người này sang người khác để ăn chênh lệch. Đây là kiểu làm ăn chụp giật, ăn xổi. Giá đất vì thế vị đẩy lên cao không phanh. Người có nhu cầu thực sự cần mua nhà ở thì không theo kịp đà tăng gúa bất động sản. E rằng, khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra trong một ngày không xa nếu tiền vay ngân hàng đổ vào bất động sản cứ không có điểm dừng như hiện nay".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.