Nông dân Lâm Đồng trồng mâm xôi kết hợp du lịch canh nông
Anh Huỳnh Trung Quân đa dạng hóa sản phẩm, tránh phụ thuộc quả tươi và hướng tới du lịch canh nông để phát triểm mâm xôi bền vững.
Giáo viên Huỳnh Trung Quân, sinh năm 1975, là một trong những người đầu tiên nhân rộng và phát triển cây mâm xôi ở Lâm Đồng. Năm 1998, khi đồng lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống, anh nghỉ việc sang Lâm Đồng làm thuê và được giao quản lý trang trại mâm xôi cho một doanh nghiệp nông nghiệp châu Âu.
Năm 2008, công ty giải thể, trang trại chuyển sang trồng khoai tây, anh nông dân 7x xin mua lại và đem về trồng trên mảnh vườn 2.000 m2 nhà mình.
Khu vườn được trồng hoa hai bên đường. Ngoài ra, sân bên trong cũng sắp có khu sinh thái nhỏ với nhiều lan làm chỗ nghỉ chân cho khách du lịch. Theo anh nông dân 7x, cơ sở đang hướng tới trở thành điểm du lịch canh nông giống như nhiều mô hình ở nước ngoài. Nghĩa là, khách tham quan có thể tự tay chế biến các sản phẩm từ quả mâm xôi họ hái về.
Như vậy, khu vườn cần đáp ứng ít nhất 24/30 tiêu chí do cơ quan thẩm quyền tỉnh công nhận như không gian thoáng mát, xanh, sạch, đẹp; có sản phẩm đặc trưng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng,...
Bên cạnh mục tiêu trên, lão nông cũng nghĩ ra nhiều sản phẩm khác như mứt, trà, nước cốt, rượu vang, rượu từ mâm xôi. Anh mong muốn phát triển được vùng nguyên liệu để giới thiệu loại cây này đến nhiều người tại Việt Nam và cả khách nước ngoài.
|
Nước cốt, trà, mứt, mặt nạ, rượu mâm xôi do anh Quân tạo ra. Ảnh: phucbontu.net |
Chia sẻ kỹ hơn về mâm xôi, anh Quân cho biết cây xuất thân từ loài dâu dại, mọc nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, loại trái để làm mứt, nấu rượu, ăn sống và trồng nhiều ở khắp châu Âu là giống mới. Cuối thế kỷ XIX, một nhà nông học gốc La Mãi lai tạo loại cây này từ những hạt giống mâm xôi đầu dòng, cho năng suất cao, vượt trội hơn tổ tiên hoang dại.
Các múi quả chín đều chứa hạt, xếp thành vòng tròn sát nhau đầy lên như mâm xôi. Trái chứa nhiều vitamin C, kẽm, magie và chất xơ. Bởi vậy, đông y ghi nhận quả có công dụng bổ can, cố niệu, ích trí, nhuận da, trợ dương… Ngoài ra, tây y cũng đánh giá mâm xôi có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa…
|
Đài hoa mâm xôi được phơi để làm trà cùng với thân, lá. Ảnh: Bizmedia |
Ngày đầu thiếu vốn, anh Quân thử nghiệm khoảng 200 – 300m2 trong nhà kính, còn lại canh tác ngoài trời. Năng suất cả năm thời điểm đó chỉ bằng khoảng 2 ngày so với hiện nay. Dần dần, anh nông dân 7x tự tìm hiểu thêm và rút ra kinh nghiệm về đặc tính của cây.
Anh cho biết: "mâm xôi là cây dược liệu, nếu được chú ý đến thì sẽ phát triển mạnh, bởi cây này ở nước ngoài thường thì chỉ cho thu hoạch một vụ thôi nhưng ở Lâm Đồng thì có quanh năm".
Theo lão nông, mâm xôi không khó trồng vì có gốc là cây dại. Nông dân không cần trồng mới bằng hạt, cây con cứ thế đâm nhánh từ gốc cây mẹ ra. Tuy nhiên, người trồng cần chăm sóc, bón phân, tỉa cành hợp lý mới cho năng suất tốt.
Áp dụng tiêu chuẩn VietGap, anh Quân hầu như không dùng thuốc trừ sâu. Khu vườn được trồng hoa, những loài cây dẫn dụ và đặt bẫy côn trùng sinh học. Ngoài ra, nhà kính mở để côn trùng, ong bướm tự do ra vào, duy trì hệ sinh thái và thiên địch.
Cây thụ phấn cho hoa liên tục giúp quả đạt năng suất cao, khoảng 1.900 kg/1.000 m2. Bởi vậy, trái được thu hái mỗi ngày vì quả không chín đồng loạt mà rải rác. Sau đó, công nhân đưa trái thu hoạch về nhà sơ chế được xây riêng, sạch sẽ, phục vụ phân loại, đóng gói.
|
Chùm mâm xôi ra sai quả, cho quả chín để thu hái liên tục. Ảnh: Bizmedia |
Sản phẩm loại 1 để nguyên cuống, được bỏ vào hộp bảo quản lạnh và vận chuyển đi Đà Lạt, TP HCM… Các quả loại 2 được nhặt bỏ cuống, cấp đông tại chỗ trong kho lạnh tới -15 độ C để giữ độ tươi, phục vụ chế biến các sản phẩm mứt, rượu, siro (nước cốt). Lá, thân, đài hoa được sử dụng làm trà.
|
Mâm xôi loại một đẹp được đóng hộp phục vụ tiêu thụ quả tươi. Ảnh: Bizmedia |
Mỗi năm, khu vườn cho lợi nhuận 5-6 tỷ đồng, đồng thời, đem lại việc làm ổn định cho hơn 30 lao động địa phương mức thu nhập 4-9 triệu đồng một tháng.
Anh Quân chia sẻ, anh mong muốn không chỉ người Việt được tiêu dùng sản phẩm mâm xôi sạch, mà còn đưa được cây mâm xôi Việt đi xa hơn.
Giang Tạ