Những lưu ý phòng bệnh khi nuôi lươn
Con giống yếu, bị nhiễm bệnh, di chuyển môi trường sống là những nguyên nhân khiến cho lươn nuôi dễ mắc bệnh.
Chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao là lý do nhiều bà con nông dân phát triển mô hình nuôi lươn kiếm thêm thu nhập. Dẫu vậy, quá trình nuôi lươn đòi hỏi người nông dân phải chăm sóc cẩn thận, chịu khó quan sát cũng như am hiểu về lươn, đặc biệt là các loại bệnh mà lươn thường mắc phải.
Bệnh sốt nóng
Bệnh sốt nóng xảy ra do mật độ nuôi dày đặc dẫn tới lượng oxy hòa tan thấp hoặc do ô nhiễm môi trường nước từ thực ăn thừa không được dọn sạch. Biểu hiện của lươn khi mắc bệnh có thể nhận thấy rõ khi nhiệt độ nước có dấu hiệu tăng lên, trong nước có chứa dịch nhớt do lươn tiết ra. Lươn đầu sưng phồng, quấn lấy nhau và có dấu hiệu ngoi ngóp, chết hàng loạt.
Để điều trị, cần vớt hết lươn chết ra khỏi ao, thay nước và đất đồng thời giảm mật độ nuôi, nâng cao chất lượng nước trong bể. Có thể thả thêm bèo để che mát và thả thêm cá trê để ăn thức ăn thừa. Khi phát hiện bệnh có thể dùng các sản phầm nguồn gốc iod hoặc có tính sát trùng hay phèn xanh để ngâm tắm cho lươn.
Thả bèo để làm mát cho lươn. Ảnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước. |
Bệnh lở loét
Bệnh lở loét xuất hiện với nhiều vết lở loét hình tròn trên mình lươn, khiến lươn bơi lội khó khăn, nổi đầu lên mặt nước hoặc bị rụng đuôi. Nguyên nhân chính gây bệnh là do ký sinh trùng hoặc vi trùng gây nên.
Để phòng bệnh lở loét, cần sát trùng bể bằng vôi trước khi nuôi hoặc phun thuốc Steptomycin.
Để chữa bệnh, nông dân cần trộn Oxytetra vào thức ăn cho lươn với liều lượng 5g/50kg lươn, có thể trộn kèm vitamin C, đồng thời, bôi thuốc tím vào vết loét.
Bệnh tuyến trùng
Bệnh tuyến trùng do ký sinh trùng đường ruột gây ra. Lươn mắc bệnh có dấu hiệu yếu, ký sinh nhiều dẫn đến hậu môn sưng đỏ, yếu dần rồi chết.
Cách điều trị trước tiên cần vớt hết lươn chết khỏi ao. Thay nước và thay đất nếu bà con thấy bị ô nhiễm nặng đồng thời sử dụng các sản phẩm diệt nội ký sinh trùng, trộn trực tiếp vào thức ăn cho lươn trong khoảng 4-5 ngày.
Thay nước và sử dụng các sản phẩm diệt nội ký sinh trùng. Ảnh: Thư viện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. |
Bệnh đỉa bám
Bệnh đỉa bám gây nên do đỉa bám vào phần đầu lươn, hút máu lươn làm cho vi trùng xâm nhập gây viêm nhiễm. Bệnh khiến cho lươn yếu, kém ăn và dần chết khi bị nhiễm trùng nặng.
Để phòng trị bệnh đỉa bám, cần sử dụng dung dịch phèn xanh (sulphate đồng) với liều lượng 100ppm. Ngâm, rửa bồn trong khoảng 5-10 phút đồng thời sử dụng các sản phẩm phòng trị ngoại ký sinh trùng.
Bệnh nấm thủy mi
Nấm thủy mi do ký sinh trùng gây ra, với triệu chứng là hình thành các đám sợi hình bông, bám vào mình hoặc trứng lươn. Phòng chống bệnh nấm thủy mi, người nông dân cần sát trùng bể bằng vôi trước khi nuôi.
Đối với lươn mắc bệnh, hòa Sodium bicarbonate với nước theo tỷ lệ 0,4/1000, sau đó tưới khắp bể. Bên cạnh đó, cần tắm cho lươn bằng nước muối cũng như ngâm trứng vào dung dịch xanh methylene để diệt ký sinh trùng.
Tuy lươn là đối tượng dễ nuôi, dẫu vậy đây vẫn là giống được đánh bắt từ thiên nhiên, không qua thuần hóa. Vì thế, quá trình nuôi lươn bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh ngay từ trước khi thả giống cũng như tham khảo, áo dụng các kỹ thuật nuôi lươn hiệu quả để loại bỏ mầm bệnh và đạt năng suất chăn nuôi cao nhất.
Vân Anh