Cách nuôi lợn an toàn sinh học mùa dịch
Quy trình chăn nuôi lợn sinh học cần đảm bảo vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại để đảm bảo an toàn.
Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chăn nuôi lợn an toàn sinh học cần áp dụng tổng hòa các giải pháp, ứng dụng công nghệ vi sinh trên nền hữu cơ chất lượng cao và hoàn toàn không sử dụng kháng sinh hayhóa chất.
Bên cạnh các yêu cầu về chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi, con giống, các phương thức vệ sinh, chăn nuôi, chăm sóc, nuôi dưỡng thì sử dụng thức ăn có bổ sung chế phẩm vi sinh là một trong những biện pháp hữu hiệu.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra một số khuyến cáo khi sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn cho lợn.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT kiểm tra mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học. |
Theo công văn số 5329/BNN-CN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về việc "Tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi", nguyên tắc sử dụng thức ăn có bổ sung chế phẩm vi sinh như sau:
- Chế phẩm vi sinh bao gồm chế phẩm probiotic (lợi khuẩn) và enzyme.
- Khi bổ sung chế phẩm vi sinh là probiotic không nên dùng kháng sinh vì kháng sinh làm mất tác dụng của vi sinh vật và giảm hiệu quả sử dụng thức ăn.
- Cơ sở chăn nuôi có thể tự trộn thức ăn tại trại hoặc sử dụng thức ăn công nghiệp mua từ cơ sở sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc.
- Các biện pháp an toàn sinh học phải luôn đảm bảo theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc nhà cung cấp sản phẩm.
Các nông hộ, trang trại sử dụng thức ăn có bổ sung chế phẩm vi sinh có thể chia làm các giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (lợn có khối lượng dưới 20 kg): Ở giai đoạn này, cơ sở chăn nuôi nên sử dụng thức ăn công nghiệp mua từ những cơ sở sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng và an toàn. Bổ sung chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Giai đoạn 2 (lợn có khối lượng từ 20 kg trở lên): Ở giai đoạn này có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh hoặc thức ăn tự phối trộn.
Thức ăn tự phối trộn từ những nguyên liệu thông dụng, sẵn có tại địa phương, không nên sử dụng nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc động vật (ngoại trừ bột cá). Trước khi chế biến, cơ sở cần lập công thức thức ăn (khẩu phần cơ sở) theo từng giai đoạn sinh trưởng đảm bảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho lợn.
Khuyến cáo một số công thức thức ăn (khẩu phần cơ sở) giai đoạn lợn có khối lượng từ 20 kg đến khi xuất chuồng. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý, chế phẩm vi sinh chỉ phát huy tác dụng khi nó được sử dụng đúng yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất vì bản chất chúng là vi sinh vật nên phải có một môi trường phù hợp (ví dụ không dùng chung với kháng sinh).
Đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học được coi là một trong những giải pháp góp phần phòng chống dịch bệnh và phát triển ngành chăn nuôi lợn nước ta.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 10/9, dịch bệnh tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại hơn 7.400 xã, với tổng số lợn bị tiêu huỷ lên tới gần 5 triệu con, tổng trọng lượng 282.426 tấn (chiếm 7% tổng trọng lượng lợn thịt của cả nước).
Đến nay, dịch bệnh tả lợn Châu Phi chưa có vắc-xin phòng bệnh, do đó chăn nuôi lợn an toàn sinh học đang được đánh giá là một trong những giải pháp mang tính bền vững góp phần phòng chống dịch bệnh và phát triển ngành chăn nuôi lợn nước ta.
Tại hội nghị "Phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học" được tổ chức vào đầu tháng 9 ở Hà Nội, các đại biểu gồm đại diện chính quyền các cấp, ngành, chuyên gia trong lĩnh vực đã nhấn mạnh, chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp số 1 để phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi nói chung và nuôi lợn nói riêng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng khẳng định: "Hiện nay, nhiều mô hình chăn nuôi lợn vẫn giữ được đàn do làm tốt công tác an toàn sinh học. Minh chứng điển hình là các hộ chăn nuôi lớn hiện nay đều an toàn trước dịch bệnh".
Hà Chi