Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ năm, 22/2/2018, 14:28 (GMT+7)

Học làm nông qua ứng dụng di động

Người nông dân nắm thông tin thời tiết, giá cả, tham khảo kinh nghiệm canh tác, gia tăng sản lượng nuôi trồng ngay trên smartphone.

Vụ lúa năm nay, cánh đồng của San San Hla ở làng Aye Ywar, phía Tây thủ đô Yangon, Myanmar trổ bông nặng hạt. Nhờ sử dụng ứng dụng điện thoại di động, cô nắm rõ phương pháp phun thuốc trừ sâu đúng cách, phòng trừ sâu đục thân hiệu quả.

"Chúng tôi từng làm nông theo kinh nghiệm gia đình, nhưng từ khi biết đến ứng dụng di động này, chúng tôi áp dụng kỹ thuật canh tác và sử dụng các chế phẩm hóa sinh hữu hiệu hơn", người nông dân 35 tuổi chia sẻ.

San San Hla là một trong 70.000 nông dân Myanmar đang dùng ứng dụng Green Way để cập nhật kiến thức và thông tin nông nghiệp. Tại quốc gia có hai phần ba lực lượng lao động theo nghề làm nông nhưng toàn ngành chỉ đóng góp 28% vào GDP, những ứng dụng di động miễn phí dạng này có thể là câu trả lời cho bài toán nâng cao sản lượng.

Green Way cập nhật dự báo thời tiết, diễn biến thị trường, xu hướng giá cả và các phương thức phòng trừ dịch bệnh, gia tăng sản lượng.

Green Way cập nhật dự báo thời tiết, diễn biến thị trường, xu hướng giá cả và các phương thức phòng trừ dịch bệnh, gia tăng sản lượng.

Ngoài việc thông tin mới nhất về thay đổi thời tiết, khí hậu, giá cả thị trường, Green Way còn cung cấp lời khuyên về các chế phẩm sinh học nhằm phòng ngừa sâu bệnh và kích thích tăng trưởng. Đây cũng là nơi kết nối nhà nông với nhau, cho phép họ trao đổi kinh nghiệm thuận tiện hơn.

Green Way là đứa con tinh thần của cựu sinh viên ngành nông nghiệp Yin Yin Phyu. Ứng dụng ra mắt vào năm 2016 với mong muốn thay đổi cách làm nông tại quốc gia Đông Nam Á.

"Với Green Way, chúng tôi muốn kết nối các bên liên quan trong ngành nông nghiệp. Người nông dân có thể tiếp cận những kiến thức và thông tin họ cần", Yin Yin Phyu chia sẻ.

Để tiếp cận đối tượng người dùng có đặc tính e ngại tiếp cận công nghệ, đội ngũ của nữ doanh nhân 28 tuổi đã dành năm năm nghiên cứu, khảo sát nhu cầu, tâm lý và điều kiện của nông dân. Người sáng lập ứng dụng kỳ vọng công nghệ sẽ giúp tăng thu nhập cho nhà nông, thúc đẩy ngành nông nghiệp Myanmar phát triển. 

Khảo sát thực hiện năm 2017 của Ngân hàng Thế giới cho thấy năng suất tại Myanmar khá thấp với sản lượng trung bình mỗi ngày trên một hecta chỉ đạt 23kg lúa. Trong khi đó con số này ở Campuchia là 62 kg, Việt Nam 429 kg và Thái Lan lên tới 547 kg.

Vào năm 2012, chỉ có 7% dân số Myanmar sử dụng điện thoại di động. Đến năm 2017 tăng lên 80%. Điều này tạo nền tảng tốt để nông dân tiếp cận và ứng dụng kiến thức nông nghiệp tiên tiến trên thế giới nhằm đổi mới phương thức canh tác, cải thiện sản lượng và thu nhập.

Khánh Anh

Chia sẻ bài viết qua email