Thứ năm, 19/12/2024
Thứ năm, 19/7/2018, 20:00 (GMT+7)

Hành trình tìm đầu ra của rau an toàn Gò Công

"Muốn hợp tác xã hoạt động được, ban giám đốc phải lội xuống, nhất là lội thị trường", giám đốc hợp tác xã Rau an toàn Gò Công chia sẻ.

Cùng với hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng, Tân Đông, hợp tác xã rau an toàn Gò Công là một trong ba đơn vị sản xuất chuyên canh rau đã hình thành chuỗi cung ứng an toàn trên địa bàn Tiền Giang. Đến nay, mỗi năm, Gò Công cung ứng 800 tấn rau các loại ra thị trường, doanh thu hàng tỷ đồng. Sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã hiện có mặt tại hầu hết hệ thống siêu thị như Sài Gòn Co.op, Metro, Bách hóa Xanh.

Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc hợp tác xã rau an toàn Gò Công chia sẻ về những nỗ lực trong hành trình tìm đầu ra cho rau sạch.

Ông Nguyễn Văn An - Giám đốc HTX rau an toàn Gò Công.

Ông Nguyễn Văn An - Giám đốc HTX rau an toàn Gò Công.

- Hợp tác xã bắt đầu sản xuất rau an toàn từ khi nào?

- Hợp tác xã thành lập ngày 4/8/2006 nhưng đến năm 2010 mới đổi tên thành Rau an toàn Gò Công. Chúng tôi sản xuất rau an toàn ngay từ những ngày đầu bởi xu hướng tiêu dùng của thị trường ngày càng chuộng các sản phẩm sạch như VietGAP, Global GAP.

Hiện chúng tôi cung ứng 49 loại rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, sắp tới có thêm 5 loại nữa được chứng nhận. Sản lượng một năm khoảng 800 tấn. Xã viên trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sau đó đưa về sơ chế và đóng gói theo yêu cầu, chở hàng giao đi trong ngày để giữ độ tươi. Hợp tác xã đã mua được xe tự chở hàng 2,2 tấn. Sáng xe xuống tận vườn lấy hàng đưa về sơ chế, chiều sơ chế xong xe lại đưa đi đến cửa hàng.

Mỗi loại rau đều được buộc dây hoặc đóng trong bao bì có tem nhãn rõ ràng, có truy xuất nguồn gốc.

- Hợp tác xã làm thế nào để đảm bảo chất lượng khi lượng hàng ngày càng lớn?

- Hiện, chúng tôi kiểm soát qua việc kiểm tra tại chỗ. Ngoài ra, hợp tác xã có một phó giám đốc chuyên nhiệm vụ kiểm tra nhật ký đồng ruộng. Với tổ viên, xuống giống ngày nào, bón phân thế nào đều phải ghi chép lại, nếu không sẽ bị phạt. Mới đây, chúng tôi cho ra 3 hộ làm không tốt.

Để giữ uy tín thì phải loại từ đầu, vì một là bên chứng nhận VietGAP đi kiểm tra, hai là bên kiểm tra chất lượng ở Tiền Giang đi kiểm tra, những hộ ghi chép đầy đủ, tuân thủ các quy định thì giữ lại.

Ngoài ra, các nơi mua hàng như siêu thị cũng có kiểm tra. Sài Gòn co.op kiểm tra thường xuyên. Chi phí test tại chỗ khoảng 2 triệu đồng một mẫu, không đạt phải thuê người trở hàng đi hủy chứ không được đem về.

Nếu không có đủ hàng được cho hồi, nếu mưa bão không có hàng thì báo lại là ngưng hàng chứ không bắt buộc mình phải có hàng liên tục. Chúng tôi được quyền dư 10%, nếu thiếu thì khoảng 30%. Có thể làm vậy là bởi HTX đã bao được giá cho bà con cao hơn giá thị trường. Ví dụ, ngò mùa nắng lên đến 30.000 đồng một cân, HTX mua lên 32.000 đồng. Rau cải thời điểm chỉ có 2.000 đồng một cân, vẫn trả cho xã viên là 6.500 đồng, cao hơn 4.000 đồng. 

Rau cải ngọt thu hái tại ruộng, chuẩn bị đưa đến điểm sơ chế của HTX.

Rau cải ngọt thu hái tại ruộng, chuẩn bị đưa đến điểm sơ chế của HTX.

- Tại sao HTX có thể mua được giá cao hơn?

- HTX đã ký hợp đồng với siêu thị từ 2010 đến nay, giá sàn thấp nhất của nó không bao giờ rớt xuống giá thấp. Do đó cái giá này mình đã ước chừng được, rẻ nhất cũng khoảng giá đó nên mới dám bao tiêu cho bà con. Còn thi thoảng giá đột biến lên cao thì trả lại những giai đoạn giá thấp. 

- Thời gian đầu khi tìm thị trường, HTX gặp những khó khăn gì?

- Thời gian đầu, để tìm được thị trường, chúng tôi một phần nhờ địa phương hỗ trợ, nhưng chính lãnh đạo HTX phải biết lội đi. Ở đây, chúng tôi đi Sài gòn Co.op, đi Metro, đi bách hóa xanh. Giám đốc và kế toán đi chào hàng, lên cả phiên chợ xanh trên Sài Gòn, đi cả các bếp ăn tập thể, cửa hàng rau. Người ta xem xét thấy sản phẩm tốt, giá được thì đặt.

Sau nhiều lần đi chào hàng, khách đều hỏi: "HTX của ông nằm ở đâu?" Bởi nói về thị xã Gò Công ai cũng biết, nên năm 2010, chúng tôi mới xin phép Ủy ban, Thị xã để đổi tên HTX thành HTX Rau an toàn Gò Công, trụ sở tại thị xã Gò Công.

Thời điểm đầu làm rau cũng vất vả. Thành lập năm 2006 chỉ có 20 thành viên với vốn góp 20,5 triệu đồng. Năm 2007, HTX mua xe tải nhỏ của Trung Quốc giá rẻ chạy lòng vòng chào hàng, giao hàng. Sau hai năm, làm ăn có lãi, vốn lên dần từ 250 triệu, 700 triệu, sau đó lên 900 triệu. HTX đã đầu tư mua thêm xe chở hàng.

Chúng tôi đồng thời có được nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại của ngân hàng ADB, mới chi 4,2 tỷ để làm đường xá, xe vào tận ấp để lấy rau, chi 2,5 tỷ năm 2014 để xây nhà sơ chế, mua máy móc, dụng cụ, chi 800 triệu phụ dân kéo điện phục vụ tưới tiêu. Nhờ đó đến nay mới thuận tiện hơn nhiều.

Một số thành viên HTX từ đây đi ra được chia vốn lại để thành lập HTX ở địa phương khác, hoặc lập các cơ sở, doanh nghiệp nhưng đều sản xuất và kinh doanh rau củ quả sạch.

Một góc sơ chế rau tại nhà sơ chế của HTX.

Một góc sơ chế rau tại nhà sơ chế của HTX.

- Hướng phát triển năm 2018 của HTX là gì?

- Sắp tới, HTX sẽ được chứng nhận thêm 5 loại rau VietGAP nữa, tăng số lượng rau có thể cung cấp lên trên 50 loại. Ngoài đa dạng, chúng tôi còn tiếp tục mở rộng diện tích từ từ cùng với mở rộng thị trường. HTX phụ trách tìm đầu ra để xã viên tập trung lo sản xuất. 

Hiện, một số siêu thị khác có mời nhưng chúng tôi chưa đi vì lý do phải làm ổn định trước rồi mới tính những chuyện khác.

Hương Giang 

Chia sẻ bài viết qua email