5 loại gạo nếp nấu món ăn Tết
Nếp cái hoa vàng, nếp Tú Lệ hay nếp nhung có thể dùng nấu các bón bánh chưng, xôi cho dịp Tết sắp tới.
Nếp cái hoa vàng
Lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng nên loại gạo này được gọi là nếp cái hoa vàng. Đây là gạo ngon của vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Hạt gạo nếp cái hoa vàng khi nấu cơm, đồ xôi, làm bánh rất dẻo, ít bị hao gạo, mùi thơm nên được bà nội trợ chọn sử dụng.
Nếp cái hoa vàng mẩy, trắng đục, khi chín nở đều. |
Nếp Tú Lệ
Nếp Tú Lệ là sản vật của tỉnh Yên Bái. Khác với nếp cái hoa vàng, nếp Tú Lệ mỗi năm chỉ cho thu hoạch 1 lần. Hạt gạo nếp Tú Lệ tròn đầy, trắng, ăn không ngán, hương vị đậm đà.
Nếp Tú Lệ cũng được nhiều người ưa chuộng để làm quà biếu, đặc biệt vào dịp Tết. Gạo chế biến thành những món ăn ngon như: cơm nếp, xôi, bánh chưng, bánh dày, các món chè hoặc làm rượu.
Nếp nương Điện Biên
Nếp nương là đặc sản của Điện Biên. Cây lúa nếp được trồng tại vùng đất có khí hậu mát mẻ của núi rừng Tây Bắc nên cứng cáp, thơm đặc trưng.
Nếu như các loại gạo nếp có đặc trưng hạt ngắn, tròn, thì gạo nếp nương Điện Biên dài, hạt chắc. Khi nấu, hạt gạo không được nở như các loại nếp thường nhưng giữ được độ dẻo lâu, có vị ngọt và hương thơm.
Gạo nếp quyết định chất lượng của món bánh chưng. |
Nếp ngỗng
Nếp ngỗng được trồng nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long, thường được dùng để làm xôi. Hạt gạo nếp ngỗng dài, to giống như trứng ngỗng thu nhỏ, màu trắng sữa, thơm nhẹ.
Khi nấu chín, hạt gạo nở vừa, dẻo, mềm, thơm nhạt. Khi để nguội, xôi vẫn dẻo thơm. Ở một số vùng, nếp ngỗng được dùng để làm cơm cháy.
Nếp nhung
Nếp nhung được gieo trồng ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, hạt gạo to, tròn, mập và có màu trắng đục. Khi nấu, có thể dễ dàng cảm nhận được mùi thơm, khi nguội không bị cứng. Muốn hạt gạo nếp nở mềm, ngon hơn bạn có thể ngâm nước trước khi nấu, khi chín cơm nếp sẽ ngon, mềm thơm hơn, dẻo vừa ăn.
Hà Hiền