Tiếp nối những câu chuyện trong bài viết "Gia đình Việt tranh giành chỗ xuống máy bay", nhiều độc giả VnExpress chia sẻ thêm về những tật xấu của người Việt ở nơi công cộng.
Độc giả Minh Oanh kể về trường hợp của mình: "Công việc của tôi yêu cầu phải bay đi bay lại trong nước cũng như quốc tế rất nhiều. Tôi từng chứng kiến rất nhiều người Việt tranh giành, giành giật, có vị trí đứng đầu một cách vô nghĩa. Chẳng hạn như có người chen ngang vị trí đứng đầu hàng chỉ để check-in vé trước khi ra máy bay. Tôi không hiểu họ làm vậy có tác dụng gì khi dù có làm thủ tục trước thì cũng vẫn phải đợi đến giờ mới được lên máy bay. Làm gì có ai cho bạn bay trước đâu?
Tôi cũng từng chứng kiến một người Việt xém chút nữa đã bị người Nhật đánh khi cố chen ngang hàng tại một siêu thị ở nước họ. Nhìn cảnh này, tôi thấy rất buồn và thấy xấu hổ, vì tôi cũng là người Việt và thường xuyên bị đánh đồng là có thói quen tranh giành như vài người thiếu ý thức".
Cũng tận mắt chứng kiến những hành vi thiếu ý thức của người đi máy bay, bạn đọc Papachugia chia sẻ: "Trong 15 năm qua, không thể phủ nhận ý thức khi đi máy bay của người Việt đã được cải thiện khá nhiều. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải thay đổi thói quen mạnh mẽ hơn nữa. Điều này yêu cầu mỗi người phải nhìn theo người khác mà học hỏi những hành động văn minh. Những ai từng bay quốc tế hẳn sẽ chẳng lạ lẫm với văn hóa xếp hàng khi lên máy bay. Trong khi đó, ở ta, nhiều người rất thích chen lấn lên trước. Nên nhớ trẻ em, bà bầu, người già luôn là đối tượng cần được ưu tiên ở nơi công cộng.
Một điều nữa là khi lên máy bay, trong thời điểm cất cánh hay hạ cánh, quy định bắt buộc là hành khách phải tắt điện thoại hoặc để ở chế độ 'flight mode'. Khi máy bay dừng hẳn, và có thông báo của tiếp viên thì hành khách mới được đứng dậy lấy hành lý và sử dụng điện thoại. Thế nhưng nhiều người Việt lại phớt lờ và làm theo ý mình. Họ quên mất rằng dù có xuống máy bay sớm thì cũng vẫn phải chờ xe buýt hoặc đợi làm thủ tục hải quan, lấy hành lý ký gửi chứ chưa chắc đã nhanh hơn được bao".
>> Bất lực vì những khách Việt tranh nhau lấy hành lý khi máy bay chưa dừng
Từ câu chuyện hành vi thiếu văn mình của người đi máy bay, độc giả Kietnguyen liên hệ tới thói quen xấu nơi công cộng của người Việt: "Văn hóa ứng xử và ý thức của người Việt mình phần đông vẫn còn kém. Tất nhiên vẫn có những người cư xử rất chừng mực, có ý thức tốt nơi công cộng nhưng thường bị lấn át bởi số người vô ý thức. Nói đơn giản, tôi không bao giờ tham gia những buổi Count down, lễ hội, hay nơi tập trung đông người vì năm nào cũng thấy người ta thản nhiên xả rác đầy đường với ý nghĩ có công nhân vệ sinh dọn dẹp. Ý thức kém dường như đã ăn sâu vào máu họ.
Năm nào câu chuyện ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng cũng được nhắc tới thì khi ra những môi trường lớn hơn như nước ngoài làm sao họ có ý thức tốt hơn được? Ai ở Biên Hòa, Đồng Nai chắc biết đến công viên B5 - nơi vừa diễn ra sự kiện Count down đón năm mới mấy ngày vừa rồi. Vẫn có những người tham dự sự kiện đó có ý thức giữ gìn vệ sinh rất tốt, nhưng phần đông còn lại vẫn tệ như mọi khi".
Làm gì để nâng cao ý thức nơi công cộng cho người Việt, bạn đọc Minhluan cho rằng: "Không cần đến những chuyện chen lấn lấy hành lý, giành chỗ trên các chuyến bay thì cũng có thể nhận thấy ở các nơi khác, nhiều người Việt cũng có những hành vi tương tự: tranh giành, luôn muốn mình được ưu tiên. Ví dụ như dùng chờ đèn đỏ. Khi tín hiệu đèn còn tận mấy giây thì nhiều người ở phía sau đã bóp còi inh ỏi hối thúc xe phía trước xuất phát. Đến khi đèn xanh chỉ còn một, hai giây hoặc thậm chí chuyển sang vàng rồi mà có người vẫn cố tăng ga vượt qua.
Đi siêu thị, tới lúc thanh toán, tôi cũng thấy người ta chen ngang vào những người đang xếp hàng chờ phía trước mình. Nói chung là đủ thể loại thiếu ý thức. Âu cũng một phần bắt nguồn từ việc thiếu giáo dục mà ra. Giáo dục ở đây không chỉ đẩy về phía nhà trường, mà còn từ gia đình và xã hội, kéo dài qua nhiều thế hệ chứ không phải ngày một, ngày hai".
>> Chia sẻ câu chuyện về thói xấu nơi công cộng của người Việt tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.