"Tôi đã được chứng kiến tận mắt hành vi vừa lấy hành lý vừa cắt hàng người khác của một gia đình người Việt ăn mặc rất sang trọng. Thông thường, người ta phải chờ cho máy bay dừng hẳn mới đứng lên lấy vội hành lý rồi quay ngay lại chỗ ngồi của mình để đợi hành khác rời đi theo thứ tự. Nhưng cả gia đình ba người này không những ngay lập tức đứng lên lấy hành lý khi máy bay chưa dừng, mà người chồng còn cuống cuồng chạy về phía lối đi để xí chỗ đứng gần cửa. Khỏi phải nói, mọi người xung quanh khi đó đều rất ngạc nhiên với hành động của họ. Tôi còn há hốc miệng vì lần đầu tiên chứng kiến cảnh đó trong đời".
Đó là chia sẻ của độc giả Toàn dưới bài viết "Bất lực vì những khách Việt tranh nhau lấy hành lý khi máy bay chưa dừng". Câu chuyện ý thức kém của hành khách Việt trên máy bay đã nhiều lần được nhắc tới, nhưng những tình huống như vậy vẫn cứ xảy ra, gây bức xúc cho nhiều người khác.
Cũng từng gặp nhiều trường hợp hành khách thiếu ý thức khi đi máy bay, bạn đọc Zest bày tỏ: "Tôi nhiều lần đi máy bay, luôn ngồi chờ đến khi người ta lấy đồ, đi trước xong hết rồi mới xuống. Lên máy bay, tôi mới thấy rõ tính xấu của nhiều người:
Thứ nhất, không có ý thức giữ trật tự: Những người đi cùng nhóm đông người liên tục nói chuyện ồn ào như ngoài chợ, không cần biết có làm ảnh hưởng xung quanh không. Mấy người ngồi ghế đầu cũng cố gào lên để nói chuyện với người ngồi ghế sau. Có người ngồi lướt TikTok hay Facebook nhưng thản nhiên mở loa ngoài oang oang cả khoang hành khách.
Thứ hai, phớt lờ những lời nhắc nhở của phi hành đoàn: Nhiều người được tiếp viên nhắc đi nhắc lại việc cài dây an toàn, nhưng khi tiếp viên vừa quay lưng đi là họ ngay lập tức tháo ra với lý do vướng víu. Việc này rất nguy hiểm, vì nếu máy bay đi qua vùng nhiễu động thì họ sẽ ngay lập tức bị ném lên trần như một tờ giấy. Tiếp viên nhắc tắt điện thoại lúc cất cánh và hạ cánh nhưng nhiều người vẫn vô tư gọi điện, video call với người thân.
Thứ ba, thường xuyên chen lấn, giành hàng: Lúc xếp hàng check-in để lên máy bay, không ít người ngang nhiên chen vào ngay giữa hàng. Máy bay vừa hạ cánh, chưa dừng hẳn nhưng nhiều người đã ùa ra lối đi để lấy hành lý ngay dù lấy xong rồi họ cũng phải đứng chờ một lúc lâu mới được xuống. Quãng thời gian chờ xuống máy bay đúng là bát nháo, không khác gì một cái chợ.
Ngoài ra, tôi còn thấy cảnh tượng hành khách ở sảnh chờ rất phản cảm. Trong khi nhiều người không có ghế ngồi, thì nhiều người khác ngang nhiên lại chiếm một lúc nhiều ghế rồi nằm dài ra đó. Nhiều nhóm gia đình còn tụ tập ăn uống, nói chuyện rôm rả như đi picnic".
>> Hai chuyến bay nội địa khiến tôi ám ảnh
Bức xúc trước những thói xấu của nhiều khách trên máy bay, độc giả Andrew bình luận: "Thói quen của nhiều người Việt bao lâu nay luôn là bon chen, bực tức khi không được là người đầu tiên, không thể kiên nhẫn chờ đợi... Cảm giác như với nhiều người, văn hóa càng kém thì họ càng cảm thấy bản thân mình được khẳng định. Chẳng nói đâu xa, các bạn cứ thử ra bệnh viện, bến tàu xe, xem những người lớn tuổi ở đó có ai chịu xếp hàng không hay chỉ cần hở ra là chen lấn, giành chỗ?
Điều dễ thấy nhất là khi tham gia giao thông mỗi ngày, lẽ ra người đến sau phải xếp hàng phía sau, nhưng ai cũng muốn lao liên phía trước, bất chấp đường đang ùn tắc thế nào, kết quả là càng tắc thêm. Vậy nên, khi văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Việt không được cải thiện thì chuyện có người chen lấy hành lý, giành chỗ xuống máy bay trước người khác cũng là điều dễ hiểu. Bởi với những người này, chậm hơn người khác là chuyện không thể chịu được. Tôi đã gặp không ít trường hợp máy bay chỉ mới vừa giảm tốc mà người ta đã ào ào tháo hết dây an toàn và đứng lên nhốn nháo rồi".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục ý thức, bạn đọc Ngotiencanh kết lại: "Sự thật vốn phũ phàng rằng một bộ phận không nhỏ người Việt đi máy bay (và cả người lái xe) có ý thức rất kém. Trên phương tiện cộng cộng, người ta nói chuyện, gọi điện thoại ầm ĩ; vô tư gác chân lên ghế; xả rác bừa bãi; đứng ngồi lộn xộn, nhốn nháo ôm, vác, cầm, nắm đồ đạc cá nhân khi phương tiện công cộng chưa dừng hẳn, cứ như sợ bị cướp vậy...
Trong khi đó, nhìn sang một số hành khách có ý thức, đặc biệt là người nước ngoài, tôi thấy họ rất điềm tĩnh, khoan thai, sẵn sàng nhường nhịn người khác, chờ đến lượt mình rồi mới đứng dậy, lấy đồ. Đặc biệt, họ luôn chủ động nhường đường chỗ cho phụ nữ, người già, trẻ nhỏ. Có lẽ ngành Giáo dục cần sớm đưa ý thức công cộng vào nội dung giảng dạy tại các trường phổ thông để nâng cao nhận thức và hành động văn minh cho người Việt".
>> Chia sẻ câu chuyện về ý thức hành khách trên máy bay tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.