Theo Bộ trưởng Thông tin Haiti Frantz Exantus, Đệ nhất phu nhân Martine từ nơi điều trị ở Mỹ trở về nước để "tham gia chuẩn bị cho lễ quốc tang của chồng", Tổng thống Jovenel Moise, người bị ám sát hôm 7/7 trong một âm mưu được lên kế hoạch từ trước. Đám tang dự kiến diễn ra vào ngày 23/7 tại thành phố cảng phía bắc Cap-Haitien.
Đáp xuống sân bay Port-au-Prince hôm 17/7 trên chuyên cơ riêng và được Thủ tướng lâm thời Claude Joseph tiếp đón, Đệ nhất phu nhân Haiti mặc một chiếc áo chống đạn màu đen, đeo khẩu trang đen và không đưa ra bất kỳ phát ngôn nào.
Giới chuyên gia, giống như rất nhiều người khác tại đất nước hơn 11 triệu dân này, đều không khỏi bất ngờ trước sự trở về quá nhanh của Martine và tự hỏi liệu bà có ý định tham gia vào chính trường vốn đang rất hỗn loạn của đất nước hay không.
Câu hỏi về việc ai sẽ tiếp quản quyền lãnh đạo Haiti đang trở nên vô cùng phức tạp bởi thực tế là quốc hội nước này hiện không hoạt động vì cuộc bầu cử cơ quan lập pháp năm ngoái không được tổ chức, có nghĩa nhiệm kỳ của hầu hết các nghị sĩ đều đã hết. Trong khi đó, Chánh án Tòa án Tối cao, người được Hiến pháp quy định sẽ kế nhiệm tổng thống nếu xảy ra trường hợp bất trắc, đã qua đời tháng trước vì Covid-19.
"Việc bà ấy quay trở lại có thể cho thấy rằng Đệ nhất phu nhân Martine muốn đóng một vai trò chính trị nào đó", Laurent Dubois, giáo sư tại Đại học Duke, một chuyên gia về Haiti, nhận xét. "Bà ấy có thể can thiệp vào tình hình hiện nay bằng cách này hay cách khác".
Hôm 16/7, khoảng 40 người đã tụ tập bên ngoài bệnh viện ở Miami, bang Florida, Mỹ, nơi Đệ nhất phu nhân Martine điều trị trong 10 ngày sau khi bị thương trong vụ ám sát, để thể hiện sự ủng hộ đối với bà. Hầu hết những người tham gia đều là phụ nữ, mặc đồ màu xanh da trời, một màu trên quốc kỳ Haiti.
"Chúng tôi sẽ cầu nguyện thay mặt cho Đệ nhất phu nhân của chúng tôi và người dân Haiti", Regina Martin Archat, một phụ nữ trong đám đông, nói.
Đệ nhất phu nhân Martine trở về chỉ vài giờ sau khi một nhóm nhà ngoại giao Haiti ở nước ngoài đưa ra tuyên bố không ủng hộ Thủ tướng lâm thời Joseph, người đang điều hành đất nước với hậu thuẫn từ cảnh sát và quân đội.
Tên của quyền Thủ tướng Joseph không được đề cập trong tuyên bố của nhóm Core, gồm đại sứ Haiti ở các nước Đức, Brazil, Canada, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Liên minh châu Âu (EU) cùng đại diện ở Liên Hợp Quốc và Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS).
Nhóm kêu gọi thành lập một chính phủ "đồng thuận và bao trùm" ở Haiti, thêm rằng họ "đặc biệt khuyến khích Thủ tướng được chỉ định Ariel Henry tiếp tục sứ mệnh được giao phó".
Henry được Tổng thống Jovenel Moise chỉ làm thủ tướng thay thế lãnh đạo lâm thời Joseph một ngày trước khi vụ ám sát diễn ra và ông này cũng chưa chính thức nhậm chức. Ông không đưa ra bình luận. Liên Hợp Quốc, OAS và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từ chối bình luận khi được liên lạc.
Với tình hình chính trị hiện tại của Haiti, giáo sư Dubois đánh giá sự xuất hiện của Đệ nhất phu nhân Martine có thể mang đến những tác động nhất định.
"Bà ấy rõ ràng có khả năng đóng một vai trò nào đó, trong bối cảnh mọi thứ vẫn còn ở trạng thái mở như hiện nay", ông nói. "Mọi người sẽ tự hỏi liệu các bước diễn tiến trong cuộc điều tra vụ ám sát có liên quan đến hành động này hay không. Các mảnh ghép của câu chuyện thay đổi chỉ trong chớp mắt. Hiện tại, vẫn rất khó tìm ra cách ghép nối mọi thứ lại với nhau".
Giới chức Haiti và Colombia cho biết có ít nhất 18 nghi phạm liên quan trực tiếp tới vụ ám sát đã bị bắt, chủ yếu là các cựu binh Colombia. Ít nhất ba nghi phạm bị tiêu diệt trong lúc trốn chạy và cảnh sát đang tiếp tục tìm kiếm nhiều nghi phạm khác. Theo nhà chức trách Colombia, đa số các cựu binh nước này đều bị lừa và không biết họ đang tham gia vào kế hoạch ám sát Tổng thống Haiti.
Cảnh sát Haiti ngày 18/7 xác định một nghi phạm khác: Pierre Joseph Ashkard. Hồ sơ trực tuyến cho thấy Ashkard là doanh nhân ở Canada, điều hành một doanh nghiệp y tế ở Texas cùng với Christian Emmanuel Sanon, bác sĩ kiêm mục sư gốc Haiti, người gần đây bị giới chức Haiti bắt với cáo buộc là nghi phạm chính lên kế hoạch sát hại Tổng thống Moise.
Tình trạng bất ổn ngày càng sâu sắc khiến hàng trăm người dân Haiti tìm đến đại sứ quán Mỹ ở Port-au-Prince để xin thị thực hoặc tị nạn chính trị.
"Chúng tôi không thể ở lại đất nước nữa", Jim Kenneth, 19 tuổi, nói. "Chúng tôi cảm thấy rất bất an".
Vũ Hoàng (Theo AFP, AP, WSJ)