Tổng thống Haiti Jovenel Moise, 53 tuổi, bị một nhóm người bắn chết tại tư gia ở Port-au-Prince rạng sáng 7/7. Đệ nhất phu nhân Martine Moise đang trong tình trạng nguy kịch và đã được đưa sang Mỹ điều trị. Vụ ám sát gây chấn động Haiti và khiến nhiều lãnh đạo khu vực bàng hoàng.
Thủ tướng lâm thời Claude Joseph đã lên nắm quyền lãnh đạo sau vụ tấn công. Ông tuyên bố "tình trạng bị bao vây" ở Haiti, kêu gọi người dân bình tĩnh và thêm rằng không muốn đất nước "chìm trong hỗn loạn".
Tuy nhiên, vụ ám sát đã để lại một khoảng trống chính trị mà giới quan sát cho rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn ở một trong những quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu.
Trong những tháng gần đây, người biểu tình đã xuống đường để yêu cầu ông Moise từ chức vào tháng 2, thời điểm họ cho là kết thúc nhiệm kỳ của ông. Trong khi đó, các băng đảng vũ trang gia tăng kiểm soát các con phố, khủng bố các khu phố nghèo và khiến hàng nghìn người phải chạy trốn, bắt cóc cả học sinh và mục sư nhà thờ.
Haiti cũng đối mặt tình trạng nghèo đói gia tăng, với nhiều người cáo buộc thành viên chính phủ làm giàu cho bản thân, không cung cấp cho người dân ngay cả những dịch vụ cơ bản nhất.
Trả lời phỏng vấn NYTimes,Thủ tướng lâm thời Joseph cho biết đang nắm quyền điều hành đất nước, nhưng không rõ điều này có thực sự hợp pháp và có thể kéo dài bao lâu. Trước vụ ám sát, một thủ tướng mới dự kiến thay thế ông Joseph tuần này, người thứ 6 đảm nhận vị trí này trong nhiệm kỳ của ông Moise. Chánh án Tòa án Tối cao Haiti, người sẽ kế nhiệm Tổng thống Moise, đã qua đời vì Covid-19 tháng trước.
"Chúng tôi thật sự bối rối. Chúng tôi có hai thủ tướng. Chúng tôi không thể nói người nào sẽ hợp pháp hơn", Jacky Lumarque, hiệu trưởng Đại học Quisqueya ở Port-au-Prince, nói. "Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy đất nước suy yếu đến vậy".
Haiti có hai hiến pháp, nhưng cả hai đều không có quy định để thủ tướng lâm thời tiếp quản đất nước trong tình huống khẩn cấp. Hiến pháp đầu tiên năm 1987 nói thẩm phán cấp cao nhất của đất nước là người được chọn. Tu chính án năm 2012 cho rằng quốc hội nên bỏ phiếu để chọn một tổng thống lâm thời.
Tuy nhiên, tu chính án được viết bằng tiếng Pháp, một trong những ngôn ngữ chính thức của đất nước, thay vì tiếng Creole như hiến pháp ban đầu. Đó là lý do khiến Haiti có hai hiến pháp.
"Đây là một tình huống nghiêm trọng", Georges Michel, nhà sử học và từng giúp soạn thảo hiến pháp năm 1987, cho biết.
Hiện tại, quốc hội Haiti không hoạt động. Chính phủ của ông Moise đã không tiến hành bầu cử, ngay cả khi toàn bộ hạ viện đã hết nhiệm kỳ từ hơn một năm trước. Tại thượng viện, chỉ có 10 trong 30 ghế có người nắm giữ.
Bất ổn và bạo lực từ lâu vây hãm Haiti. Quốc gia này đã trải qua khoảng hai thế kỷ là thuộc địa của Tây Ban Nha và hơn một thế kỷ dưới sự cai trị của Pháp, trước khi người Haiti nổi dậy chống ách áp bức và thành lập đất nước.
Trong thế kỷ 20 và những thập kỷ gần đây, Haiti cũng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, với các cuộc đảo chính và can thiệp từ bên ngoài. Năm 2010, một trận động đất thảm khốc đã tàn phá quốc gia này.
Bất ổn mới nhất ở Haiti xoay quanh tranh chấp chức tổng thống của ông Moise. Nhiệm kỳ 5 năm của ông Moise bắt đầu sau cuộc bầu cử năm 2016. Nhưng trong năm đầu tiên, một tổng thống lâm thời đã tiếp quản đất nước khi Haiti phải điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử. Moise cho rằng ông nên có thêm một năm cầm quyền, nhưng phe đối lập ở Haiti kiên quyết bác bỏ.
Vào tháng hai, các đối thủ nói nhiệm kỳ của ông Moise đã kết thúc và tuyên bố thẩm phán Tòa án Tối cao Joseph Mécène Jean-Louis là tổng thống lâm thời. Tổng thống Moise gọi đó là âm mưu đảo chính và bắt 23 đối thủ của ông.
Trong bối cảnh rối ren đó, các băng đảng đã nhân cơ hội gia tăng hoạt động. Ít nhất 278 người Haiti đã thiệt mạng liên quan đến bạo lực băng đảng từ đầu năm.
Vụ ám sát Tổng thống Moise làm dấy lên lo ngại rằng bạo lực đường phố và băng đảng có thể leo thang mà không bị trừng phạt.
"Tổng thống bị ám sát tại tư gia. Bạn có thấy tình cảnh của chúng ta không? Thật khủng khiếp. Chúng ta không an toàn", Pierre Espérance, giám đốc Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền Quốc gia Haiti, nói.
Với việc áp đặt thiết quân luật, cảnh sát và lực lượng an ninh có thể được phép vào các gia đình, kiểm soát giao thông và thực thi các biện pháp an ninh đặc biệt, đồng thời các cuộc hội họp đều bị cấm để tránh nguy cơ kích động bạo loạn.
Một số người dân xếp hàng để lấy nước dự trữ cho trường hợp phải đối mặt với tình hình bất ổn trong thời gian dài. Nhiều người khác chen chúc trong nhà, cố gắng gọi cho bạn bè và người thân để cập nhật tình hình và đảm bảo họ an toàn. Ở một số khu phố của tầng lớp trung lưu, nhiều người tập trung trên vỉa hè, chia sẻ những lo lắng về tương lai của đất nước.
"Mọi thứ bây giờ rất tệ và khó khăn. Trong vài ngày tới, mọi thứ ở Haiti sẽ trở nên cuồng loạn", Jenny Joseph, sinh viên ở ngoại ô Carrefour, lo lắng nói.
Giữa lúc khủng hoảng, Haiti cũng đang vật lộn với cuộc chiến chống Covid-19 và nỗ lực triển khai tiêm chủng. Quốc gia vùng Caribbe là một trong số ít quốc gia thuộc sáng kiến chia sẻ vaccine Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa tiêm chủng bất kỳ liều vaccine nào. Haiti đã báo cáo 19.107 ca nhiễm và 462 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát.
Hiện còn quá sớm để biết chính xác vụ ám sát Tổng thống Moise sẽ gây ra hậu quả gì cho Haiti. Song giới quan sát cho rằng điều Haiti cần là các cuộc bầu cử để mang đến một chính phủ hợp pháp trong mắt hầu hết người dân. Nhưng việc tổ chức và đảm bảo an ninh cho một chiến dịch bầu cử và bỏ phiếu mà không ai điều hành là điều gần như không thể.
Để ngăn nguy cơ khủng hoảng gây ra hậu quả nghiêm trọng, Mỹ và các nước có ảnh hưởng khác như Pháp, Canada hay Tổ chức các quốc gia châu Mỹ nên thúc đấy thiết lập một lực lượng giữ gìn hòa bình quốc tế, có thể do Liên Hợp Quốc dẫn dắt, để cung cấp an ninh cần thiết cho cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Haiti trong năm nay diễn ra theo kế hoạch.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc các nước bày tỏ quan tâm, lên án vụ ám sát là chưa đủ để mang lại ổn định cho Haiti, mà cộng đồng quốc tế cần phải hành động ngay lập tức.
Thanh Tâm (Theo NYTimes, Washington Post)