Những năm gần đây, vấn đề trầm cảm và những hệ lụy của nó ngày một trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Nhiều vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra, trong đó nạn nhân đa phần thuộc lứa tuổi học sinh, và phụ nữ đang nuôi con nhỏ. Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân chính là do trầm cảm. Nhưng có vẻ như, chúng ta vẫn còn quá ít giải pháp thực tiễn về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Theo thông tin chính thức của WHO, có tới hơn 100 triệu người bị rối loạn sức khỏe tâm thần ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Chỉ riêng rối loạn trầm cảm là nguyên nhân gây ra 5,73% gánh nặng bệnh tật ở khu vực này. Tại Việt Nam, theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân. Con số thực tế những năm gần đây, đặc biệt giai đoạn Covid-19, còn cao hơn nhiều so với số liệu đã được thống kê trước đó.
Nguyên nhân có thể là do áp lực gia đình, áp lực từ công việc, áp lực học hành, do thiếu đi sự quan tâm của những người thân... nhưng giải pháp cho những vấn đề trên hiện vẫn còn quá nhiều khoảng trống. Có lẽ bạn và tôi đều hiểu, cách tốt nhất đối với bệnh nhân trầm cảm là được điều trị tâm lý sớm. Tuy nhiên, với tình hình thực tế của nước ta, có bao nhiêu phụ nữ, trẻ em có đủ điều kiện để chữa bệnh với bác sĩ tâm lý, đặc biệt là ở nông thôn, vùng xa - nơi mà bất bình đẳng giới không được quan tâm, nơi định kiến xã hội về trọng nam khinh nữ còn quá nặng nề, trong khi thu nhập của người dân chỉ ở mức đủ sống?
Chúng ta không thể ngay lập tức được như các nước phát triển, khi họ có đủ nguồn lực về cả kinh tế lẫn nhân lực cho việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Nhưng chúng ta cần có những giải pháp kịp thời và phù hợp. Ngay lúc này, tại sao không bắt đầu từ trường học, với những nội dung về quyền trẻ em, bình đẳng giới, về vấn đề bạo hành và cách phòng tránh... xuyên suốt từ mẫu giáo đến phổ thông? Điều đó góp phần rất lớn để thay đổi tư tưởng lỗi thời như trọng nam khinh nữ, phụ nữ ly hôn làm gia đình xấu hổ...
Tôi cho rằng giáo dục luôn quan trọng và là gốc rễ để giải quyết mọi vấn đề, để thay thế những tư tưởng lạc hậu bằng những điều mới mẻ và đúng đắn hơn. Khi một nền giáo dục hướng tới con người, thay vì thành tích ảo, chúng ta sẽ có một thế hệ biết trân trọng bản thân, đồng thời cũng biết thông cảm và chia sẻ với người khác.
Bên cạnh đó, tôi hy vọng Hội phụ nữ sẽ quan tâm nhiều hơn đến những dự án như đường dây nóng, dịch vụ tư vấn tâm lý online (miễn phí hoặc với mức giá phù hợp với thu nhập của người dân). Tôi tin sẽ có rất nhiều người có kiến thức về tâm lý học, có tấm lòng quan tâm đến xã hội tình nguyện tham gia những dự án đó. Thực tế, theo dõi trên VnExpress, tôi cũng đọc được vô số bài viết của những người trầm cảm, chia sẻ bế tắc trong cuộc sống, và người viết nhận được rất nhiều sự động viên từ độc giả, đã có những quyết định sáng suốt hơn. Nếu những mô hình tư vấn online, đường dây nóng tương tự được phổ biến, nhân rộng, tôi tin chúng ta có thể ngăn chặn được nhiều sự việc đau lòng.
Giả sử một người phụ nữ quá mệt mỏi vì chuyên gia đình vì gặp người chồng tệ bạc, vũ phu, nhưng khi tâm sự với người thân, họ hàng, chỉ nhận được những câu đại loại như "phụ nữ phải chịu nhịn thì nhà cửa mới êm ấm", "ly hôn là ích kỷ", "sao người ta cố được mà mình lại không"... cô ấy sẽ phải làm gì, sẽ cố chịu đựng thêm để đến môt lúc quá giới hạn? Ngược lại, nếu được lắng nghe, được đồng cảm, cô ấy hoàn toàn có thể chấm dứt một cuộc hôn nhân bất hạnh để bắt đầu một cuộc sống mới.
Bởi vì không phải ai cũng có bản lĩnh và mạnh mẽ, nên chúng ta mới cần sự quan tâm và chung sức của cả cộng đồng, cũng như các ban ngành, tổ chức liên quan để bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.