Câu chuyện về những người trẻ trầm cảm được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua, như một thực trạng đáng lo ngại cho xã hội hiện đại. Tôi cũng là một trong số đó. 22 tuổi - cái tuổi mà bản thân mỗi người buộc phải tự lập, lao vào hai chữ "sự nghiệp", chập chững bước chân ra khỏi trường đại học. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự chuyển biến giữa "thế giới mà mình nghĩ trong đầu" và "thế giới thực". Một thời gian, tôi nhận ra rằng những gì mình học được trên ghế nhà trường và những gì bạn sắp phải đối mặt là hoàn toàn khác xa nhau.
Đối với một sinh viên rất đỗi bình thường như tôi lại càng khó khăn. Ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại Khá trên tay, bao ngày "cày cuốc" để đạt 750 điểm TOEIC, tôi nộp CV khắp nơi nhưng bất cứ nơi đâu nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi kinh nghiệm, bằng cấp liên quan, ngoại hình... Điều này khiến tôi nhanh chóng rơi vào bế tắc.
Tuổi 22 của tôi là một sự mơ hồ về tương lai, hoàn toàn không biết thứ mình thực sự đam mê, có thể làm tốt việc gì; ba tháng, sáu tháng, một năm nữa, mình sẽ là ai? Chật vật mãi, tôi mới tìm được một công việc với mức lương ổn đối với một sinh viên vừa ra trường. Kiếm được những đồng lương chính thức đầu tiên, tôi mới nhận ra vất vả thế nào, biết trân trọng sức lao động, biết chi tiêu hợp lý hơn và quan trọng là tôi biết ơn bố mẹ đã làm lụng nuôi nấng mình suốt mấy chục năm ròng.
Bước vào đời, đi làm, được đến một môi trường mới, tôi có thêm mối quan hệ mới và cũng mất đi không ít những mối quan hệ cũ. Khoảng thời gian này, bạn bè tôi mỗi đứa đi mỗi nơi: đứa về quê lập nghiệp, lập gia đình, kẻ bỏ xứ đi nơi khác làm ăn, cảm giác chỉ còn mỗi mình ở lại. Dường như nỗi lo "cơm áo gạo tiền" và con đường tương lai phía trước khiến người ta càng ngày càng xa rời nhau hơn. Tôi đi ăn một mình, cà phê một mình, dạo phố một mình..., đôi lúc cũng có bè bạn nhưng có những câu chuyện chẳng biết chia sẻ cùng ai, cứ im lặng, rồi lại mỉm cười như mọi thứ vẫn rất ổn.
>> Tuổi 30 chưa có nhà, xe, người yêu
Ở tuổi này, đến lúc ai cũng phải nghĩ đến mục tiêu lập gia đình. Nhưng thật không may mắn gì khi bản thân tôi lại là người đồng tính. Tôi không cảm thấy xấu hổ nhưng tuyệt đối chẳng có cảm giác tự hào. Nghĩ đến chuyện tương lai một mình cô độc, bỗng nhiên tôi thấy không còn nhiệt huyết về tương lai nữa. Không còn mục tiêu này, mình có thể tìm kiếm mục tiêu khác, nhưng mất đi niềm nhiệt huyết rồi lại ngỡ như ông già ở tuổi xế chiều, ngơ ngác chờ đợi cái chết ập đến.
Tuổi 22 với tôi như một thử thách dài, lộn xộn trong cung bậc cảm xúc: là những ngày lắng lo cho cái sự già đi nhanh chóng, sự nghiệp cũng không rõ ràng, tình cảm lại càng không. Tôi tự vấn bản thân: "Thật ra, mình muốn cái gì nhỉ? ". Tôi rõ ràng không yêu công việc hiện tại, cả đời cũng không thể có được một gia đình đúng nghĩa, thật bế tắc để biết được hướng đi chính xác cho tương lai của bản thân mình.
Tôi viết ra những dòng này, mong được chia sẻ với những bạn đồng trang lứa về những áp lực mà người trẻ đang phải đối diện khi chập chững bước chân vào đời. Mong rằng sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích từ những người đi trước để những bạn trẻ như tôi sớm tìm được sự cân bằng và có thêm động lực đối diện với khó khăn phía trước.
>> Bạn vượt qua khủng hoảng tuổi trẻ thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.