Là một người từng để cảm giác tự ti vì ngoại hình xấu xí bào mòn bản thân, tôi xin chia sẻ với các bạn đôi điều:
Những năm 20 tuổi, tôi là một cô gái cao hơn 1,6 mét nhưng nặng hơn 70 kg, mặt đầy mụn, da đen nhẻm, răng cái trước cái sau. Thời đó, thời trang "big size" chưa phổ biến như bây giờ, nên việc tìm được một cái quần hay váy vừa vặn để mặc với tôi đã vô cùng khó khăn. Mẹ tôi đã rất nhiều lần tâm sự rằng thương tôi vì tôi xấu xí.
Từ sinh viên, tôi đã rất yêu thích và đam mê với ngành marketing. Tuy nhiên, đây là một ngành cần ngoại hình và giao tiếp tốt. Chính sự tự ti về ngoại hình đã khiến tôi tự thu mình lại. Thậm chí, đã có lúc tôi từng nghĩ mình chọn sai nghề. Năm 24 tuổi, vì tự ti, cộng thêm khủng hoảng nghề nghiệp, tôi đã rơi vào trầm cảm. Có thời điểm tôi còn có ý nghĩ sẽ đi tu vì không thiết tha gì cuộc sống này nữa.
Có nhiều người động viên "nhan sắc không quan trọng, tự tin lên...". Nhưng với tôi những lời nói đó là vô nghĩa, sáo rỗng. Đó chỉ là lý thuyết. Bản thân người ta chưa từng trải qua cảm giác của một người có ngoại hình xấu xí nên không thể hiểu được cảm giác của tôi. Điều đó cũng giống như việc bạn khuyên một người bị trầm cảm rằng "hãy vui lên".
May mắn, tôi đã được theo một vị thiền sư. Chẳng bao lâu sau, tôi lại quay về với cuộc sống. Tôi dần học được cách trân trọng những điểm tốt của mình, chấp nhận và yêu thương cả những điều xấu xí của bản thân. Và tôi hiểu ra rằng, chúng ta tiến bộ dễ dàng bằng cách chấp nhận, yêu thương và hướng mình tới cái tốt đẹp, hơn là tìm cách loại trừ đi những thứ xấu.
Giờ đã 30 tuổi, tôi tiếp tục theo đuổi ngành mình yêu thích, thậm chí còn làm trong một ngành hàng liên quan đến thẩm mỹ. Tôi vẫn cao hơn 1,6 mét, nhưng vai gầy, eo thon. Vòng ba ngoại cỡ mà tôi vốn tự ti ngày xưa, bây giờ có thể gọi là một lợi thế. Vậy nên, ngoại hình là một thứ hoàn toàn có thể thay đổi được. Quan trọng là bạn phải biết yêu bản thân mình, rồi bạn sẽ biết cách làm mình trở nên đẹp hơn.
>> 'Ngừng phán xét ngoại hình người khác'
Cũng có một người bạn trong nhóm thời đại học của tôi, có thể nói rằng hội đủ các nét xấu của người thường, như: lùn, da xấu, răng hô, gò má cao, nhà nghèo, ăn mặc xuề xòa... Nhưng bù lại, bạn rất tự tin (chứ không như tôi) và nỗ lực trong cuộc sống. Thế nên, dù học cùng lớp, làm cùng ngành marketing, xuất phát cùng thời điểm, nhưng giờ sự nghiệp bạn đã đi rất xa. Đến bây giờ, người bạn đó còn có quan hệ thân thiết với cả những người đẹp nổi tiếng của showbiz Việt.
Đôi khi không phải thứ bạn cần là thay đổi ngoại hình, mà là thay đổi cách nhìn, tự mình thấy mình đẹp là được. Như hàm răng của tôi, lúc trước có người chê xấu, những cũng có người bảo "răng khểnh duyên thế". Sau đó, tôi cũng có đi niềng răng, không phải vì thấy nó xấu, mà thấy vấn đề về răng và nha chu đang bị ảnh hưởng vì sự lộn xộn đó, nên cần thay đổi để đảm bảo sức khỏe.
Vậy nên, hãy tìm những điểm tốt của bản thân để yêu quý, chấp nhận, và trân trọng. Cũng như học cách chấp nhận và bình thường hóa những thứ mình tự cho là xấu xí. Bằng cách đó, ngoại hình của bạn sẽ ngày càng cải thiện. Điều đó khác hoàn toàn với việc tự chối bỏ, chê bai chính mình... Ngay cả khi việc chối bỏ bản thân (phẫu thuật thẩm mỹ) khiến bạn đẹp lên, nhưng nó sẽ không thể làm bạn hạnh phúc hơn. Chặng đường làm đẹp đó sẽ như một cực hình về vấn đề tâm lý.
Nói cách khác, tâm lý sẽ góp phần quan trọng quyết định bạn có thể làm được hay không? Bản thân tôi không cổ súy chuyện "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" vì hai thứ đó nó có giá trị ngang nhau. Ngoại hình phản ánh lối sống hoặc tâm sinh tướng. Tôi tin rằng, nếu ai đó "xấu vẫn hạnh phúc" thì chứng tỏ họ thấy được vẻ đẹp khác của họ, chỉ là nó khác với tiêu chuẩn người khác đánh giá mà thôi.
Bông Bông
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.