Theo báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu về dự án Luật Đất đai sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu phối hợp với các cơ quan thể chế quy định tính thuế người sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức, bỏ hoang hóa đất. Đồng thời, Bộ cũng xem xét đánh thuế lũy tiến với các dự án trúng thầu, đấu giá, nhưng chậm đưa đất vào sử dụng và người đầu cơ đất. Đơn cử, người mua đất xong bán ngay có thể phải chịu mức thuế sao hơn so với người mua để sử dụng đất lâu dài, ổn định.
Ủng hộ đề xuất này, độc giả Phạm Minh nêu quan điểm: "Tôi ủng hộ cách làm này và chúng ta có thể nghiên cứu đánh thuế cao giữa những lần mua bán gần nhau của tất cả các bất động sản chứ không chỉ đất dự án. Vì việc lướt sóng xảy ra với tất cả các bất động sản khác chứ không chỉ đất dự án, trừ trường hợp người bán bị bệnh, ốm, phá sản phải bán gấp. Các dự án mới không nên quy hoạch nhà ống, nhà ống không nên là đặc trưng của Việt Nam".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Zizoun cho rằng cần sớm tính thế người bỏ hoang đất: "Đáng nhẽ việc này phải làm từ lâu rồi. Mấy người đầu cơ đất cứ mua rồi thổi giá lên vài trăm triệu đồng trong vài ngày. Trong khi đó, những người làm ăn kinh doanh sản xuất phải mất hàng năm mới tích được khoản đó. Cứ thổi giá đất như vậy, người làm sản xuất chân chính theo sao cho kịp? Đồng thời, cần đánh thuế mạnh người sở hữu từ hai bất động sản trở lên và mua đi bán lại trong hai năm đầu".
"Đất nào có mục đích sử dụng của loại đấy chứ không phải thích xây là được. Không sử dụng đúng mục đích thì gọi là bỏ hoang. Đánh thuế sẽ khiến người có đất sợ nộp thuế mà bán đi thay vì giữ khư khư, mà nhiều người bán thì giá đất sẽ giảm", độc giả Kính Lúp nói thêm.
>> Năm câu hỏi khi TP HCM thí điểm thu thuế bất động sản thứ hai
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, bạn đọc DykNguyen đặt dấu hỏi về hiệu quả từ việc tính thuế người bỏ hoang đất: "Tôi có hai đứa con nhỏ, mua hai lô đất để dành cho chúng lớn lên có tài sản, vì nếu không mua bây giờ thì 20 năm nữa tôi không thể mua được. Vậy tôi có bị đánh thuế do bỏ hoang đất? Nhà hoạch định chính sách cần hiểu nguyên nhân chính khiến giá đất nhảy múa cao bất hợp lý so với thu nhập là do những người mua lướt sóng tạo ra. Do vậy, cần đánh thuế những người vừa mua đất xong đã bán ngay, như vậy sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Còn những ai mua đất rồi để dành 10 năm, 20 năm cho con cháu của họ thì đó cũng là nhu cầu chính đáng của đại đa số người dân Việt Nam".
Đồng quan điểm, độc giả Legion Sky nêu thắc mắc: "Vậy nếu nhà tôi có đất nhưng không có tiền xây thì có gọi là đất hoang và bị tính thuế không? Đã nghèo không có tiền xây nhà mà nay lại còn bị đánh thuế thì có công bằng? Ở chiều ngược lại, người đầu cơ đất chỉ cần xây cái nhà đơn sơ hoặc trồng vài cái cây ở đấy, thế là không bị đánh thuế bỏ hoang đất mặc dù thực tế họ chẳng làm gì cả".
Bạn đọc Pnmvietnam chỉ ra những bất cập khi tính thuế người bỏ hoang đất: "Ở những địa phương mà việc kết nối hạ tầng (ví dụ các tuyến đường vành đai) chậm triển khai rất nhiều năm so với kế hoạch hứa hẹn, gây khó khăn cho dân cư sinh sống, đi lại thì tất yếu việc xây dựng của người dân cũng sẽ đình trệ, chứ chưa hẳn là hoạt động đầu cơ. Đã là đầu cơ là phải mua đi bán lại để sinh lời, và trong những trường hợp này nên phạt tiền, thay cho tiền thuế thu được, đánh vào chủ đầu tư chậm triển khai hạ tầng trước. Chỉ khi nào hạ tầng đã làm xong, mà đất vẫn để hoang thì mới nên đánh thuế người sử dụng đất".
Nhấn mạnh việc tính thuế đất bỏ hoang cần phải được cân nhắc kỹ để tránh thiệt thòi cho người dân, độc giả Blknemesis kết lại: "Nếu nhà cửa, đất đai của người dân đều là sở hữu hợp pháp thì tốt nhất là tạo điều kiện để họ giữ gìn được tài sản đó một cách hợp pháp. Tôi nêu một ví dụ dễ hiểu để các bạn tham khảo:
Thuế nhà đất ở Nhật Bản được tính theo giá trị thật của đất đai và căn nhà xây trên miếng đất đó. Nếu có đất mà không xây nhà thì giá trị đất đó không hề cao, mức thuế cũng tương đối thấp. Còn nếu xây dựng nhà cửa trên đất đó thì giá trị tăng lên theo giá trị thật của chi phí xây nhà hay giá mua căn nhà đó. Nhiều người lớn tuổi ở Nhật không xây mới nhà cửa mà sẽ chọn cách tiếp tục ở căn nhà cũ kỹ vì không muốn đóng thuế cao hơn.
Có những trường hợp chủ đất có một miếng đất rất rộng nhưng họ không hề xây cất cũng bởi lý do đó. Dĩ nhiên, đó không phải là tất cả. Dù vậy ở vùng quê càng ngày càng có những căn nhà và đất bỏ hoang bởi con cái đều lên thành phố, người già nếu mất đi thì con cháu cũng không ai tiếp tục sinh sống ở đó. Điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra tại Việt Nam. Nếu thuế đất tăng lên thì các vùng quê sẽ lại càng vắng vẻ".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.