"Tôi đã hai tháng rồi chưa ra khỏi cửa. Tôi nhờ người thân gửi hàng dưới quê lên hoặc đặt online mang tới tận cửa. Ấy vậy mà sáng sáng, tôi vẫn nghe thấy tiếng rao bánh chưng, bánh giò... Có mấy hộ gia đình kéo hết cả anh em, cháu chắt ở xung quanh, tụ tập nhau rất đông. Cũng may, khu tôi sống chưa bị lây nhiễm, nếu có thì các gia đình đó chắc phải đến hơn trăm người liên lụy, và sẽ thêm gánh nặng cho đội ngũ y bác sĩ cũng như toàn xã hội. Nếu mỗi gia đình, mỗi cá nhân cứ thiếu ý thức như vậy thì rất khó để thành phố dập dịch".
Trên đây là chia sẻ của độc giả Tôt trước tình trạng "Nhiều người dân TP HCM còn ra đường giữa Chỉ thị 16". Đó cũng là nỗi lo ngại của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong chuyến đi thị sát khu phong tỏa ở quận 8, chiều 24/7. Nếu hôm đầu thực hiện Chỉ thị 16, lưu lượng xe ở thành phố giảm 84% so với trước, thì tới nay, lượng xe đã tăng trở lại, chỉ giảm 70% so với thông thường.
Cùng chung nỗi lo khi người dân ra đường bất chấp lệnh giãn cách, bạn đọc Thanh Hai Vuong bày tỏ: "Ở Thủ Đức chỗ tôi cũng vậy, thành phố cách ly theo Chỉ thị 16 nhưng nhiều người dân vẫn đi ra ngoài. Một số nhà hôm qua xét nghiệm nhanh có ca nghi nhiễm, phải chuyển vào khu cách ly tập chung, nhưng những người nha còn lại, dù là F1 vẫn đi tung tăng ngoài đường mua đồ ăn và thực phẩm. Tôi hết sức lo ngại. Phải chăng người dân không biết sợ, hay do ý thức quá kém?".
Cũng trăn trở trước việc kiểm soát F1 lỏng lẻo, độc giả Ha Mi Na cho rằng: "Tại Bình Chánh gần nhà tôi đây, có nhà con gái F0 phải vào khu cách ly rồi. Một tuần sau test thì thêm ông và bà (hai ca nữa) dương tính. Tức họ đã là ca nghi nhiễm rồi. Vậy mà tôi vẫn thấy họ tự nhiên đi lại trong nhà, ăn cơm với mọi người vì theo như ông già nói là 'không có bị gì hết'. F0 không triệu chứng nhưng như họ thì ai đảm bảo không lây cho người khác?
Sống đối diện nhà bị giăng dây, tôi thấy F0 cứ ngày ngày mở cửa ra đổ rác. Rác thì mười ngày không ai lấy (vì họ không đăng ký với xe rác). Chính quyền địa phương thì hàng ngày chỉ chạy qua hỏi có bị gì không? Họ nói trong nhà vọng ra là "không sao hết". Rồi buổi chiều, tôi lại thấy F1 trong nhà đó mở cửa lấy xe đạp đi mua thuốc. F0, F1 họ ở nhà và thực hiện nghiêm túc quy định nhiều lắm được một tuần.
Tự do đi trong nhà rồi sẽ lây cho người thân, tự do ra ngoài rồi sẽ lây cho cộng đồng. Sống gần F0, F1 như này, trong lòng tôi lo lắng vô cùng. Một tuần rồi, tôi không dám mở cửa".
>> Đánh vào túi tiền người ra đường tập thể dục giữa đêm
Trong khi đó, bạn đọc Hangdoquangninh bức xúc trước sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân: "Tôi đã từng thấy những người nói không đi xét nghiệm Covid-19 vì sợ lây nhiễm chéo, phản đối giãn cách vì không cho họ làm ăn, nhưng họ vẫn mang chó mèo đi dạo bất chấp lệnh cấm, vẫn tụ tập trong nhà uống cà phê, nhậu nhẹt ở nhà... Ý thức cộng đồng còn thấp như vậy nên số ca nhiễm trong ngày còn tăng cũng là điều đương nhiên".
"Mong chính quyền quản lý thật chặt, chứ trông chờ vào ý thức thì rất khó dập được dịch. Từ 9/7 đến nay, khu hẻm tôi ở quận 8, người dân vẫn tụ tập, buôn bán, mà đâu thấy lực lượng chức năng tuần tra nhắc nhở hay xử phạt gì. Xung quanh ca nhiễm cũng nhiều mà người dân không thấy sợ. Trên các trang mạng, người dân vẫn đăng bán hàng rồi mặc áo shipper để đi giao hàng rất nhiều", độc giả H.nghiem1970 nói thêm.
TP HCM đã trải qua 16 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 và 37 ngày thực hiện Chỉ thị 15 trước đó. Hiện, thành phố ghi nhận hơn 55.800 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ tư, chưa có dấu hiệu giảm.
Đề xuất biện pháp nâng cao ý thức người dân, bạn đọc Hailua nhấn mạnh: "Quy định đã ghi rõ, nhưng nhiều người không hiểu (hoặc cố tình không hiểu). Không được ra đường dù là lấy lý do đi mua thực phẩm dùng cho gia đình (ra đường phải có phiếu đi chợ gần nhà, có ghi ngày do phường cấp...). Phải phạt thẳng tay, không nhân nhượng, như thế mới có hy vọng ngăn được dịch lây lan. Khổ thì ai cũng khổ, nhưng phải chấp hành Chỉ thị 16 thật nghiêm".
Đồng quan điểm, bạn đọc PCV ủng hộ việc tăng cường xử phạt vi phạm phòng dịch để làm gương: "Tôi thấy ngày đầu triển khai giãn cách xã hội người dân còn chấp hành tốt, còn e ngại khi phải ra đường (do sợ dịch bệnh, sợ bị phạt). Nhưng khoảng một tuần sau, với tâm lý chủ quan bắt đầu xuất hiện, người dân đã ra đường đông hơn. Do đó, để hiệu quả của việc giãn cách xã hội đạt được mục tiêu đề ra thì chính quyền phải mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm để làm gương (vì biện pháp tuyên truyền xem ra hiệu quả không cao). Song song đó, rất là cần sự đồng lòng và ý thức của mọi người để thực hiện nghiêm túc chủ trương chống dịch đã được ban hành".
Trong khi đó, bạn đọc Andy Do đề xuất: "Phải lắp thêm camera trong các con hẻm, tăng cường tuyên truyền người dân gửi tin báo vi phạm quy định thông qua app, chụp lại hình làm bằng chứng để xử phạt. Cơ quan chức năng có thể gửi công văn xử phạt về tận nhà người vi phạm. Cần tăng mức phạt lên thật cao, có thể cân nhắc thêm các chế tài bổ sung nữa ngoài phạt tiền".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao các hình thức, chế tài xử phạt người vi phạm quy định giãn cách của thành phố, độc giả Mr Nam nhận định: "Công ty vợ tôi chỉ buôn bán thiết bị điện nhưng vẫn vin vào chữ 'điện' để bắt đi làm mỗi ngày. Tôi kêu vợ nghỉ hẳn, chờ qua dịch tìm việc khác. Theo tôi, để giảm lượng người ra đường, thành phố cần:
1. Thiết lập thời gian nghiêm ngặt, chỉ cho người mang giấy công ty ra đường vào khung giờ 6-8 h sáng và 17-19 h chiều. Ngoài khung giờ trên phải phạt nặng.
2. Người dân chỉ được ra ngoài khám bệnh, mua thuốc từ 8-9 h sáng trừ trường hợp cấp cứu.
3. Shipper không được vào các hẻm nhỏ mà phải giao hàng tại đầu hẻm.
4. Mỗi phường tổ chức hai đội có camera đi tuần trong các hẻm để phạt nặng các trường hợp tụ tập trong xóm (tình trạng này rất nhiều), không nhắc nhở nữa.
5. Một đội khác tuần tra các công trình xây dựng dở dang, có nhiều trường hợp đóng cửa công trình nhưng bên trong đó thợ xây tứ xứ vẫn làm việc".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.