Dưới tán cây rậm rạp và vô số cành lá được phủ lên, khẩu lựu pháo M777 gần như không thể nhìn thấy dù chỉ đứng cách vài mét. Một tiếng nổ lớn vang lên, quả đạn 155 mm vọt ra khỏi nòng, tạo ra tiếng rít chói tai khi nó lao tới mục tiêu Nga cách đó hàng chục km.
Tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn, khả năng cơ động và ngụy trang dễ dàng hơn là ưu điểm của những khẩu lựu pháo M777 Mỹ vừa chuyển cho Ukraine. Khẩu pháo uy lực này hội tụ đủ những yếu tố mà quân đội Ukraine mong đợi trong nỗ lực chặn đà tiến của lực lượng Nga tại vùng Donbass, miền đông nước này.
Nhiều khẩu pháo M777, loại vũ khí uy lực nhất phương Tây cung cấp cho Kiev đến nay, đã được triển khai ở chiến tuyến miền đông, làm dấy lên hy vọng giúp Ukraine chiếm được ưu thế về hỏa lực trước lực lượng Nga, ít nhất là ở một số khu vực giao tranh quan trọng.
Những khẩu pháo này đã bắn hàng trăm phát đạn kể từ khi được triển khai vào ngày 8/5, phá hủy nhiều xe thiết giáp Nga trong một nỗ lực vượt sông Seversky Donets bất thành.
Theo đại tá Dmytro Kashenko, chỉ huy một đơn vị Ukraine, pháo M777 đã phát huy hiệu quả trong trận tập kích vào cầu phao và đội hình thiết giáp Nga vượt sông, khiến ít nhất 400 binh sĩ Nga thiệt mạng.
"Vũ khí này đưa chúng tôi đến gần hơn với chiến thắng", đại tá Roman Kachur, chỉ huy lữ đoàn pháo binh 55, đơn vị đầu tiên triển khai loại vũ khí uy lực này, nói.
Tuy nhiên, giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng tuyên bố của đại tá Kachur là quá lạc quan. Không có gì đảm bảo sự góp mặt của những khẩu pháo M777 sẽ tạo nên thắng lợi trên chiến trường, khi lực lượng Nga với ưu thế hỏa lực pháo binh, không quân của mình tiếp tục đà giao tranh ác liệt ở miền đông.
"Pháo binh chỉ phát huy hiệu quả khi có số lượng lớn. Quân đội Nga sở hữu một trong những lực lượng pháo binh lớn nhất thế giới", Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu Nga tại viện nghiên cứu CNA ở Mỹ, nói.
Các nhà phân tích nói hiệu quả của dàn pháo Mỹ sẽ chưa được thể hiện đầy đủ trong ít nhất hai tuần nữa, bởi Ukraine chưa kịp huấn luyện binh sĩ sử dụng tất cả 90 khẩu M777 mà Mỹ đã chuyển giao.
Trang bị những loại vũ khí uy lực hơn cho Ukraine là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị với phương Tây. Mỹ, Pháp, Slovakia và các quốc gia phương Tây khác đã gấp rút viện trợ pháo và các hệ thống hỗ trợ, như máy bay không người lái, radar phản pháo, xe thiết giáp kéo pháo cho Ukraine. Tuy nhiên, Moskva đã cảnh báo phương Tây về hậu quả của hành động chuyển vũ khí hạng nặng cho Kiev.
Điều này đã gây chia rẽ trong nội bộ phương Tây. Một số nước châu Âu đã đề nghị Ukraine tận dụng lợi thế khi sở hữu các loại vũ khí uy lực hơn để thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn với Nga, dù có thể phải chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ.
Giới chức Ukraine đã thẳng thừng bác bỏ khả năng này. Họ khẳng định Ukraine đang có lợi thế trên chiến trường và chỉ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán khi giành chiến thắng, thu hồi lãnh thổ từ tay lực lượng Nga. Ý tưởng này từng được coi là bất khả thi, nhưng Kiev giờ đây ngày càng tự tin hơn, sau khi nhận được các loại vũ khí hạng nặng của phương Tây.
Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình cuối tuần qua nhấn mạnh giải pháp ngoại giao sẽ chỉ được xem xét sau khi Ukraine đánh bại đối phương trên chiến trường.
Tâm lý tự tin của Ukraine gia tăng khi quân đội nước này gần đây đẩy lùi lực lượng Nga khỏi Kharkov, thành phố lớn thứ hai đất nước. Nhưng ở chiến trường miền đông, tình thế khó khăn hơn rất nhiều, khi các đơn vị Ukraine chịu sức ép rất lớn từ các mũi tiến công của lực lượng Nga.
"Nó giống như chiếc ôtô hybrid, không phải chạy bằng xăng hay điện, mà kết hợp cả hai loại động cơ", Tổng thống Zelensky nói về giải pháp kết thúc chiến sự bằng cách kết hợp cả quân sự và ngoại giao. "Để giành chiến thắng, phải chấp nhận tổn thất xương máu".
Quan chức hai bên xác nhận các cuộc đàm phán ngoại giao đã đình trệ, khiến kết quả xung đột giờ phụ thuộc vào diễn biến trên chiến trường. Ukraine không hoàn toàn giành được ưu thế ở miền đông. Lực lượng Nga đang áp sát các thành phố bên bờ sông Siverskyi Donetsk, gồm Sievierodonetsk ở bờ đông và Lyschansk ở bờ tây, đe dọa bao vây quân đội Ukraine.
Chính phủ Ukraine ngày 26/5 thừa nhận đã phải rút khỏi thành phố Lyman, phía bắc tỉnh Donetsk, khi lực lượng Nga tìm cách khép vòng vây ở khu vực này. Quân đội Ukraine nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục rút lui ở một số thị trấn, thành phố nhỏ khác để tránh rơi vào cảnh bị vây hãm như Mariupol.
"Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều người tin rằng lực lượng Ukraine có thể chịu được những tổn thất như vậy và sẵn sàng phản công ngay sau đó", chuyên gia Kofman cho hay.
Tuy nhiên, giới quan sát không phủ nhận rằng các vũ khí phương Tây, như pháo M777 của Mỹ, có thể phát huy vai trò lớn trong các cuộc giao tranh, đặc biệt là khi chúng được triển khai nhiều hơn ở chiến tuyến miền đông Ukraine.
Loại pháo tầm xa này bắn xa hơn khoảng 5 km so với các hệ thống pháo phổ biến mà quân đội Nga sử dụng. Lợi thế về tầm xa sẽ tăng lên 16 km nếu lực lượng Ukraine sử dụng đạn dẫn đường bằng GPS.
Quân đội Ukraine cho biết trong hai tuần được triển khai tính đến hết ngày 22/5, họ đã khai hỏa 1.876 viên đạn từ pháo M777. Theo đại tá Kachur, mục tiêu của pháo M777 là công sự và cơ sở hạ tầng quân sự của Nga, như kho đạn hay sở chỉ huy.
Trong các trận giao tranh ở địa hình trống trải, binh sĩ không chỉ coi trọng tầm bắn của pháo, mà còn là khả năng ẩn nấp và di chuyển, cũng như phương tiện kéo pháo rời trận địa một cách nhanh chóng. Đảm bảo bí mật là yếu tố tối quan trọng trong các trận đấu pháo gần đây. Những người lính Ukraine phải nỗ lực ngụy trang vũ khí của họ bằng rất nhiều cành cây để tránh bị máy bay không người lái đối phương phát hiện.
Sau khi M777 khai hỏa, nòng pháo nhanh chóng được phủ cành cây để che mắt đối phương. Nhưng ngay sau đó, một sĩ quan hét lên "di chuyển nhanh". Cả đội nhanh chóng kéo khẩu pháo rút lui, khi nhận định lực lượng Nga đã xác định được vị trí của họ.
Thanh Tâm (Theo NY Times)