Khi lực lượng Nga tiến vào Ukraine từ ba hướng ngày 24/2, họ đã vạch ra mục tiêu "tốc chiến tốc thắng", với tham vọng chiếm được các thành phố trọng yếu của nước này, trong đó có thủ đô Kiev, trong vài ngày hoặc vài tuần. Nhiều chuyên gia phân tích và quan chức phương Tây cũng đã dự đoán Ukraine sẽ sớm thất thủ trước sức tấn công của Nga.
Nhưng đúng ba tháng sau, quân đội Nga giờ đây phải tập trung vào những mục tiêu ít tham vọng hơn nhiều. Họ rút khỏi khu vực lân cận Kiev vào cuối tháng 3 và rút dần khỏi tỉnh Kharkov, đông bắc Ukraine, từ cuối tháng 4, dồn quân bao vây các thị trấn, thành phố nhỏ ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, khi cục diện chiến trường ngày càng giống một cuộc chiến tiêu hao khó kết thúc trong thời gian ngắn.
Lực lượng Nga đã thay đổi chiến thuật ít nhất ba lần trong quá trình này. Từ "đánh nhanh, thắng nhanh" ban đầu, họ chuyển sang "đánh chậm, tiến chắc", dồn quân về vùng Donbass, huy động các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) với trang bị hỏa lực mạnh tấn công các thành phố lớn ở tỉnh Donetsk và Lugansk, cũng như củng cố hiện diện ở các đô thị đã kiểm soát được như Kherson.
Nhưng đến giữa tháng 5, họ lại tiếp tục thay đổi chiến thuật, chia các BTG thành những đơn vị cấp đại đội và tác chiến ở quy mô nhỏ hơn, sau khi một số đơn vị lớn hứng thiệt hại nặng trong quá trình vượt sông hay di chuyển ở địa hình trống trải, trở thành mục tiêu cho pháo binh Ukraine.
Với lần thay đổi chiến thuật này, quy mô xung đột đã giảm đáng kể, trong khi chiến thắng quan trọng nhất từ đầu chiến dịch đến nay mà Nga đạt được là kiểm soát hoàn toàn thành phố Mariupol ở đông nam Ukraine. Để giành được kết quả này, Nga đã phải huy động khoảng 20.000 quân bao vây Mariupol suốt hơn 80 ngày, liên tục oanh kích nhà máy thép Azovstal, điểm kháng cự cuối cùng của Tiểu đoàn Azov tại thành phố.
Chỉ sau khi Tiểu đoàn Azov nhận lệnh ngừng chiến đấu ngày 20/5, lực lượng Nga mới kiểm soát hoàn toàn Mariupol, hoàn thành mục tiêu thiết lập hành lang trên bộ từ bán đảo Crimea đến vùng ly khai Donbass.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở chính nằm tại thủ đô Washington của Mỹ, cho rằng Donbass đang là mặt trận chủ lực tại Ukraine đối với quân đội Nga, với các trục tiến công chính là nam Kharkov, Donetsk và Lugansk. Mục tiêu của Moskva là bao vây đối phương ở đông Ukraine, kiểm soát hoàn toàn Donestk cùng Lugansk.
Trong một tháng qua, lực lượng Nga cũng gia tăng pháo kích và từng bước kiểm soát khu vực lân cận thành phố Izyum, nơi quân đội Ukraine vẫn tổ chức kháng cự với sự hỗ trợ của pháo binh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 23/5 phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ rằng lượng thiết bị quân sự và vũ khí đang được Nga tập trung ở Donbass gấp 20 lần nguồn lực phòng thủ của Ukraine. Kiev trước đó cáo buộc lực lượng Nga áp dụng tối đa hỏa lực mạnh, sử dụng chiến thuật tiêu thổ và "phá hủy hoàn toàn Donbass".
Quân đội Nga đã giảm đáng kể hoạt động ở phía bắc tỉnh Kharkov, sau thời gian nỗ lực khép vòng vây nhưng không thành công, do vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine. Tại một số khu vực, quân Nga bị truy kích tới sát biên giới. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì hiện diện tại tỉnh, tập trung lực lượng bảo vệ tuyến liên lạc và hậu cần từ Nga qua đông bắc Kharkov đến Izyum, đề phòng nguy cơ Ukraine tổ chức phản công thọc sườn và chia cắt trục chiến dịch này.
Quân đội Nga mở rộng phạm vi kiểm soát ở tỉnh Lugansk, nhưng đà tiến không như những dự báo ban đầu. Tại những khu vực bất lợi, lực lượng Ukraine chủ động rút về hướng tây, đồng thời chờ đợi các loại khí tài hạng nặng do phương Tây cung cấp.
Nga duy trì mật độ pháo kích và đột kích bằng bộ binh tại thành phố Severodonetsk, được đánh giá là thành trì lớn cuối cùng trong tỉnh Lugansk của Ukraine. Họ kiểm soát thêm một số thị trấn, làng mạc xung quanh để khép dần vòng vây quanh thành phố, khiến nhiều người lo ngại Severodonetsk có thể trở thành "Mariupol thứ hai".
Ở vùng duyên hải phía nam Ukraine, giới quan sát đánh giá lực lượng Nga đang chuyển sang củng cố phòng tuyến tại các khu vực đã kiểm soát được. Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine tuần qua cho biết Nga đã triển khai thêm hai trung đoàn tên lửa phòng không S-400 từ Crimea sang khu vực, tăng khả năng đối phó với kịch bản quân đội Ukraine tổ chức phản công với sự hỗ trợ của không quân từ hướng Mykolaiv.
Lực lượng Nga đồng thời tăng kiểm soát về mặt chính trị và an ninh ở hai thành phố lớn Zaporizhia và Kherson. Moskva đã cử quan chức cấp cao đến thị sát tình hình ở khu vực này. Chính phủ Ukraine tuần qua cho biết Nga đã bắt đầu tu sửa cầu đường, cảng và hạ tầng ở Mariupol ngay sau khi kiểm soát hoàn toàn thành phố.
Theo đánh giá của ISW, quân đội Nga có khả năng khởi động lại mũi tiến công từ Crimea và vùng duyên hải phía nam sau khi hoàn tất gia cố phòng tuyến và siết chặt kiểm soát khu vực này. Lực lượng Nga tại Mariupol trước mắt vẫn chưa được huy động cho các mũi tấn công còn lại, thay vào đó chuyển trọng tâm sang đảm bảo kiểm soát an ninh ở địa phương.
Các chuyên gia cho rằng những bước tiến quân đội Nga có được trên chiến trường Ukraine là "sát giới hạn tối thiểu". Mặt trận Donbass vẫn trong tình thế giằng co, khi cả hai phe đều không thể tập hợp lực lượng để tiến hành những trận đánh quyết định, mà chủ yếu sử dụng hỏa lực pháo binh tầm xa để bào mòn sinh lực đối phương.
Thiệt hại nặng nề nhất trong tháng chiến sự thứ ba của quân đội Nga tại Ukraine là nỗ lực vượt sông Siverskyi Donets bất thành vào ngày 11/5. Giới nghiên cứu nhận định trận đánh có thể đã khiến Nga gần như mất một BTG với hơn 70 xe tăng, thiết giáp.
Ukraine với sự hỗ trợ tình báo và quân sự từ Mỹ cùng các đối tác ở châu Âu đã tổ chức nhiều đợt phản công, hoặc không kích sâu trong lãnh thổ đang do Nga kiểm soát, trong đó có hạ tầng và tàu quân sự ở đảo tiền tiêu Zmiinyi (còn gọi là Đảo Rắn).
Mỹ ngày 19/5 thông qua gói viện trợ trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, tăng 7 tỷ USD so với đề xuất ban đầu của Tổng thống Joe Biden. Gói viện trợ được hoạch định trong 5 tháng, với 6 tỷ USD hỗ trợ an ninh, bao gồm các chương trình đào tạo, cung cấp thiết bị, vũ khí, 8,7 tỷ USD bổ sung kho thiết bị Mỹ gửi đến Ukraine và 3,9 tỷ USD hỗ trợ các hoạt động của Bộ Chỉ huy châu Âu (EUCOM).
Lầu Năm Góc đã thành lập Nhóm Liên lạc Phòng thủ Ukraine (UDCG) với 47 nước tham gia, trong đó 20 nước tuần này cam kết gửi thêm vũ khí và trang thiết bị quân sự đến quốc gia Đông Âu.
Theo Mark F. Cancian, cố vấn cấp cao cho Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), đây là gói viện trợ thứ 8 được Mỹ công bố cho Ukraine tính từ ngày 25/2.
Tuy nhiên, thời gian triển khai gói cứu trợ dài hơn những tuần trước, được ấn định đến ngày 30/9, trùng với thời điểm kết thúc năm tài khóa 2022 của Mỹ. Đây là chỉ dấu cho thấy Washington đang dự báo chiến sự tại Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài.
Moskva cũng phát đi tín hiệu tương tự, khi Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) ngày 20/5 bắt đầu xem xét thông qua dự luật bỏ độ tuổi tối đa cho những quân nhân chuyên nghiệp ký hợp đồng phục vụ quân đội.
Tổng thống Putin trong những tuyên bố gần nhất vẫn thể hiện Moskva không thay đổi mục tiêu của chiến dịch quân sự, bất chấp lưới trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Phát biểu ngày 23/5, ông nhấn mạnh nền kinh tế Nga đang chống chọi rất tốt trước đòn trừng phạt.
Để đáp trả, Điện Kremlin đã mạnh tay ngừng cung cấp khí đốt cho các nước "không thân thiện" và những đối tác châu Âu từ chối thanh toán hợp đồng bằng đồng ruble, bao gồm Ba Lan, Phần Lan và Bulgaria.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc (UNHCR) về người tị nạn, chiến sự tại Ukraine đã khiến hơn 7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn và hơn 6,5 triệu người sơ tán sang các nước khác. Cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu được UNHCR xếp loại "Khủng hoảng Cấp độ 3".
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCR) ước tính chiến sự Ukraine từ ngày 24/2 đến ngày 23/5 đã khiến ít nhất 3.930 dân thường thiệt mạng và 4.532 người bị thương, nhưng cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn.
Triển vọng đàm phán hòa bình Nga - Ukraine tiếp tục mơ hồ. Trong khi Moskva lẫn Kiev nhiều lần tuyên bố đàm phán là lối thoát duy nhất cho chiến sự, lập trường hai bên vẫn nằm ở hai thái cực đối lập.
Ukraine yêu cầu đối phương rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ, bao gồm cả những khu vực từng chỉ có lực lượng ly khai kiểm soát lẫn bán đảo Crimea. Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng đề xuất của Kiev không mang tính xây dựng và thiếu thực tế. Moskva cũng cáo buộc phương Tây đang đổ thêm dầu vào lửa khi không ngừng bơm vũ khí, thúc đẩy Kiev tiếp tục cuộc chiến với hy vọng quân đội Nga sẽ thất bại thay vì chấp nhận đàm phán.
"Các bên đang nỗ lực giành một số chiến thắng quân sự mang tính quyết định trước khi bất cứ cuộc đàm phán có ý nghĩa nào được nối lại", Ivan Timofeev, giám đốc tại Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, nhận định.
Thanh Danh (Theo Reuters, AFP)