Vụ rò rỉ lượng lớn tài liệu quân sự mật của Mỹ, một số xuất hiện trên mạng xã hội gần đây, khiến nhiều quan chức tại Washington và nhiều nước khác trên thế giới lo ngại. Sự cố khiến Lầu Năm Góc, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) cùng Bộ Tư pháp Mỹ mở các cuộc điều tra độc lập để tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá thiệt hại.
Giới chuyên gia và truyền thông phương Tây nhận định những tài liệu bị rò rỉ cung cấp cái nhìn rõ nét về góc nhìn của giới lãnh đạo Mỹ với xung đột Nga - Ukraine, trong đó có thông tin chiến thuật về lực lượng Ukraine trước chiến dịch phản công dự kiến. Tuy nhiên, chúng cũng cho thấy quy mô hoạt động tình báo của Mỹ với cả đối thủ lẫn đồng minh trên thế giới.
Nhiều chi tiết về vụ rò rỉ tài liệu mật chưa rõ ràng. Một số tài liệu chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội game Discord trước khi xuất hiện trên Telegram hay Twitter, song không rõ nguồn gốc của chúng. Một số tài liệu dường như được sửa để cho thấy tình hình của Nga tốt hơn Ukraine, số khác dường như không đổi.
Các tài liệu rò rỉ được chia sẻ dưới dạng ảnh chụp. Những bảng biểu, bản đồ, sơ đồ trong các bức ảnh đó đều có vết gấp trước khi treo lên giá để chụp ảnh. Phần hậu cảnh cho thấy những bức ảnh này được chụp ở cùng một địa điểm.
Các tài liệu dường như được chuẩn bị cho cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao Lầu Năm Góc, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đại tướng Mark Milley.
Chúng bao gồm đánh giá từ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) thuộc Lầu Năm Góc, CIA, Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA), các cơ quan thực thi pháp luật và Văn phòng Giám sát Quốc gia (NRO).
Phần lớn tài liệu đều được đóng dấu mật, một số thuộc diện tuyệt mật, mức độ cao nhất trong hệ thống bảo mật của Mỹ. Một số tài liệu có dấu không công bố cho nước ngoài (NOFORN), số khác thuộc diện có thể chia sẻ với đồng minh của Mỹ, trong đó có liên minh tình báo Ngũ Nhãn với các thành viên còn lại là Anh, Canada, Australia và New Zealand.
Thông tin trong những tài liệu trên được thu thập vào mùa đông năm ngoái và chúng được in vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Chúng chủ yếu đề cập vào tình hình chiến sự Nga - Ukraine, nhưng một số nhắc đến các vấn đề địa chính trị nhạy cảm khác như đánh giá về Trung Quốc và Iran.
Vài tài liệu đưa ra nhận định thẳng thắn về sức mạnh quân sự của Ukraine sau hơn một năm giao tranh ác liệt với Nga, nêu những điểm yếu trong hệ thống phòng không cũng như vấn đề về nguồn cung đạn dược của Ukraine.
Một tài liệu mô tả tình huống tiêm kích Nga suýt bắn hạ trinh sát cơ RC-135 của Anh ở khu vực ngoài khơi bán đảo Crimea hồi cuối tháng 9/2022. Sự cố này được Mỹ nhận định là nguy hiểm hơn nhiều so với những gì được công bố tại thời điểm đó.
Thông tin rò rỉ còn cho thấy tình báo Mỹ đã xâm nhập được vào hàng ngũ quân đội Nga và có thể báo trước cho Ukraine về các cuộc tiến công sắp tới. Chúng cũng đề cập tới những cuộc thảo luận về công tác lên kế hoạch của Tổng cục Tình báo Quân đội Nga (GRU) và tập đoàn quân sự tư nhân Wagner.
Các tài liệu cũng dường như chứa thông tin chi tiết về công nghệ giám sát mới mà Mỹ dùng để hỗ trợ Ukraine, trong đó có hệ thống hình ảnh vệ tinh tiên tiến mang tên "Video Chuỗi thời gian LAPIS". Một số quan chức Mỹ lo ngại Nga có thể sử dụng thông tin thu được để đối phó công nghệ này.
Một báo cáo cho biết tập đoàn Wagner đã tiếp cận các đầu mối ở Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, để mua vũ khí hoặc thiết bị từ nước này cho hoạt động tại Mali và Ukraine.
Để làm điều này, đại diện của Wagner sử dụng tên gọi có cùng cách phát âm là Vagner. Chưa rõ Thổ Nhĩ Kỳ biết được bao nhiêu về nỗ lực này và liệu có hợp đồng cung cấp vũ khí nào được ký kết hay không.
Ngoài ra, một tài liệu cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc hồi đầu tháng 3 đã rất khó xử khi Mỹ yêu cầu nước này gửi đạn pháo cho Ukraine. Báo cáo dẫn thông tin tình báo chặn thu từ Hàn Quốc cho thấy Seoul lo ngại việc làm theo yêu cầu này có thể khiến Moskva tức giận.
Một số tài liệu nói rằng Washington đã nghe được các cuộc trò chuyện của giới chức hàng đầu Hàn Quốc về vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho rằng thông tin nước này bị Mỹ nghe lén các cuộc thảo luận nội bộ là "vô lý, sai sự thật".
Israel cũng có tên trong số tài liệu bị rò rỉ. Một báo cáo cho biết các lãnh đạo cấp cao của Mossad, cơ quan tình báo Israel, hồi tháng 2 "ủng hộ các quan chức Mossad và công dân Israel phản đối đề xuất cải cách tư pháp mới của chính phủ".
Vụ rò rỉ được chú ý sau khi truyền thông Mỹ đưa tin Lầu Năm Góc đang điều tra về sự cố. Các phóng viên và điều tra viên sau đó lần lại những bài đăng trên mạng xã hội và tìm thấy ảnh chụp các tài liệu mật được đăng trước đó.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ đối mặt thách thức khi tìm kiếm nguồn phát tán tài liệu mật, khi có thể tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đã tiếp cận với chúng trước khi sự cố được phát hiện.
Các quan chức Mỹ từng cáo buộc Nga sử dụng bên thứ ba để phát tán thông tin nhạy cảm thu được qua hoạt động tấn công mạng. Sau vụ rò rỉ tài liệu mật, một số quan chức Mỹ và Ukraine cáo buộc tình báo Nga đứng sau sự cố nhằm gieo rắc hoài nghi về chiến dịch phản công mà Kiev cùng Washington nhiều lần nhắc đến.
Trong khi đó, Nga nhận định vụ lộ tài liệu mật của Mỹ là "sự kiện thú vị" và cho biết đang nghiên cứu, phân tích và thảo luận về vấn đề. Sau khi được đề nghị bình luận về cáo buộc của Mỹ và Ukraine, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng phương Tây "luôn có xu thế đổ mọi tội lỗi cho Nga, đây là một căn bệnh".
Nguyễn Tiến (Theo WP)