Trong bài phát biểu ngày 17/8 trước Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố "thịnh vượng chung là yêu cầu cần thiết của chủ nghĩa xã hội và là một đặc điểm của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc". Ông đã nhắc tới cụm từ "thịnh vượng chung" 15 lần trong bài phát biểu, khiến nó trở thành một "thần chú" được các quan chức và truyền thông Trung Quốc nhắc lại nhiều lần kể từ đó.
Theo People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, mục tiêu thịnh vượng chung là xây dựng một Trung Quốc bình đẳng hơn bằng cách "tăng tỷ lệ nhóm có thu nhập trung bình, tăng thu nhập của nhóm thu nhập thấp, điều chỉnh hợp lý thu nhập cao và cấm các nguồn thu bất hợp pháp".
Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình 4 thập kỷ trước từng tuyên bố rằng nước này sẽ "để một số người giàu lên trước", trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Chính sách đó đã góp phần biến Trung Quốc thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tạo ra một nhóm tỷ phú sở hữu khối tài sản khổng lồ.
Trung Quốc có 81 tỷ phú trong bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới của Bloomberg, nhiều thứ hai sau Mỹ. Ngoài ra, quốc gia này cũng có rất nhiều tỷ phú và triệu phú khác, dù không nằm trong tốp 500.
Tuy nhiên, điều đó cũng tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn trong xã hội Trung Quốc. 20% người giàu nhất nước này kiếm được nhiều gấp 10 lần 20% người nghèo nhất, một khoảng cách rộng hơn ở Mỹ và các nước châu Âu như Đức, Pháp.
Sự cách biệt giàu nghèo này hầu như không thay đổi kể từ năm 2015. Dù số người sống trong cảnh nghèo cùng cực đã giảm mạnh trong thập kỷ qua, hơn 600 triệu người, khoảng nửa dân số Trung Quốc, sống với thu nhập hàng năm từ 12.000 nhân dân tệ (khoảng 1.858 USD) trở xuống, theo Bloomberg.
Chính phủ Trung Quốc hy vọng mục tiêu thịnh vượng chung có thể giải quyết khoảng cách giàu nghèo của nước này, vốn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Đồng thời, giới quan sát cho rằng CCP muốn tận dụng thịnh vượng chung để tái khẳng định vị thế lãnh đạo với những tỷ phú nhiều tham vọng ở Trung Quốc.
David Moser, phó giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho rằng sự trỗi dậy của các tỷ phú và những tập đoàn công nghệ khổng lồ tiềm ẩn một số rủi ro về ảnh hưởng chính trị, xã hội, thúc đẩy các nhà quản lý Trung Quốc nhắm mục tiêu vào một số doanh nghiệp tư nhân thành công nhất, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu bán phá giá cổ phiếu của họ. Khoảng một tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi định giá của các công ty Trung Quốc kể từ tháng 2, sau khi các nhà quản lý bắt đầu nhắm mục tiêu vào các nhà cung cấp thanh toán điện tử, phát triển bất động sản, công ty dạy thêm tư nhân (ngành công nghiệp có trị giá hơn 120 tỷ USD ở Trung Quốc) và lĩnh vực trò chơi điện tử trực tuyến.
Lĩnh vực trò chơi điện tử, thị trường khổng lồ và sinh lợi cao với thu nhập lên tới 44 tỷ USD vào năm ngoái, cũng quay cuồng với các chỉ thị mới, trong đó cấm trẻ em chơi game online hơn ba giờ mỗi tuần.
Trong nỗ lực để xoa dịu lo ngại, People’s Daily hồi tháng 9 đăng bài xã luận nói rằng quy định mới không nhằm gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh và vị thế của lĩnh vực tư nhân này vẫn được duy trì. Nhưng không thể phủ nhận rằng làn sóng thay đổi kinh tế xã hội lớn nhất, kể từ cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình cuối những năm 1970, đang được tiến hành, theo Charlie Campbell, biên tập viên của Time.
Một quan chức cấp cao của CCP hồi tháng 8 nói rằng thịnh vượng chung không có nghĩa là "lấy của người giàu chia cho người nghèo". Nhưng có nhiều đồn đoán rằng Bắc Kinh có thể áp thuế tài sản, thừa kế... để san bằng sân chơi trong một xã hội 1% người giàu nhất nắm giữ 31% tài sản, theo Credit Suisse. Mức thuế suất ưu đãi 10% mà các công ty mạng được hưởng dự kiến tăng lên 25% theo tiêu chuẩn chung.
Sung Wen-Ti, học giả chuyên về lãnh đạo của CCP tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng ông Tập sẽ tiếp tục khuyến khích tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời cũng phân phối lại của cải để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Hồi tháng 7, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập tuyên bố mục tiêu xây dựng "xã hội thịnh vượng vừa phải" đã hoàn thành, đồng thời khẳng định đã xóa nghèo cùng cực. Mục tiêu ông đặt ra vào năm 2049 là "xây dựng một đất xã hội chủ nghĩa hiện đại, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn hóa tiến bộ và hài hòa".
Mục tiêu này phần nào được thể hiện qua chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" được ông Tập khởi xướng từ năm 2012, xử lý 1,5 triệu quan chức các cấp để làm gương. Phó giáo sư Moser cho rằng bằng chiến dịch mạnh tay này, ông Tập muốn gửi một thông điệp rõ ràng đến tấy cả 90 triệu công chức rằng tham nhũng không được dung thứ.
Trong cuộc đấu tranh vì "thịnh vượng chung", Chủ tịch Trung Quốc dường như cũng phát đi thông điệp tương tự, khi nhắm vào một số tỷ phú giàu nhất. "Ông Tập không muốn bị coi là 'về phe' các tỷ phú và tập đoàn công nghệ lớn, nên đã thẳng tay xử lý", Moser nói. "Đó là hành động để người dân cảm thấy chính quyền đứng về phía họ".
Trong bối cảnh đó, nhiều tài phiệt nổi tiếng Trung Quốc gần đây lặng lẽ rút khỏi các vị trí trong hội đồng quản trị, rời xa mạng xã hội và né tránh sự chú ý. Tỷ phú Zhang Yiming của ByteDance, Richard Liu của JD.com hay Colin Huang của Pinduoduo đều lần lượt rút khỏi ánh đèn sân khấu.
Một số người còn tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài, gửi vào các thiên đường thuế. Những người khác tìm cách đầu tư vào sáng kiến thịnh vượng chung hay chi tiền cho các quỹ từ thiện, động thái được xem là nhằm xoa dịu tình hình.
Đây chắc chắn không phải cơn bão đầu tiên mà họ từng phải đối mặt, theo Moser. "Thực tế của vấn đề là những người này quá giàu và quyên góp một phần nhỏ trong số đó không làm tổn hại đến họ", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Time, Bloomberg)