Dữ liệu được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 18/10 cho thấy GDP nước này trong quý III chỉ tăng 4,9%, mức thấp nhất trong một năm qua và không đạt mốc kỳ vọng 5,2% mà Bắc Kinh đề ra trước đó.
Sản xuất công nghiệp trong tháng 9 đầu năm tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng chậm hơn giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu vào 2007-2008. Sau gần hai năm ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, Trung Quốc đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hiếm thấy.
Đại dịch Covid-19, hay chính xác hơn là biến chủng Delta, được giới chuyên gia xác định là đòn giáng đầu tiên vào nền kinh tế Trung Quốc, khi quốc gia này kiên trì với chiến lược "không Covid", quyết tâm dập dịch bằng chính sách phong tỏa nghiêm ngặt. Những đợt bùng phát giữa năm nay do biến chủng Delta đã buộc giới chức Trung Quốc áp dụng trở lại hàng loạt biện pháp chống dịch mạnh tay.
Nổi bật nhất trong số đó là ổ dịch Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, bùng lên từ cuối tháng 7 đến tháng 8 và lan sang ít nhất 38 thành phố thuộc 14 tỉnh thành, với hơn 1.100 ca dương tính có triệu chứng được ghi nhận. Giới chức y tế Trung Quốc mất gần một tháng áp dụng biện pháp phong tỏa, xét nghiệm quyết liệt để khống chế ổ dịch.
"Khi bước vào quý III, rủi ro và thách thức trong lẫn ngoài nước gia tăng vì đại dịch tiếp tục lan rộng. Trong khi đó, đà phục hồi kinh tế thế giới chậm lại", Phó Lăng Huy, người phát ngôn Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nhận định ngày 18/10.
Theo trang Flight Master, các hãng hàng không Trung Quốc hoạt động chưa tới 50% công suất tối đa trong tháng 8 và đạt khoảng 2/3 công suất vào tháng 9. Chiến lược "không Covid" tiếp tục tạo sức ép lên tiêu dùng trong mảng bán lẻ, đặc biệt là nhóm ngành ăn uống và du lịch.
Trong lúc đà tăng trưởng kinh tế chật vật với các biện pháp hạn chế, phong tỏa chống dịch, Trung Quốc hứng chịu thêm một đòn giáng nữa, khi cuộc khủng hoảng năng lượng bùng phát, gây ra đợt mất điện diện rộng nghiêm trọng nhất trong vòng một thập kỷ.
Tình trạng thiếu hụt than đá, nguồn nhiên liệu sống còn cho các nhà máy nhiệt điện than Trung Quốc vốn chiếm gần 2/3 tổng sản lượng điện toàn quốc, được coi là nguyên nhân khởi phát của cuộc khủng hoảng này.
Việc guồng máy phát điện Trung Quốc đột nhiên thiếu nhiên liệu có cả nguyên nhân khách quan và vấn đề mang tính hệ thống.
Theo giới quan sát, Trung Quốc đã kém may mắn khi lũ lụt liên tiếp ập đến tỉnh Hà Nam vào tháng 7 và Sơn Tây vào tháng 10, buộc nhiều mỏ than trên hai địa bàn khai mỏ trọng yếu này phải đóng cửa. Cùng giai đoạn này, khu tự trị Nội Mông, nơi đóng góp khoảng 1/4 tổng sản lượng than đá Trung Quốc, đang tăng nhiệt cuộc điều tra chống tham nhũng, khiến quan chức địa phương dè dặt hơn trong phê duyệt mở rộng hoạt động khai mỏ.
Sơn Tây, tỉnh cung cấp than đá nhiều thứ ba cả nước, chủ động giảm sản xuất trong vài tháng qua nhằm giảm ô nhiễm không khí. Đây là một phần chiến dịch trả lại sắc xanh cho vùng trời địa phương, phục vụ tổ chức đại hội thể thao toàn quốc vào tháng 9 có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bên cạnh đó, những kế hoạch mở rộng quy mô khai thác than đá bị chậm trễ do các đợt thanh tra an toàn lao động. Công tác thanh tra được siết chặt sau khi Trung Quốc ghi nhận hơn 100 tai nạn công nghiệp khắp cả nước trong năm 2020, buộc giới chức các địa phương phải vào cuộc kiểm tra 976 khu mỏ.
Giới quan sát nhận định tình trạng mất điện thời gian qua còn xuất phát từ cách thức cắt điện để giảm khí thải quyết liệt mà chính quyền các địa phương áp dụng nhằm không vượt định mức khí thải năm nay mà Bắc Kinh ban hành.
Tham vọng nhanh chóng xây dựng kinh tế xanh và giảm lệ thuộc nhiên liệu hóa thạch của giới lãnh đạo Trung Quốc cũng góp phần dẫn đến tình trạng khủng hoảng nhiệt điện than. Giới chức các địa phương không còn mặn mà với những đề xuất mở rộng khai thác mỏ than hay xây thêm nhà máy nhiệt điện than, vì chúng đi ngược lại định hướng của chính quyền trung ương.
Hệ quả là nguồn cung giảm khiến giá than đá ở Trung Quốc tăng vọt, trong khi các nhà máy nhiệt điện than không được phép bán giá điện cao hơn 10% so với giá trần. Đứng trước nguy cơ càng sản xuất càng thua lỗ, một số nhà máy nhiệt điện than dừng hoạt động, khiến nguồn cung điện càng giảm sút.
Đòn giáng thứ ba ập tới là cuộc khủng hoảng ở thị trường bất động sản Trung Quốc, tác nhân quan trọng kéo tăng trưởng kinh tế nước này giảm tốc. Các nhà quản lý thời gian qua tìm cách kiểm soát nhu cầu đầu cơ căn hộ và hạn chế tình trạng vay mượn quá tay của những đơn vị kinh doanh bất động sản mảng nhà ở. Sau khi quả bom nợ 300 tỷ USD Evergrande lỡ hạn thanh toán trái phiếu vào ngày 24/9, một doanh nghiệp khác trong ngành là Fantasia đi vào vết xe đổ này.
Người mua nhà tại Trung Quốc ngại giao tiền cho nhà đầu tư hơn, lo ngại viễn cảnh doanh nghiệp phá sản trước khi kịp hoàn thành dự án. Ngành phát triển nhà ở tại nước này trong tháng 9 khởi công xây dựng ít hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 13,5%.
Một số ngành công nghiệp nặng ăn theo phát triển bất động sản cũng giảm sản lượng trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, như xi măng (giảm 13%) và thép (14%).
Phần lớn chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ còn chật vật hơn nữa trong ba tháng cuối năm nay, khi nước này chưa vội chấm dứt chiến lược "không Covid-19" và những cuộc khủng hoảng khác chưa thể được giải quyết trong ngày một ngày hai.
Các lãnh đạo Trung Quốc gần đây thường xuyên nhắc tới những chính sách lớn nhằm giúp đất nước giảm phụ thuộc vào nợ hay nhiên liệu hóa thạch, nhưng những đòn giáng liên tiếp có thể buộc ông Tập "đạp phanh", khi các cuộc khủng hoảng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Cuộc khủng hoảng điện đã khiến nhiều hộ gia đình Trung Quốc khổ sở vì bị cắt điện luân phiên, đồng thời phải trả tiền điện cao hơn, trong khi những khoản tiền chắt bóp cả đời để mua nhà có nguy cơ mất trắng. Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, hậu quả có thể sẽ lớn hơn, khi nhiều lao động mất việc hơn.
"Ông Tập không thể chấp nhận những chính sách trực tiếp gây tổn hại đến người dân Trung Quốc, bởi điều đó tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng với ổn định xã hội và chính trị", Neil Thomas, nhà phân tích về Trung Quốc tại tổ chức Eurasia Group, nhận định. "Chủ tịch Trung Quốc sẽ quyết tâm bảo vệ sự ổn định đó bằng mọi giá".
Trung Nhân (Theo Economists/Financial Times)