Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới châu Âu năm 2019, ông nhận được sự chào đón nồng nhiệt của nước chủ nhà Italy. Lãnh đạo Trung Quốc đã tham quan những địa danh nổi tiếng La Mã và thưởng thức màn biểu diễn của nghệ sĩ opera Andrea Bocelli. Trong chuyến thăm của ông, Italy thông báo quyết định tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng do Trung Quốc khởi xướng.
Năm năm trôi qua, ông Tập trở lại châu Âu trong bầu không khí khác xưa. Ông tới Pháp ngày 5/5, điểm dừng chân đầu tiên của chuyến thăm xuyên châu lục dự kiến kéo dài tới 10/5. Mặc dù những nghi thức tiếp đón có thể vẫn trang trọng như trước, quan điểm về Trung Quốc trên khắp lục địa đã thay đổi rất nhiều kể từ chuyến công du năm 2019.
Trong vài tuần qua, Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành cuộc điều tra về các khoản trợ cấp dành cho những nhà sản xuất tuabin gió của Trung Quốc xuất sang châu Âu, cũng như hoạt động mua sắm thiết bị y tế của nước này. Giới chức EU cũng đột kích các văn phòng nhà sản xuất thiết bị an ninh Trung Quốc Nuctech như một phần cuộc điều tra.
Đức và Anh gần đây bắt ít nhất 6 người với cáo buộc hoạt động gián điệp và những tội danh khác liên quan tới Trung Quốc.
Hồi tháng 3, Italy chính thức rút khỏi BRI, khiến sáng kiến mất đi thành viên nhóm G7 duy nhất. Đây được xem là đòn giáng mạnh vào hình ảnh của Trung Quốc và lãnh đạo nước này.
Bên cạnh đó, những bất đồng về kinh tế ngày càng tăng khiến EU phải chuẩn bị nguy cơ đối đầu thương mại lớn với Trung Quốc. Những nghi ngờ về tham vọng và ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh cũng lớn dần liên quan tới mối hệ ngày càng gắn bó giữa Trung Quốc và Nga, quốc gia đang xảy ra xung đột với Ukraine.
"Các nước EU ngày càng coi Trung Quốc là mối đe dọa nhiều mặt. Tuy nhiên, châu Âu đang chia rẽ về việc nên giải quyết những lo ngại đó như thế nào cả trong lĩnh vực kinh tế và an ninh", Noah Barkin, thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Quỹ German Marshall của Mỹ ở Đức, nói.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ bắt đầu với một trong những người chỉ trích Trung Quốc gay gắt nhất. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng Tổng thống Emmanuel Macron ngày 6/5 gặp ông Tập tại Pháp.
Bà Von der Leyen nhiều lần kêu gọi EU tìm cách "loại bỏ rủi ro" từ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng của khối, lo ngại về việc bảo vệ các công nghệ quan trọng. EU cũng đang tiến hành cuộc điều tra chống trợ cấp đối với dòng xe điện của Trung Quốc nhập khẩu vào châu Âu.
Đầu năm nay, Trung Quốc mở cuộc điều tra giá rượu mạnh nhập khẩu từ EU, động thái có thể ảnh hưởng tới ngành rượu của Pháp và được xem là hành động trả đũa cuộc điều tra của liên minh.
Giới quan sát cho rằng trong các cuộc gặp, ông Tập có thể nhấn mạnh thông điệp rằng "tách rời" Trung Quốc là điều nguy hiểm đối với châu Âu, đồng thời xoa dịu lo ngại của liên minh về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và chính sách trợ cấp của nước này. Ông Tập cũng có thể đề cao vai trò của xe điện Trung Quốc đối với nỗ lực của châu Âu trong giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Chủ tịch Trung Quốc đã có những bình luận tương tự khi tiếp đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Bắc Kinh tháng trước. Nhiều nhà quan sát chỉ trích ông Scholz tỏ ra quá mềm mỏng với Trung Quốc, dấu hiệu cho thấy sự khác biệt trong chính sách với Trung Quốc giữa Đức và EU.
Giới phân tích cho rằng các cuộc thảo luận không đi kèm cam kết thực tiễn nào rất khó có thể tác động đến lập trường của bà Von der Leyen, người muốn giải quyết những vấn đề thương mại trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6.
Tuy nhiên, ông Tập có thể tìm thấy nhiều cơ hội giành được thiện chí trong các cuộc thảo luận với Tổng thống Macron, người đã tuyên bố rằng châu Âu "cần Trung Quốc" và kêu gọi tái thiết quan hệ kinh tế với Bắc Kinh ngay trước thềm chuyến thăm của ông Tập.
"Để tôi nói rõ rằng tôi không đề xuất tách rời Trung Quốc. Chúng tôi cần người Trung Quốc, cho dù đó là vấn đề khí hậu hay an ninh", ông nói trong cuộc phỏng vấn ngày 5/5 với hãng tin trong nước La Tribune.
Chong Ja Lan, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét Pháp nổi tiếng là quốc gia khá độc lập ở EU và sẵn sàng tạo khoảng cách với Mỹ.
"Ông Tập có thể muốn làm việc với ông Macron để xem liệu có thể khoét thêm khoảng cách giữa châu Âu với Mỹ hay không, cũng như thắt chặt quan hệ của ông với thành viên EU quan trọng này", phó giáo sư Chong nói.
Trong tuyên bố do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày 5/5, ông Tập cho rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Paris là "hình mẫu cho cộng đồng quốc tế về chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia có hệ thống xã hội khác biệt".
Xung đột Ukraine, điểm nhức nhối trong quan hệ châu Âu - Trung Quốc, cũng dự kiến nằm trong chương trình nghị sự của chuyến thăm. Ông Tập nhiều khả năng tìm cách củng cố nỗ lực phác họa Trung Quốc là "bên kiến tạo hòa bình", theo Simone McCarthy, nhà phân tích của CNN.
"Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giải thích với Tổng thống Macron về mối quan hệ của Trung Quốc với Nga, rằng Bắc Kinh có thể trở thành cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa châu Âu và Moskva", Wang Yiwei, giáo sư quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói và thêm rằng hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ sắp tới là cơ hội cho nỗ lực ngoại giao như vậy.
Song Trung Quốc dường như không làm gì nhiều để tác động tới Điện Kremlin quan tâm tới tầm nhìn của châu Âu về hòa bình ở Ukraine, bất chấp nhiều nỗ lực của phương Tây nhằm thúc đẩy ông Tập tận dụng quan hệ gần gũi với Tổng thống Vladimir Putin để thuyết phục Moskva chấm dứt chiến sự. Truyền thông Nga đưa tin ông Putin dự kiến thăm Trung Quốc tháng này.
Chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong bối cảnh Mỹ cùng nhiều đồng minh châu Âu ngày càng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc xuất khẩu hàng lưỡng dụng sang Nga, hỗ trợ cho chiến dịch ở Ukraine. Bắc Kinh nói hoạt động thương mại đó là một phần bình thường trong quan hệ song phương.
Chuyên gia Quỹ German Marshall cho rằng ông Macron và bà Von der Leyen có thể sẽ cảnh báo ông Tập rằng quan hệ giữa hai bên có nguy cơ "xấu thêm" nếu Trung Quốc tiếp tục cung cấp những hàng hóa có thể phục vụ cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự tới Nga.
Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy những thông điệp này dẫn tới thay đổi đáng chú ý từ phía Bắc Kinh. Barkin cho rằng đến một lúc nào đó, châu Âu có thể quyết định phải hành động mạnh tay hơn để trừng phạt các công ty Trung Quốc bị cho là liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.
Emmanuel Lincot, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quan hệ chiến lược và quốc tế tại Paris, nói rằng Pháp, cường quốc hạt nhân duy nhất của EU, được xem là đối tác quan trọng đối với Trung Quốc. Nhưng chuyến thăm Trung Quốc dự kiến của ông Putin cho thấy Bắc Kinh khó thay đổi lập trường về chiến sự Ukraine, bất chấp tác động từ Paris.
"Sẽ không có gì thay đổi về cách tiếp cận của ông Tập đối với các vấn đề quốc tế lớn", ông nói.
Giới quan sát cho rằng sau khi rời Pháp, ông Tập nhiều khả năng sẽ được đón tiếp nồng nhiệt hơn tại Serbia và Hungary.
"Ở Belgrade và Budapest, ông Tập sẽ không phải nghe những lời chỉ trích như ở các nước châu Âu khác. Các lãnh đạo ở đó hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc và họ không thấy có vấn đề với mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh với Moskva", Barkin nói.
Serbia, quốc gia không thuộc EU, có quan hệ thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Aleksandar Vucic. Quốc gia vùng Balkan hồi tháng 1 công bố thỏa thuận có thể thu hút 2 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc vào các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời và sản xuất hydro.
Tại Hungary, ông Tập dự kiến tìm cách làm sâu sắc thêm quan hệ với Thủ tướng Viktor Orban, đồng minh quan trọng của Trung Quốc trong EU, từng ngăn chặn hoặc chỉ trích những chính sách bất lợi với Bắc Kinh mà khối định áp dụng liên quan tới các vấn đề nhân quyền. Quốc gia Trung Âu cũng ngày càng được xem là trung tâm sản xuất quan trọng đối với các nhà sản xuất ôtô của Trung Quốc, trong đó có xe điện.
Điều này có nghĩa ông Tập có thể kết thúc chuyến công du châu Âu với tâm trạng rất khác so với lúc bắt đầu, theo chuyên gia. "Ít nhất ở đó sẽ có nhiều sự đón nhận dành cho ông Tập", Chong nói.
Thanh Tâm (Theo CNN, DW, Firstpost)