Cảnh sát biển Nhật Bản ngày 4/6 cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện vùng tiếp giáp nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong 112 ngày liên tiếp kể từ tháng 2, vượt qua kỷ lục 111 ngày hồi tháng 4-8/2020.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng biển 12 hải lý quanh nhóm đảo 4 ngày trong tháng 4 và 5 ngày trong tháng 5. Trong tháng 1-5, có 20 ngày tàu Trung Quốc đi vào khu vực này và áp sát tàu cá Nhật Bản.
Đợt áp sát gần nhất diễn ra vào ngày 29/5, khi 4 tàu hải cảnh Trung Quốc tìm cách tiếp cận ba tàu cá Nhật Bản, buộc tàu cảnh sát biển Nhật can thiệp "để đảm bảo an toàn cho ngư dân".
Trong cuộc họp báo ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc là "không thể chấp nhận được". "Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để giám sát và thu thập thông tin tình báo một cách thận trọng", Bộ trưởng Kishi cho biết.
Các tàu hải quân Trung Quốc cũng xuất hiện xung quanh quần đảo Nansei, chuỗi đảo trải dài theo hướng tây Nam từ Nhật Bản tới đảo Đài Loan.
Ba chiến hạm Trung Quốc, trong đó có một khu trục hạm tên lửa, ngày 31/5 đi qua vùng biển phía nam tỉnh Kagoshima và tiến vào Thái Bình Dương. Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hồi tháng 4 hai lần đi qua vùng biển nằm giữa đảo Okinawa và Miyako.
Nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, do Nhật Bản kiểm soát, nằm cách đảo Đài Loan khoảng 170 km về phía Đông Bắc. Trung Quốc từ những năm 1970 tuyên bố nhóm đảo này thuộc chủ quyền của họ. Sau khi Nhật bản quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư năm 2012, các tàu Trung Quốc áp sát nhóm đảo này thường xuyên hơn.
Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực từ 1/2, cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài mà Bắc Kinh coi là "hoạt động trái phép" trong vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền. Sau khi đạo luật này có hiệu lực, các tàu hải cảnh của Trung Quốc hoạt động thường xuyên hơn quanh nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản.
Một số thành viên chính phủ Nhật Bản tin rằng Trung Quốc đang tìm cách gây áp lực với Nhật Bản, trong bối cảnh Tokyo tìm cách can thiệp nhiều hơn vào vấn đề Đài Loan.
Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp tại thủ đô Washington hồi tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden "nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan". Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1969 lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ đề cập đến đảo Đài Loan trong văn kiện công bố sau cuộc gặp thượng đỉnh.
Trung Quốc lên án Mỹ và Nhật Bản đề cập tới đảo Đài Loan trong tuyên bố chung, cáo buộc hai nước này "can thiệp vào công việc nội bộ". Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực nếu cần.
Một số quan chức Nhật Bản và các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền lo ngại các động thái của nước này có thể khiến Trung Quốc tăng cường hiện diện tại khu vực 12 hải lý quanh nhóm đảo tranh chấp, dẫn đến leo thang căng thẳng giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của hai nước.
Giới chức Nhật Bản cho biết sẽ tìm cách đối thoại trực tiếp với Trung Quốc. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày 4/6 cho biết "sẽ liên hệ với Trung Quốc và tiếp tục theo dõi tình hình".
Một số nghị sĩ thuộc đảng LDP và phe đối lập nhận định cảnh sát biển Nhật Bản "không thể kiềm chế" hải cảnh Trung Quốc, vốn đang được tăng cường trang bị vũ khí. Các nghị sĩ Nhật Bản cho rằng việc triển khai tàu chiến thuộc lực lượng phòng vệ nước này gần Senkaku/Điếu Ngư sẽ "ngăn chặn các mối đe dọa" từ Trung Quốc.
Nguyễn Tiến (Theo Nikkei)