Cảnh sát biển Nhật Bản phát hiện đội tàu hải cảnh Trung Quốc sáng sớm 29/3 tiến vào vùng biển gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, nơi có các tàu cá Nhật Bản đang hoạt động.
Nhận thấy tàu hải cảnh Trung Quốc định áp sát tàu cá Nhật, cảnh sát biển Nhật Bản điều tàu tuần tra tới bảo vệ ngư dân và yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực, Bộ Chỉ huy Cảnh sát biển Vùng 11 của Nhật Bản cho biết trong thông cáo cùng ngày. Tàu hải cảnh Trung Quốc rời đi sau 15 phút.
Đây là lần thứ 11 từ đầu năm nay tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông, vốn do Nhật Bản kiểm soát.
Trong cuộc họp báo sau đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói động thái của tàu hải cảnh Trung Quốc "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và chính phủ Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối.
Hải cảnh Trung Quốc nhiều lần "rình rập" tàu cá Nhật Bản quanh khu vực nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong năm nay. Chính phủ Nhật Bản phải thành lập tổ công tác đặc biệt tại Văn phòng Thủ tướng để phân tích tình hình quanh nhóm đảo tranh chấp, các quan chức nước này cho biết.
Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/2 cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài mà Bắc Kinh cho là "hoạt động trái phép" trong vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền.
Động thái này khiến các nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản bất an, đề nghị chính phủ Nhật Bản diễn giải luật cảnh sát biển hiện hành như một động thái đáp trả luật hải cảnh Trung Quốc.
Trong phiên họp ngày 25/2, chính phủ Nhật Bản xác nhận cách diễn giải luật cảnh sát biển khẳng định lực lượng này được quyền nổ súng vào các tàu công vụ nước ngoài gần nhóm đảo tranh chấp "nếu họ tin rằng chúng sắp sửa thực hiện hành vi bạo lực".
Một quan chức Nhật Bản cho biết lực lượng phòng vệ nước này và quân đội Mỹ đang chuẩn bị kịch bản diễn tập tình huống khẩn cấp tại nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trước áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc. Theo kịch bản, phòng vệ Nhật Bản sẽ bảo vệ nhóm đảo và quân đội Mỹ đảm bảo sự hỗ trợ phù hợp.
Nguyễn Tiến (Theo Japan Times)