Trái ngược cảnh đông đúc các năm trước, dù chỉ còn hơn một tháng nữa là đến cao điểm Tết Nguyên đán (20/1-13/2/2022), song đến lúc này, ngành đường sắt mới bán được khoảng 6.900 vé cho khách đi tàu dịp Tết Nguyên đán, doanh thu hơn 8,1 tỷ đồng, đạt 19% tổng số vé cần bán. Trong đó, 4 đôi tàu Thống nhất được hơn 5.780 vé; đôi tàu khu đoạn Sài Gòn - Đà Nẵng được hơn 1.100 vé. Được biết, ngành đường sắt vẫn giữ nguyên giá vé như Tết năm ngoái.
Đánh giá về nguyên nhân khiến tàu tết ế khách, độc giả Trung Trần Quang cho rằng: "Giá vé như vậy vẫn là quá đắt. Khi người ta đi tàu hỏa là đã chấp nhận mất thời gian, dịch vụ, vệ sinh kém. Nhưng thật khó để chấp nhận được giá vé còn đắt hơn cả máy bay. Tôi đi tàu giường nằm chặng Sài Gòn - Vinh ngày 26/1/2021 với giá vé hơn 2,6 triệu đồng, còn vé ngồi mềm cũng hơn 2,1 triệu đồng. Với mức giá đắt như vậy, thử hỏi liệu ai chọn đi tàu hỏa?
Theo tôi, ngành đường sắt cần xác định rõ: phải lấy chất lượng và số lượng để bù cho giá vé. Giống như việc bán lẻ và giá rẻ cho khách hàng bình dân, thu tiền ít nhưng lấy số lượng để bù lại. Ví dụ một toa tàu ghế ngồi mềm điều hòa chứa được khoảng 60 người. Nếu bán vé với giá một triệu đồng mỗi ghế thì ngành đường sắt sẽ thu được 60 triệu đồng. Một đoàn tàu có năm toa chở khách với ghế ngồi mềm như vậy đã thu về 300 triệu đồng cho 30 giờ chạy.
Tôi tin chi phí vận hành cho cả đoàn tàu cũng không vượt quá số tiền ấy. Vậy là ngành đường sắt sẽ có lãi ở khâu vận chuyển hàng hóa và các khách mua vé giường nằm, ngồi cứng. Làm vậy, tự khắc sẽ có được sự tin yêu của khách hàng, dần dần sẽ có lãi từ vận chuyển hành khách. Tóm lại, nếu chất lượng dịch vụ tốt, giá vé tương xứng với giá trị của dịch vụ cung cấp, tôi tin đường sắt sẽ không ế ẩm như bây giờ".
>> 'Nhập 37 toa xe Nhật là chuốc họa vào thân'
Đồng quan điểm, bạn đọc VLam cho rằng giá vé không tương xứng với chất lượng là lý do chính khiến hành khách không còn mặn mà với tàu Tết: "Giá cao, chất lượng dịch vụ kém là thực tế của ngành đường sắt. Ghế ngồi mềm, tuyến Bắc - Nam hiện nay có giá gần một triệu đồng, giường nằm cũng gần 1,5 triệu đồng, trong khi hành khách phải ăn uống tự túc, thời gian chạy tàu không những không được cải thiện mà còn ngày càng chậm, ít nhất cũng gần 40 tiếng (từ Hà Nội đến Sài Gòn). Nói thật, nếu mẹ tôi không bị tiền đình, không đi được máy bay hay ôtô thì tôi đã 'cạch mặt' đường sắt từ lâu rồi".
"Tôi cũng há hốc miệng khi xem vé.giường nằm hành trình Hà Nội - Quảng Ngãi, đi mất 32 tiếng và giá là 820 nghìn đồng. Trong khi đó, cũng số tiền ấy, tôi đi máy bay, tính cả thời gian di chuyển sân bay cũng chỉ mất ba tiếng rưỡi. Bạn nào nói đi tàu để ngắm cảnh thì tôi hoàn toàn phản đối vì thực tế chẳng có gì thú vị", độc giả Nguyen Dung bổ sung thêm.
Hiện vé những ngày cao điểm trên các tàu chạy Bắc - Nam trung bình từ 1,8-2,3 triệu đồng. Để thu hút hành khách, ngành đường sắt vẫn giữ giá vé như Tết năm ngoái, đồng thời áp dụng nhiều chính sách như giảm giá cho cá nhân mua vé sớm xa ngày đi tàu đến 40%, giảm giá vé tàu tập thể 2-13%, giảm giá vé tàu khứ hồi.
Riêng với hình thức bán vé tàu nguyên khoang, nguyên toa sẽ được áp dụng đến hết ngày 28/2/2022, hành khách mua vé cự ly từ 300 km trở lên vẫn được giảm giá 10-15%, được phục vụ suất ăn miễn phí. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn là chưa đủ để kéo khách đến mua vé.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.