"Nên đánh thuế các khu đất mà người chủ không đưa vào sử dụng, đánh thuế các khu đất là khu đất sở hữu thứ hai, ba trở lên của cá nhân, như vậy những người giàu sẽ không đầu cơ đất nữa mà họ sẽ có xu hướng suy nghĩ dùng vốn để sản xuất kinh doanh".
Đó là nhận định của độc giả Luutrutemp xung quanh đề xuất áp thuế kiểm soát sốt đất... Hiệp hội Bất động sản TP HCM vừa kiến nghị áp thuế chống đầu cơ địa ốc, đánh thuế người có nhiều bất động sản, chậm đưa đất vào sử dụng, đánh thuế trên giá trị nhà đất, sử dụng công cụ hành chính, kiểm soát tín dụng bất động sản, giảm tỷ lệ cho vay... nhằm đặc trị sốt đất và bình ổn giá nhà.
Khẳng định sốt đất là một vấn đề rất cần sự ra tay của các cấp quản lý và công cụ thuế là một giả pháp hữu hiệu, bạn đọc bạn đọc Khaipleiku cho rằng: "Theo tôi, dùng công cụ thuế là hợp lý nhất, cụ thể: nếu từ khi chuyển nhượng lần một đến khi chuyển nhượng lần hai, lấy các mốc ba tháng, sáu tháng, 12 tháng, 24 tháng và 36 tháng trở lên để đánh thuế thu nhập giảm dần. Ví dụ, trong ba tháng chuyển nhượng lần hai thì lấy giá đất quy định đánh thuế 100% sau đó giảm dần đến 36 tháng thì trở về mức 2% hiện hành chẳng hạn.
Người đứng tên nhiều miếng đất cũng sẽ bị đánh thuế tương tự, tăng dần theo số m2 theo quy định hoặc số miếng đất. Những nơi có biểu hiện sốt đất thì tạm ngưng cho chuyển nhượng đến khi tình hình bình thường trở lại - điều này các cấp quận, huyện của địa phương có thể xử lý được".
Nói rõ hơn về hiệu quả của việc tăng thuế chống sốt đất, độc giả Quý Nguyễn phân tích: "Cần lưu ý là có ít nhất hai loại thuế ở đây: thuế giao dịch và thuế sử dụng đất. Người bán đất cộng gì vào giá không cần biết, nhưng giá cao hơn mặt bằng chung thì người mua sẽ kiếm chỗ khác rẻ hơn. Khi đó, người bán ôm miếng đất đó mà không đưa vào sử dụng thì cũng mệt với thuế cao do không sử dụng.
Thuế cao còn đánh mạnh vào những người sở hữu bất động sản thứ hai, thứ ba trở lên, nên ai trữ càng nhiều đất thì càng bị thuế cao. Nếu không đủ sức trả thuế thì buộc người ôm đất phải đưa vào thị trường với giá hợp lý. Nên nhớ, giá đất lên không hẳn do nhu cầu thực tăng mà còn do nhu cầu ảo. Khi tất cả công cụ được áp dụng, thị trường sẽ về đúng giá trị của nó. Miễn là các công cụ không tạo kẽ hở".
>> Lấy gì làm căn cứ xác định sốt đất ảo để tăng thuế?
Sốt đất đã diễn ra ở khắp các tỉnh thành trong nửa thập niên trở lại đây, số lần sốt đất ảo diễn ra ngày càng nhiều. Tại TP HCM, giá đất khu Đông Sài Gòn nay là TP Thủ Đức liên tục sốt cao trong các năm 2016, 2017 với mức tăng 40-50% vào những mùa cao điểm như cuối năm và sau Tết. Sốt đất khiến cho giá đất khu Đông TP HCM tăng gấp đôi chỉ trong 1-2 năm.
Trong khi đó, chỉ ra những điểm còn hạn chế của đề xuất tăng thuế nhằm kiểm soát sốt đất, bạn đọc Dqmtrieu cho rằng: "Việc đề xuất đánh thuế vào nhà thứ hai, ba không dùng để ở khó có cơ sở để thực hiện và gây ra những hệ lụy pháp lý, quản lý hành chính. Làm sao có thể xác định là ngôi nhà thứ hai, ba của người sở hữu là không dùng để ở? Pháp luật hiện tại có cấm một người không được ở nhiều ngôi nhà mà người đó sở hữu hay không?".
"Cái cần làm là phải cho người dân thấy thông tin quy hoạch cơ sở hạ tầng, đơn giá giải tỏa nhà đất phải ngang bằng với giá của thị trường tự do, xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất tại chỗ để người dân sinh sống thay vì họ di cư tới các thị trấn tập trung có điều kiện tốt sinh hoạt tốt hơn... Việc này sẽ ngăn ngừa hiệu quả giá nhà đất ở các đô thị sốt đất cao triền miên", độc giả Thành thật nhấn mạnh.
Lê Thành tổng hợp
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.