Đất ở TP HCM được bồi thường tối đa gấp 25 lần giá nhà nước, đó là quyết định vừa được UBND TP HCM ban hành, áp dụng từ 18/3. Theo đó, khu vực có hệ số cao nhất, tối đa 25 lần, là huyện Hóc Môn (10-25 lần) và TP Thủ Đức (6-25 lần). Xếp sau là huyện Bình Chánh (6-22 lần), Nhà Bè (10-21 lần), Củ Chi (13-20 lần). Các địa phương còn lại có khung hệ số tối đa dưới 20.
Ủng hộ hệ số điều chỉnh này, độc giả Hong Hung Ban nhận định: "Đưa giá đất bồi thường về sát giá thị trường là mong mỏi của người dân có đất bị đền bù giải tỏa. Rất mong các tỉnh thành phố còn lại trên cả nước cũng sớm ban hành những hệ số K như thế này".
Đồng quan điểm, bạn đọc Dung Nguyen Thuy cho rằng: "Ủng hộ việc điều chỉnh hệ số K của nhà nước theo từng năm, để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong diện giải tỏa. Chỉ mong các cấp chính quyền địa phương làm đúng theo quy định của pháp luật đã ban hành, xác minh đúng vị trí đất, áp dụng đúng hệ số K (max - min) theo đúng vị trí đất để đảm bảo đủ quyền lợi cho người dân".
"Thực tế, khung giá đền bù hiện tại đúng là quá thấp, nên người dân khi nhận tiền đền bù không bao giờ có thể mua lại được nhà ở gần vị trí cũ. Nếu mức đền bù thỏa đáng thì sẽ sớm giải quyết được vấn đề khó nhằn nhất cho các dự án là giải phóng mặt bằng, từ đó đẩy nhanh tiến độ các công trình", độc giả Khách qua đường nói thêm.
>> 'Định giá đất đền bù không bằng một phần mười giá thị trường'
Từ nhiều năm qua, TP HCM luôn gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hệ lụy là kết quả giải ngân thường không đạt mục tiêu đề ra, riêng năm 2022 đặc biệt thấp. Nhiều dự án trọng điểm đình trệ do vướng mặt bằng.
Tuy nhiên, bạn đọc Mùa đông lại cho rằng, việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất đền bù ở mức quá có có thể dẫn tới nhiều tác động tiêu cực:"Theo tôi, khung giá đất cũng cần nâng lên sát giá thị trường, vì khung giá đất là căn cứ tính giá nộp thuế đất hàng năm. Chứ giá bồi thường gấp tối đa 25 lần giá nộp thuế thì rõ ràng bất cập,. Sẽ chẳng có ngân sách nào chịu nổi khoản chênh lệch đó. Thay vì tìm cách đánh thuế bất động sản thứ hai, tôi nghĩ rằng hãy đánh thuế tất cả bất động sản theo sát giá thị trường".
Cùng chung nhận định, độc giả Thanh Binh kết lại: "Giá nhà nước đưa ra kiểu nào cũng không bao giờ đuổi kịp giá bán bên ngoài thị trường. Đơn giản là vì người dân họ có ở, hay đầu tư mua đi, bán lại thì tâm lý vẫn luôn là đôn giá liên tục, chứ có ai quan tâm bán đúng giá hay không đâu. Khu nhà tôi năm trước có nhà kia bán được giá 2,5 tỷ đồng. Ngay sau đó, hàng xóm nhà đó thấy vậy nên đều kê lên giá hơn nữa dù nhà xấu hay đẹp. Vòng lặp đó cứ vậy tiếp tục, cứ có nhà nào bán được giá cao hơn thì cả khu cũng đồng loạt tăng giá theo.
Tôi cho rằng, nhà nước chấp nhận tăng mức bồi thường là một tín hiệu tích cực. Bây giờ, nếu chúng ta cứ đòi hỏi công tâm, phải bồi thường theo sát giá thị trường bên ngoài, vậy cơ sở nào làm giá chuẩn khi không có một cơ quan nào kiểm soát việc giao dịch bất động sản. Hoặc giờ nếu có một cơ quan như vậy, có bảng bảng giá như vậy, liệu các bạn có chịu chấp nhận bán theo giá đó không? Hay cứ kéo, cứ đẩy, cứ chờ giá lên cao hơn nữa để bán kiếm lời?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net