Nguyên tắc "giá đất do Nhà nước quy định phải phù hợp thị trường" từ lâu đã được thống nhất trong quan điểm xây dựng Luật Đất đai. Tuy nhiên, thực tế triển khai Luật Đất đai 2013 cho thấy, Bảng giá đất của hầu hết địa phương cấp tỉnh đều thấp hơn giá thị trường, chỉ bằng 30-60%, khá hơn xưa nhưng vẫn thấp, nhất là tại các đô thị lớn. Sự chênh lệch giữa giá đất nhà nước quy định và giá đất thị trường được xem là bất cập khiến công tác đền bù giải phóng mặt bằng suốt nhiều năm qua bị chậm trễ.
Là một người trực tiếp chứng kiến câu chuyện giá đất nhà nước quy định kém xa giá thị trường, độc giả Nguyenthanhtung chia sẻ: "Khi giá đất khó định giá thì việc đền bù, quy hoạch các khu tái định cư cho người dân, giúp họ đỡ thiệt hại là rất quan trọng. Khu tôi sống giá đất đền bù khoảng 22 triệu đồng một m2, trong khi giá đất biệt thự giao dịch tại khu vực liền kề lên tới 350 triệu một m2, đất ở của người dân trong khu vực không chỗ nào dưới 80 triệu một m2 dù là xấu nhất.
Nhà nước bố trí tái định cư ở chung cư Xuân Đỉnh, tính giá 16 triệu đồng một m2, vị trí xấu hơn, nhà xây chất lượng thấp. Như vậy, giá đất đổi được 1,3 giá khu chung cư xã hội hóa, làm người dân thiệt hại lớn. Đó cũng là lý do khiến người dân không đồng ý với thỏa thuận đền bù, dẫn đến gần 20 năm chưa giải phóng được mặt bằng khu vực này.
Tôi nghĩ rằng, việc nhà nước hoạch định tầm nhìn dài hạn, quy hoạch tái định cư cho khoảng thời gian 20-30 năm và đảm bảo quỹ đất tái định cư khi đền bù là cần thiết. Như vậy, người dân dù thiệt hại 30-40% vẫn ủng hộ di dời. Còn như hiện nay, họ thiệt hại tới 70% nên công tác đền bù luôn dai dẳng. Giá thị trường luôn khách quan, phụ thuộc cung cầu mỗi thời điểm, trong khi nhà nước định giá thường thấp hơn nhiều nên xung đột là không thể tránh khỏi".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hoan bày tỏ những trăn trở về thiệt hại của người dân khi giá đất đền bù quá chênh lệch với giá thị trường: "Khoảng năm 2000, nhà tôi trong diện giải tỏa để phục vụ chỉnh trang đô thị. Ban đầu, gia đình tôi nằm trong danh sách bồi thường theo giá đường nhỏ, tiền đền bù mức thấp. Sau khi làm đơn khiếu nại, chúng tôi được đền bù theo giá đường lớn hơn, nhưng cũng chỉ chênh khoảng vài trăm ngàn đồng một mét vuông so với trước.
Nhà tôi ở hẻm rộng hơn ba mét, sát mặt tiền đường nhưng đền giá tiền bằng nhà ở hẻm rộng chừng một mét, cách mặt tiền đường cả trăm mét. Giá đó là do doanh nghiệp bồi thường và một đơn vị của quận tự định ra. Kiện tụng, chờ mỏi mòn, cuối cùng chúng tôi vẫn đành theo giá bồi thường của quận. Tôi thấy giá bồi thường giải tỏa hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào cái tâm của địa phương, chứ khó quản lý".
>> Bảy lý do đánh thuế người mua bất động sản bỏ không
Nhiều địa phương cho rằng khung giá đất của Chính phủ rất thấp nên không thể đưa giá đất lên sát giá thị trường theo quy định. Có thể thấy Khung giá đất là vật cản thực sự đối với việc quản lý giá đất phù hợp thị trường. Bãi bỏ Khung giá đất là một quyết định mang tính bản lề.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net