Trước thực trạng "Tồn kho bất động sản đang leo thang", nhiều độc giả VnExpress cho rằng giá nhà đất hiện tại vẫn quá cao so với thu nhập của người dân, đồng thời lo ngại việc "giải cứu" bất động sản có thể khiến giá cả tiếp tục tăng cao hơn sau dịch:
Một người làm lương 20 triệu đồng/ tháng. Sau 10 năm kiếm được 2,4 tỷ đồng, nếu trừ chi phí ăn ở, nuôi con, giúp gia đình thì cũng không thể nào mùa nổi nhà giá hiện tại. Nếu "giải cứu" thì hãy cứu những người có nhu cầu mua nhà, đừng để họ phải mua nhà không giấy tờ. Thử đến Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và nhiều vùng ven mới biết nên cứu ai?
Giờ ai mua nổi nhà ở với giá trị cao ngất ngưỡng ngoài những tay ôm hàng chờ tăng giá? Trừ những người giàu có ra thì toàn bộ những người có thu nhập khá trở xuống muốn mua nhà ở thực theo nhu cầu đều vượt quá khả năng. Kết hợp với việc ngân hàng siết cho vay bất động sản thì không ai có thể mua nổi. Còn dạt ra vùng ven, mấy ai chấp nhận khi hạ tầng, dịch vụ, công việc... đều không đáp ứng tốt.
Giá nhà đất tăng gấp đôi, gấp ba từ cuối năm 2018, đầu năm 2019. Nhu cầu thực mua để ở là bao nhiêu phần trăm trong số tổng giao dịch năm ngoái? Công nhân, viên chức, mức lương 10-15 triệu đồng/ tháng, bao nhiêu người sẽ mua được nhà với giá nhà đất hiện nay?
Đã là kinh doanh thì thắng thua là chuyện bình thường, doanh nghiệp nên tự tìm cách tháo gỡ. Giá nhà đất nếu sau khi giải cứu thành công thì sẽ tăng lên bao nhiêu nữa? Sao những người ngheo và lao động có thu nhập thấp, không được "giải cứu" để mua nhà giá rẻ? Mà nếu có mua được nhà giá rẻ thì cũng không đến lượt. Lương tháng 15 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cuộc sống thì bao giờ mới mua được nhà?
Trong khi đó, không ít ý kiến chỉ ra giá trị thực sự của bất động sản với đời sống xã hội trong thời điểm thiên tai địch họa hoành hành, nhấn mạnh sự cần thiết phải lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tránh đầu cơ:
Khi dịch bệnh như lúc này, giá trị bất động sản chẳng mang lại gì cho nên kinh tế đất nước, chỉ có sản xuất, dịch vụ, y tế, khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ... mới mang lại đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ta chống bệnh dịch.
Bất động sản là tài nguyên. Khi mà các tập đoàn khai thác quá mức thì nó sẽ tạo nên gánh nặng cho xã hội. Nguồn vốn ứ đọng trong bất động sản không được lưu thông, trong lúc nguồn lực dành cho sản xuất thì không được quan tâm chú trọng đúng mức, làm xã hội phát triển nhưng chậm.
Hãy để bất động sản về với mặt đất. Đầu tư nhiều cho bất động sản không tạo ra nhiều giá trị vật chất cho xã hội. Các doanh nghiệp sản xuất mới cần phải cứu. Chung cư xây nhiều nhan nhản mà đa số dân lao động cũng không có tiền mua. Toàn đầu cơ bất động kiếm lời, đến lúc thua lại kêu cứu.
Cấm mua bán đất nền hoặc rà soát, tịch thu đất nền có thời gian từ lúc chủ đầu tư chuyển nhượng đến nay quá 5 năm mà chưa xây dựng thì phân khúc nhà xây sẵn sẽ bán chạy. Cần tiến tới cấm bán đất nền ở đô thị để chống đầu cơ, lành mạnh hóa thị trường bất động sản.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.