Quốc hội vừa tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó, nội dung về chính sách tiền lương, Quốc hội đã quyết nghị, từ ngày 01/7/2024, sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Đây không chỉ là tin vui đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn có thể trở thành một động lực cực kỳ quan trọng để thu hút nhân tài vào công tác trong khu vực công, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
Một trong các yếu tố cấu thành môi trường làm việc lý tưởng phải kể đến đầu tiên là chế độ đãi ngộ tốt. Tuy nhiên, thực trạng chính sách tiền lương khu vực công hiện nay lại chưa theo kịp khu vực tư, không đảm bảo cuộc sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, các chế độ đãi ngộ, đặc biệt là chế độ lương hưởng của khu vực công hiện nay đang bị khu vực tư bỏ lại rất xa.
Mức lương cơ sở của khu vực công năm 2022 chỉ còn bằng 45,84% mức lương tối thiểu của lao động thị trường vùng IV (nông thôn, miền núi), bằng 40,93% của vùng III, bằng 35,81% của vùng II và chỉ bằng bằng 31,83% của vùng I. Thậm chí theo quy định mới tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì mức lương cơ sở của khu vực công cũng chỉ bằng khoảng 40 - 50% mức lương tối thiểu vùng - mức lương thấp nhất trả cho lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường.
Chính sách về chế độ tiền lương quá thấp, không đảm bảo cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức là một trong những những nguyên nhân dẫn đến chưa thu hút được nhân tài cho khu vực công. Minh chứng cho vấn đề này là những đối tượng du học nước ngoài về công tác trong khu vực công phải nhận một mức lương và thu nhập rất thấp, thậm chí có trường hợp là tiến sĩ nước ngoài nhưng khi về nước công tác chỉ nhận được mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng và các khoản thu nhập tăng thêm cũng rất thấp.
Do đó, có thể khẳng định thực trạng chế độ đãi ngộ và tiền lương không tương xứng với học vấn, kinh nghiệm và năng lực là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm cho nguồn nhân lực chất lượng cao còn "e ngại" khi ứng tuyển vào khu vực công.
Bên cạnh chính sách tiền lương thấp, hệ thống lương theo ngạch, bậc chưa công bằng cũng là một thực tế cần được nhìn. Hiện nay, hệ thống lương theo ngạch, bậc đang không đảm bảo đánh giá đúng năng lực làm việc cũng như hiệu quả và áp lực công việc của từng đối tượng công chức, viên chức.
Việc cùng một vị trí việc làm, cùng khối lượng công việc nhưng người nào thâm niên công tác lâu hơn thì được hưởng lương cao hơn rất nhiều là một bất cập lớn trong chế độ công vụ hiện nay. Theo đó, chế độ tiền lương thấp, không công bằng đã vô hình dẫn đến triệt tiêu động lực làm việc của đội ngũ cán bộ trẻ, tài năng nhưng lại làm cho những thành phần yếu kém bám trụ để hưởng chế độ và chính sách phúc lợi từ Nhà nước.
Tóm lại, việc tăng lương tiệm cận khu vực doanh nghiệp tư nhân đi đôi với trả lương theo vị trí việc làm sẽ là một bước đột phá lớn, giúp thu hút hiệu quả nhân tài cống hiến cho khu vực công, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
>> Tôi làm công chức 'chân ngoài dài hơn chân trong'
Có thể nói, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ với sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà vai trò quan trọng nhất là Bộ Nội vụ.
Chính phủ đã bố trí đủ nguồn ngân sách với khoảng 560.000 tỷ đồng, để triển khai đồng bộ cả sáu nội dung của chế độ tiền lương mới, đảm bảo mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp. Đồng thời, từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm để bù trượt giá và cải thiện theo mức tăng trưởng GDP. Theo đó, việc tăng lương hằng năm được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là nguồn ngân sách chi cho cải cách tiền lương chỉ mới được bố trí cho giai đoạn 2024-2026. Do đó, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững. Vì vậy, việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương sau giai đoạn 2024 - 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.
Như vậy, mặc dù Chính phủ và các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong cải thiện cuộc sống đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cũng như "trả" lại đúng giá trị của lao động khu vực công, nhưng việc duy trì chính sách tiến bộ này không hề đơn giản.
Việc trả lương theo hiệu quả, áp lực công việc và phản ánh đúng giá trị lao động của từng vị trí việc làm, từng bước đảm bảo và nâng cao đời sống của đội ngũ lao động khu vực công là một yếu tố cực kỳ quan trọng để thu hút được lực lượng nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ nhân tài quan tâm hơn đến việc công tác trong khu vực công. Từ đó, cải thiện hiệu quả quản trị và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cho nên, trong thời gian tới, rất cần sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, các ngành và địa phương trong việc duy trì và phát triển nguồn thu một cách bền vững thông qua tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển lực lượng doanh nghiệp lớn mạnh, đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách; đồng thời, thực hiện chi tiêu một cách tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là chi cho đầu tư công.
Đinh Tấn Phong
Tác giả Đinh Tấn Phong đang công tác tại Viện Kinh tế - Xã hội Cần Thơ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.