"Tôi làm viên chức ở một trường Đại học tại TP HCM trong 10 năm, hệ số lương 3.33, thực lĩnh tám triệu đồng một tháng. Trong khi đó, chi phí mỗi tháng của gia đình tôi như sau: tiền thuê nhà, điện nước, chỗ để xe... khoảng ba triệu đồng (tôi ở nhà công vụ, tiền thuê được ưu đãi của cơ quan); học phí của con gái (đang học cấp một) khoảng 1,5 triệu đồng, học thêm Tiếng Anh 2,5 triệu; tiền xăng, sửa xe một triệu... Mới những thứ cơ bản đó thôi mà đã ngốn hết tiền lương của tôi.
Rõ ràng, nếu tôi chỉ làm mỗi một việc nhà nước đó thì sẽ không thể đủ sống ở Sài Gòn, nên buộc phải kiếm thêm ở những công việc khác ở bên ngoài. Hầu hết mọi người trong cơ quan tôi cũng đều phải kiếm thêm việc và như vậy đương nhiên sẽ không thể tập trung cho công việc chính (thu nhập phụ) mà phải chia sẻ sức lực và tinh thần cho công việc phụ (thu nhập chính).
Nhiều người hỏi tại sao chúng tôi không bỏ công việc hiện tại mà kiếm việc khác cho đỡ khổ? Câu trả lời là vì khi tuổi trẻ, chúng tôi muốn cống hiến cho xã hội, lương thấp hay khổ cực một chút cũng không sao. Sau khi làm được 5-7 năm,và lập gia đình, sinh con, cha mẹ có tuổi, thì áp lực kinh tế mới bắt đầu đè nặng. Nhưng lúc đó, vì có quá nhiều thứ phụ thuộc nên chúng tôi rất khó thay đổi công việc.
Để bắt đầu công việc mới cần có thời gian thích ứng, môi trường mới, kỹ năng mới và đặc biệt cần có tài chính mạnh để vượt qua thời gian đầu. Nhưng về cơ bản, những người bám trụ lại cơ quan nhà nước như chúng tôi đa số đều yêu công việc đang làm, muốn mang lại giá trị cho xã hội và có lý tưởng cống hiến, nên càng bị mắc kẹt giữa lý tưởng và cái 'dạ dày'".
Đó là chia sẻ của độc giả Sống về quãng thời gian 10 năm làm việc trong biên chế xung quanh câu chuyện "Lương nhà nước không đủ sống". Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, trong vòng 6 năm, thu nhập bình quân gồm lương, các khoản phụ cấp của lao động làm công ăn lương trong khu vực nhà nước tại thành phố tăng chưa đến hai triệu đồng, trung bình mỗi năm tăng 319.000 đồng. Năm 2021, thu nhập bình quân của cán bộ, công chức, viên chức ở thành phố đạt gần 8,86 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, một số ngành thu nhập chưa đến 8 triệu đồng như giáo dục, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống...
>> U40 bỏ việc biên chế về làm trang trại
Với mức lương không đủ sống tại thành phố, nhiều người buộc phải từ bỏ công việc trong cơ quan nhà nước để ra ngoài làm cho doanh nghiệp tư nhân. Bạn đọc Muathulabay cũng là một người như thế: "Trước đây, tôi cũng làm ở cơ quan nhà nước. Trong suốt 10 năm, mặc dù cống hiến rất nhiều, có nhiều thành tích chuyên môn, thăng tiến cũng nhanh (sau hai năm đầu lên Phó phòng phụ trách, một năm sau lên Trưởng phòng, ba năm sau lên Phó Giám đốc). Ngoài ra, tôi cũng có đề tài khoa học, sản phẩm nghiên cứu được áp dụng trên toàn địa bàn; bằng khen từ Bộ, Ngành, Liên đoàn lao động cũng có đủ... nhưng mức lương vẫn ba cọc ba đồng, không đủ sống.
Tôi làm về chuyên môn, không thích công tác quản lý và cuối cùng buộc phải ra đi sau hàng chục năm cống hiến. Tôi bỏ cơ quan nhà nước vì môi trường này không thích hợp cho người làm chuyên môn. Tôi ra ngoài làm cho một tập đoàn doanh nghiệp cũng được 10 năm nữa và nhờ đó thu nhập của tôi ở hiện tại cũng thuộc dạng ổn (khoảng 60-70 triệu đồng một tháng). Doanh nghiệp bên ngoài luôn tạo điều kiện cho tôi được phát triển ý tưởng, tạo môi trường thuận lợi để nhân viên làm việc.
Giờ ngẫm lại, tôi thấy những ai ở cơ quan nhà nước và chấp nhận lương thấp chỉ vì một trong những lý do sau: Một là họ làm theo kiểu chân ngoài dài hơn chân trong, lấy một chân nhà nước để đóng bảo hiểm xã hội, còn làm việc ngoài để tạo nguồn thu nhập chính. Hai là trình độ của họ có hạn, phải nhờ mối quan hệ để xin vào nhà nước và không đủ tự tin để ra doanh nghiệp làm. Ba là họ đi theo con đường quản lý (những người có kiến thức, mối quan hệ, điều kiện kinh tế và hậu phương tốt).
Cá nhân tôi thấy vào doanh nghiệp làm dễ dàng và đơn giản hơn nhiều. Nhà tuyển dụng xem CV của tôi và nhận luôn vào làm chính thức mà không cần thử việc. Nếu bạn cũng đủ tự tin về trình độ của mình, tôi rằng hãy mạnh dạn bỏ ra làm cho doanh nghiệp để được nhận một mức thu nhập tốt hơn".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viếtkhông nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.