Tác giả Nguyễn Việt Linh là chuyên gia Đào tạo Nhân lực đang làm việc tại Hà Nội.
Trước đại dịch Covid-19, khi tình hình kinh tế xã hội còn đang ổn định, phần lớn người đi làm chỉ mong muốn một công việc thu nhập cao và có sự phát triển về vị trí hay chuyên môn. Khi đó, giá trị công việc chỉ là thứ mơ hồ, ít được quan tâm, nó chỉ được một số cá nhân sau khi đã đạt được những thành tựu về danh tiếng hay tiền bạc tìm kiếm như một cách thỏa mãn các giá trị tinh thần.
Rất nhiều thói quen sống và làm việc thay đổi từ Covid-19. Đây là cơ hội để chúng ta sống chậm lại, nhận ra sự mong manh giữa sống và chết, có nhiều thời gian để tư duy về công việc... Điều đó khiến cho những thứ trước đây chúng ta thờ ơ, thấy không quan trọng, trở thành sự ưu tiên.
Trong thời gian gần đây, trên các diễn đàn và mạng xã hội công việc, số lượng người đi làm chia sẻ bị mất định hướng trong công việc, muốn tìm kiếm những giá trị của bản thân ngày càng nhiều. Với đặc thù công việc là một chuyên gia Đào tạo Nhân lực đang làm việc ở Hà Nội, tôi cũng thường xuyên gặp những người bối rối với công việc, dù trẻ hay già, ít hay nhiều nhiều kinh nghiệm, mới đi làm hay đã làm được gần 20 năm...
Việc tìm kiếm những ý nghĩa trong công việc là việc quan trọng của cả sự nghiệp, nhưng trước đây chúng ta có thể chờ đợi khi thỏa mãn các mục tiêu khác như tiền bạc, địa vị... Nhưng khi Covid-19 xuất hiện, những giá trị của công việc bỗng nhiên thành mục tiêu quan trong của rất nhiều người.
>> 10 năm sang Mỹ học ngành không kiếm ra tiền
Tại sao giá trị công việc lại quan trọng?
Trong khoảng tám năm từ khi tốt nghiệp đại học, tôi làm nhiều công việc khác nhau từ đúng ngành học đến những việc trái ngược hẳn với ngành học. Suốt thời gian đó, không công việc nào khiến tôi hài lòng và thực sự hứng thú trong thời gian dài. Sau này, tôi mới biết đó là do những giá trị công việc không phù hợp với những giá trị mà mình thực mong muốn.
Theo Richard Knowdell, hiện là cố vấn nghề nghiệp cấp quốc gia của Mỹ, giá trị công việc là một thành phần quan trọng để hưởng đến đến sự hứng khởi, thành công và hạnh phúc của một người trong công việc. Cấu trúc công việc của Knowdell bao gồm bốn yếu tố: giá trị, kỹ năng, cá nhân, những gì người đó quan tâm.
Ngoài yếu tố chung về thu nhập và sự thăng tiến thì mọi người đều tìm kiếm và coi trọng những điều khác nhau trong công việc. Một số sẽ coi trọng sự ghi nhận, uy tín, tiền bạc; số khác lại coi trọng sự sáng tạo, giờ giấc linh hoạt và sự độc lập, được gặp gỡ giao lưu... Những điều coi trọng này chính là những giá trị công việc mà chúng ta mong muốn và tìm kiếm. Sự hài lòng và thành công trong công việc phụ thuộc rất nhiều vào những giá trị công việc hiện tại có tương đồng với các giá trị mà bản thân mình mong muốn hay không?
Anh bạn tôi là người coi trọng "trung thực và liêm chính", nhưng công việc lại yêu cầu thường xuyên làm các số liệu giả với nhà đầu tư và khách hàng. Vì thế anh ta rời bỏ công việc này chỉ sau sáu tháng, do luôn cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Một chị đồng nghiệp cũ của tôi đang làm tại một doanh nghiệp FDI, có vị trí và thu nhập rất tốt. Nhưng khi sinh đứa con thứ hai, những điều chị coi trọng trước đây bỗng thay đổi, chị muốn đặt "gia đình" và "cân bằng cuộc sống" lên trên hết, vì vậy chị rời công ty trong sự tiếc nuối của tất cả đồng nghiệp.
Giá trị là niềm tin đến từ bên trong và có thể đã ăn sâu vào mỗi chúng ta. Giá trị công việc là một trong những tiền đề để xây dựng một sự nghiệp thành công.
>> Mẹ bắt thi kinh tế dù tôi yêu hội họa
Tìm kiếm giá trị công việc bằng cách nào?
Nếu muốn sự nghiệp thành công thì bản thân mỗi người phải làm được một việc gì đó, được xã hội hay người khác ghi nhận, hợp tác, đó chính là giá trị của chúng ta. Rất nhiều khảo sát trên thế giới cũng nói lên điều này. Một người có cảm hạnh phúc, thành công trong công việc khi họ tạo ra giá trị cho xã hội, cho cộng đồng hay cho người khác và được ghi nhận.
Khi đã xác định được giá trị của bản thân, chúng ta sẽ có câu trả lời về động lực thúc đẩy làm việc tốt nhất. Bởi vậy để tìm kiếm những giá trị trong công việc chúng ta cần trả lời những câu hỏi sau:
1. Tôi coi trọng những giá trị nào?
2. Tại sao tôi lại coi trọng những giá trị đó?
3. Tôi mong muốn làm việc gì trong tương lai, trong tổ chức nào và với ai?
4. Những giá trị công việc của tôi có tương đồng với công việc, tổ chức hay những người đồng hành với mình không?
5. Tôi sẽ làm gì để đóng góp giá trị của mình?
Không phải ai cũng có thể tìm được những giá trị và công việc mong muốn ngay từ đầu. Với tôi cũng vậy, cũng đã mất rất nhiều thời gian để có thể tự hỏi và trả lời được những câu hỏi này. Tuy nhiên, việc mất thời gian cho những việc vô nghĩa, không hứng thú và không hiệu quả sẽ là một sự lãng phí cực lớn. Chúng ta lãng phí rất nhiều thời gian, cơ hội, nguồn lực và tiền bạc của bản thân, gia đính và xã hội.
Đi tìm giá trị công việc, đầu tiên là học và tự hoàn thiện từ chính những người xung quanh, từ công việc đang làm, bởi bất cứ ai hay điều gì cũng có thể là người thầy của mình. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên được bài học của một chị thủ quỹ về tính logic vấn đề tiền trong doanh nghiệp, và tôi vẫn thường xuyên ứng dụng tư duy này trong công tác quản lý sau này.
Tiếp theo, hãy tìm kiếm và gặp gỡ những người có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm và đã gắn bó lâu với công việc. Hãy lắng nghe những chia sẻ về thách thức trong công việc, họ đã vượt qua thách thức như thế nào, những lúc nào họ cảm thấy hạnh phúc và thăng hoa trong công việc. Hãy hỏi những người kinh nghiệm về những giá trị nghề nghiệp của họ, những điều gì khiến họ vẫn đang làm công việc hiện tại cho dù đầy những khó khăn và thách thức.
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chính mình trả lời các câu hỏi trên như thế nào? Một cách tôi thường làm là ghi vào một cuốn sổ tay mỗi khi xuất hiện một câu trả lời nào đó. Tôi thường tổng kết ba tháng một lần và tìm ra những câu trả lời giống nhau, được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng câu trả lời lặp lại như vậy, sẽ giúp tôi thấy những giá trị và mong muốn theo chặng đường dài của bản thân.
Hiện tại, với sự phát triển của công nghệ, công cụ hỗ trợ ghi chép của chúng ta cũng đa dạng và dễ dàng hơn. Ngoài ra, còn có các bài kiểm tra online, các bộ thẻ, các trò chơi hay các công cụ khác sẽ giúp trả lời những câu hỏi trên. Một lưu ý là hãy thực hiện định kỳ, để tìm ra những điều lặp lại nhiều lần vì đó sẽ là những thứ gắn bó với chúng ta lâu dài.
>> Học kinh tế làm gì khi không có đam mê
Những lưu ý khi tìm kiếm những giá trị công việc
Việc tìm kiếm giá trị công việc từ những động cơ tiêu cực (chẳng hạn muốn trả thù ai đó), chỉ theo đuổi tiền bạc hay danh vọng hão huyền sẽ khiến chúng ta gặp nhiều rủi ro. Đầu tiên, chúng ta không thể có sự thăng hoa, hạnh phúc trong công việc như đúng mục tiêu tìm kiếm giá trị của nó. Thứ hai, chúng ta rất dễ làm những việc không đúng với tiêu chuẩn của xã hội, tổ chức gây ra sự rủi ro cho chính bản thân, thậm chí có thể vi phạm pháp luật. Vậy hãy bắt đầu tìm kiếm giá trị công việc bằng những động cơ tích cực.
Giá trị nghề nghiệp của một người là những gì người đó mong muốn. Hãy lắng nghe nhưng đừng để những người khác hay dư luận xã hội ảnh hưởng đến quyết định của bản thân.
Nếu đã lựa chọn "lợi nhuận và tài chính" thì đừng để những ý kiến hay những quan niệm xã hội cũ kỹ kiểu "nó chỉ biết đến tiền" ảnh hưởng đến quyết định của bạn.
Không có điều gì hoàn hảo, chẳng ai có thể tìm được một công việc mà mọi thứ đều như mình mong muốn. Vì vậy hãy đừng chờ đợi, hãy hành động bằng cách làm việc chăm chỉ, luôn học hỏi và hoàn thiện bản thân cho dù ta đã tìm ra giá trị công việc hay chưa? Chỉ có hành động mới khiến chúng ta thay đổi bản thân và tìm được những giá trị đích thực của mình.
Với cá nhân tôi, đi tìm giá trị công việc giống như một hành trình. Mỗi chuyến đi đều cho ta những trải nghiệm, những bài học bổ ích giúp ta hoàn thiện hơn.
Và tôi nhận ra chính mình qua những chuyến đi.
Nguyễn Việt Linh
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.