"Tham gia giao thông và quan sát trên đường, tôi thấy một sự hỗn loạn, không có trật tự, đặc biệt là những lúc thiếu bóng CSGT. Nếu lực lượng chức năng tăng cường bắt lỗi, xử phạt, từ những vi phạm nhỏ nhất tôi tinh tình hình sẽ chuyển biến tích cực.
Đơn giản nhất như những người dừng xe trên phần đường dành cho người đi bộ sang đường. Người dân bây giờ ngang nhiên dừng xe trên khu vực có vạch kẻ ngang cho người đi bộ. Nhiều người không học luật nên không biết đã đành, nhưng không ít người biết luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Họ thấy người khác đứng trên đó không bị phạt, thế là cứ học theo nhau, cứ thế thành một hệ thống vi phạm kéo dài và thành thói quen xấu. Nhiều bố mẹ chở con đi học vẫn vô tư vượt đèn đỏ khi thiếu bóng CSGT, nên con lớn lên cũng sẽ vậy thôi. Đơn giản, với họ, không thấy bị phạt là không biết sai.
Thế nên, lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm luật giao thông: từ người đi bộ cho đến người lái xe, để mọi người hiểu rằng mọi hành vi vi phạm luật giao thông đều sẽ bị phạt. Từ đó, họ sẽ ghi nhớ để hạn chế tái phạm. Đó cũng là cách buộc người dân phải học Luật giao thông một cách nghiêm túc.
Ngoài ra, CSGT cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lỗi nặng như lái xe sau khi uống rượu bia, chạy ngược chiều trên đường cao tốc, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ cho phép, vận chuyển hàng cồng kềnh mà không có biện pháp đảm bảo an toàn... Tất cả những hoạt động trên cần được giám sát, thực hiện, xử phạt một cách thường xuyên, liên tục. Không thể chỉ làm các đợt cao điểm xử lý để rồi sau đó đâu lại vào đấy. Nếu không làm nghiêm, triệt để thì giao thông Việt khó có sự trật tự".
Đó là quan điểm của độc giả Nguyễn Hà Lãn Ông trước hiện tượng "nhờn luật" trong xã hội hiện nay. Thực tế, theo sau sự ra đời của các nghị định là các chiến dịch truyền thông, các đợt ra quân xử phạt... Kết quả đạt được của những hoạt động này là không thể phủ nhận. Nhưng phần lớn đó là kết quả đạt được trong một giai đoạn, mang tính thời điểm. Để rồi sau những chiến dịch ra quân ồ ạt như mưa gió quét qua ấy, mọi thứ lại quay về với trời yên, biển lặng.
Cho rằng việc xử phạt vi phạm giao thông không cần làm ồ ạt trong một thời điểm mà cần duy trì lâu dài, bạn đọc Trankimkhoi lấy dẫn chứng từ kinh nghiệm đi trước của Canada: "Bên cạnh việc giáo dục ý thức, nếu chính quyền phạt nặng và duy trì việc xử lý với mẫu đủ rộng thì người dân sẽ tuân thủ pháp luật. Nhìn Canada và các nước phát triển là sẽ rõ, người dân của họ làm sai luật có thể chưa bị phạt ngay, nhưng chắc chắn sẽ bị phạt nguội. Việc xử phạt có thể không cần làm ngay lập tức, ồ ạt nhưng phải phạt nặng và kiên trì duy trì việc thanh, kiểm tra. Cứ nhìn vào hai ví dụ ở ta về quy định đội mũ bảo hiểm và thổi nồng độ cồn để thấy việc ra mức phạt đủ cao và duy trì đủ liên tục (không cần phải làm ồ ạt) sẽ mang đến hiệu quả thế nào?".
>> Thói quen chạy xe máy 'hở là vượt'
Đội mũ bảo hiểm, và xử phạt nồng độ cồn khi điều khiển ôtô, xe máy là hai quy định hiếm hoi đến nay được thực thi một cách quyết liệt, lâu dài, mang đến tác động thay đổi đáng kể về nhận thực và hành vi của người dân. Vậy sẽ thế nào nếu các quy định khác cũng được triển khai và duy trì đủ lâu như vậy?
Độc giả Vantungth nhận định: "Chẳng có cái ý thức hay cái đạo đức nào tự dưng có sẵn. Một đứa trẻ mới sinh ra sẽ không có ý thức. Đạo đức cũng mỗi thời, mỗi nền văn hóa, mỗi địa phương lại có định nghĩa riêng. Khi những việc làm không đúng nhưng được xem là nhỏ và phổ biến thì chẳng mấy ai quan tâm. Vậy nên, xã hội xung quanh, mà cụ thể là thói quen, là sự trả giá của các sai phạm đã tạo nên ý thức.
Hãy xem những người sinh ra và và lớn lên ở các nước Tây Âu nhưng khi sống lâu ở Việt Nam, họ cũng dần dần bị ảnh hưởng bởi cách xử vi phạm quy định nhiều hơn. Hay người Việt sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng sống lâu ở các nước châu Âu cũng có ý thức chấp hành quy định của nước sở tại tốt hơn. Nguyên nhân tạo ra sự khác biệt đó là việc thực thi pháp luật kém nghiêm minh.
Qua rất nhiều quy định đặt ra, hiếm hoi có hai quy định có tính thực tế là đội mũ bảo hiểm và nồng độ cồn là đi được vào cuộc sống. Cũng chỉ có duy nhất một nguyên nhân là cơ quan chức năng làm quyết liệt, từ đó hình thành ý thức chấp hành của mỗi người".
Đồng quan điểm, bạn đọc Tuananhpv kết lại: "Nhật Bản không phải tự nhiên mà người dân tuân thủ luật giao thông như bây giờ. Thập niên 50-60, họ cũng láo nháo như chúng ta, rồi họ xử phạt thật nặng nên người dân tự sợ mà tuân thủ, dần dần nó thành một nét văn hóa. Hay như Singapore, ai hút thuốc hay xả rác bừa bãi sẽ vừa bị phạt tiền, vừa mất thời gian đi lao động công tích, nên chẳng ai dám làm.
Người Việt coi thường luật giao thông vì mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. Cứ thử tăng mức phạt lên nhiều lần xem, tôi đảm bảo rằng mọi người sẽ chấp hành ngay. Trước đây, mức phạt chỉ có vài trăm ngàn đồng nên người dân vẫn tụ tập ăn nhậu, hát hò như thường. Đến khi tăng mức phạt lên tiền triệu, thậm chí truy tố, người dân mới sợ và không dám vi phạm. Nói chung, xử phải nghiêm và duy trì lâu dài thì đâu sẽ vào đấy hết".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.