"Tôi từng suýt bị xe tông và rất nhiều lần bị người đi xe máy, ôtô trừng trợn khi đi qua đường nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, mặc dù bản thân đã đi chậm và giơ tay xin đường. Còn việc xe máy và ôtô bấm còi inh ỏi - như quát tháo người đi bộ qua đường là chuyện quá đỗi quen thuộc. Với những người đó, hình như vạch kẻ đường cho người đi bộ không hề tồn tại.
Đây là thực trạng rất buồn cho ý thức tham gia giao thông của phần lớn người Việt. Thế nên, tôi cho rằng rất cần các cơ quan chức năng quan tâm, có biện pháp tuyên truyền, xử phạt để từng bước nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông của người dân từ những vi phạm rất thực tế này".
Đó là chia sẻ của độc giả Lê Thành xung quanh đoạn video ghi lại cảnh "Dòng xe lao qua bất chấp khi bé trai giơ tay xin nhường đường". Bất chấp những quy định trong Luật Giao thông đường bộ về việc người điều khiển phương tiện phải chủ động giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ qua đường, thực tế rất ít tài xế Việt chịu tuân thủ và thực hiện theo. Thực trạng ấy tồn tại dai dẳng qua nhiều thập kỷ, khiến trải nghiệm đi bộ trên đường Việt trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.
So sánh với một đất nước láng giềng, bạn đọc Huyto nhớ lại: "Khi sang Lào chơi cách đây nhiều năm, tôi thực sự cảm thấy xấu hổ về ý thức giao thông của nhiều người Việt mình. Đặc biệt là khi tôi chứng kiến người Lào dân là thể hiện sự văn minh hơn chúng ta rất nhiều về điểm nhường đường cho người đi bộ. Câu biện minh rằng 'thiếu ý thức do nghèo' mà nhiều người hay đưa ra khi giải thích cho các hành vi xấu xí như thế này hoàn toàn không đúng.
Khi đi xe máy và dừng đèn đỏ ở ngã tư không đông đúc vào giờ trưa, bản thân tôi cảm thấy mình bị lạc loài vì ai cũng nhăm nhe vượt đèn đỏ. Thình thoảng lắm mới có vài người chịu đứng chờ cùng tôi. Đến tận bây giờ, tôi vẫn có suy nghĩ cảm thấy tự hào về bản thân dù việc làm của mình có bị coi là 'khác người'. Dẫu chỉ là một hành động rất nhỏ nhoi nhưng tôi vui vì nó có ích cho xã hội. Tôi luôn cảm thấy biết ơn những người đã đứng lại cùng mình ở ngã tư đèn đỏ những lần đó, vì họ cũng đang vì một Việt Nam văn minh hơn".
>> Nhiều tài xế không dừng nổi 3 giây chờ người đi bộ sang đường
Nói về câu chuyện ý thức giao thông của một bộ phận người Việt, độc giả Tien Thinh nhận định: "Tôi cho rằng các vi phạm giao thông ở Việt Nam chủ yếu do không biết luật, xử phạt không nghiêm, và cuối cùng là người tham gia giao thông vô ý thức. Luật sinh ra là để mọi người tuân theo, từ đó tạo thành thói quen, ý thức. Chúng ta không thể đòi hỏi mọi người tự nhiên có ý thức. Bằng chứng là rất nhiều người (du học sinh, nghiên cứu sinh, thậm chí là định cư ở nước ngoài) đã hình thành ý thức rất tốt khi tham gia giao thông ở nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam một thời gian họ dễ bị đồng hóa bởi những thói quen vô ý thức ở trong nước.
Trường hợp cậu bé sang đường trong bài viết trước, tôi cho rằng nhiều người không hiểu luật rằng với vạch kẻ ngang kia người lái xe (dù là xe máy, xe đạp, xích lô, ba gác, xe máy, ôtô...) cũng đều phải lập tức dừng hẳn xe cho đến khi người đi bộ đi sang hẳn bên kia đường (hoặc đến điểm tạm dừng nơi phân chia giữa hai chiều làn đường) thì mới được đi tiếp.
Điều thứ hai, quan trọng hơn nhiều, đó là tôi dường như chưa bao giờ thấy CSGT phạt người lái xe không dừng trước vạch kẻ để nhường đường cho người đi bộ. Chỉ cần CSGT phạt vài trường hợp trong trường hợp này để làm gương, đăng lên các mạng xã hội để lan tỏa như một cách tuyên truyền và giáo dục, thì ý thức người tham gia giao thông sẽ được hình thành và gìn giữ".
Đồng tình với quan điểm cần xử phạt nghiêm các trường hợp tài xế không nhường đường cho người đi bộ để nâng cao văn hóa giao thông của người Việt, bạn đọc MyloveisWinter bình luận: "Không phải chỉ người đi bộ mà là các phương tiện đều vậy. Xe đang đi đúng làn, đúng tuyến mà không tránh cho xe đi lấn làn cũng bị chửi mắng; xe dừng đèn đỏ ở đúng quy định mà không né cho mấy người quẹo phải ở khu vực không cho phép rẽ và không có vạch mắt võng cũng bị đe dọa. Chính cái thái độ 'xin - cho' vô tội vạ đó đã tạo nên một thứ văn hóa giao thông xấu xí ở ta.
Có lúc tôi chạy xe máy qua khu vực trường học, thấy một nhóm các bạn sinh viên đi ngang qua đường tầm 5-6 người trên vạch kẻ nên lập tức bóp thắng dừng chờ các bạn đi qua. Ấy vậy mà có nhiều người phía sau bóp còi, cố vượt lên rồi quay lại nhìn trừng trừng như muốn đánh tôi. Ý thức kém nên ai cũng muốn đi con đường nhanh nhất, tiện nhất cho bản thân thay vì đi theo chỉ dẫn và quy định. Đường sá ngày nay đã được nâng cấp rất nhiều so với trước đây, chỉ là ý thức của nhiều người vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí còn tệ đi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.