Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)
Chào các bác sĩ, Con tôi bị mèo nhà nuôi cắn chảy máu ở ngón tay, tôi có tra cứu trên các trang y tế nói chưa cần tiêm và theo dõi con mèo trong vòng 15 ngày, nếu mèo bình thường thì không cần tiêm ngừa. Thông tin này không biết có đúng không? Tôi rất băn khoăn vì sợ tiêm cho bé sẽ ...
khiemntspk, 33 tuổi, Long An
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Nhiều người cho rằng mèo nhà hoặc các động vật nhỏ, được nuôi nhốt từ khi còn bé sẽ không có nguy cơ mắc bệnh dại tuy nhiên quan niệm này là sai lầm vì thực tế đa số các trường hợp mắc bệnh dại đều do các con vật nuôi trong gia đình. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh duy nhất là vaccine. 100% người khởi phát bệnh dại sẽ tử vong.

Mèo thường có thói quen liếm móng vuốt, do đó nguy cơ lây truyền bệnh dại rất cao thông qua vết cào. Thời gian ủ bệnh dại cũng khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng, vị trí vết cào cắn. Y văn từng ghi nhận một số trường hợp ủ bệnh dại dưới 10 ngày. Mặt khác, vaccine cần thời gian để sinh kháng thể bảo vệ. Nếu gia đình bạn chờ theo dõi con vật trong vòng 15 ngày mới đi tiêm vaccine thì có thể bỏ lỡ thời gian điều trị dự phòng bằng vaccine.

Cách xử lý đúng khi bị chó, mèo cào cắn là vệ sinh vết cào, cắn đúng cách và tiêm vaccine dại càng sớm càng tốt. Tùy theo tình trạng và việc theo dõi được vật nuôi hay không, bác sĩ có thể quyết định mũi tiêm ngừa dại phù hợp cho con bạn. Nếu con vật không mắc bệnh dại, vaccine dại vẫn có tác dụng dự phòng, phòng cho lần sau bé bị cắn, cào. Ví dụ nếu đã tiêm 3 mũi vaccine, lần bị cắn, cào sau bé chỉ cần tiêm thêm 2 mũi vaccine và không cần dùng huyết thanh kháng dại.

Ngày nay, công nghệ sản xuất vaccine dại thế hệ mới đã được kiểm định và khẳng định tính an toàn, đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều. Vaccine phòng dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người tiêm. Do đó, bạn có thể hoàn toàn yên tâm.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Cho tôi hỏi vaccine 3 trong 1 tiêm cho người cao tuổi có gặp phản ứng phụ gì không? Người trên 50 tuổi tiêm vaccine cần chú ý gì?
Thanh Hiếu, 58 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tương tự như các loại vaccine hay như bất kỳ loại thuốc nào khác, sau khi tiêm vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván, người tiêm vaccine có thể gặp phải các phản ứng tại chỗ như đau, sưng, nổi cục cứng tại nơi tiêm... hoặc các phản ứng toàn thân như sốt, khó chịu, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn. Hầu hết các phản ứng này thường nhẹ, thoáng qua và tự hết sau 1 đến 2 ngày.

Các loại vaccine trước khi được đưa vào sử dụng rộng rãi đều được trải qua quá trình nghiên cứu tính an toàn và tính sinh miễn dịch nên rất an toàn. Về nguyên tắc chung, người tiêm vaccine cần theo dõi các phản ứng tại trung tâm tiêm chủng ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà tối thiểu 48 giờ. Việc này giúp xử trí kịp thời các phản ứng bất thường hiếm gặp có thể xảy ra như phản vệ, co giật do sốt cao.

Trước khi tiêm vaccine, bạn sẽ được bác sĩ khám sàng lọc, đo huyết áp, nghe tim phổi, khai thác tiền sử tiêm chủng để đảm bảo điều kiện tiêm chủng an toàn. Dựa trên lịch sử tiêm chủng của bạn, bác sĩ sẽ tư vấn các loại vaccine phù hợp cho bạn. Vì vậy, khi đi tiêm chủng, bạn cần thông báo tình trạng sức khỏe của bản thân với bác sĩ như bệnh đang mắc, thuốc bạn đang dùng, tiền sử phản ứng với lần tiêm chủng trước, các vấn đề dị ứng nếu có. Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý dặn dò của bác sĩ và điều dưỡng tại trung tâm để phân biệt các phản ứng sau tiêm thông thường và dấu hiệu nghiêm trọng nào cần đến các cơ sở y tế.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Nếu không nhớ chắc chắn trẻ nhỏ đã tiêm đủ số mũi vaccine bạch hầu theo độ tuổi chưa, thì có thể tiêm nữa không? Nếu có thể thì tiêm như thế nào?
Hồng Hà, 32 tuổi, Hà Nam
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Mọi người chưa từng tiêm chủng đầy đủ vaccine bạch hầu đều có nguy cơ mắc bệnh. Tiêm vaccine bạch hầu vừa là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, vừa làm giảm đáng kể nguy cơ biến chứng, tỷ lệ tử vong. Người không rõ lịch sử tiêm chủng, tiêm chưa đầy đủ hoặc chủng ngừa đã lâu cũng cần nhanh chóng thực hiện tiêm vaccine bổ sung đầy đủ.

Với trường hợp của bạn không nhớ chắc chắn lịch sử tiêm chủng của con hoặc chưa tiêm đủ lịch cơ bản bạch hầu – ho gà – uốn ván thì cần thực hiện tiêm đủ theo phác đồ 3 mũi, gồm: Mũi 1 là lần tiêm đầu tiên, mũi 2 cách 1 tháng sau mũi 1 và mũi 3 là sáu tháng sau mũi 2. Sau đó, duy trì tiêm nhắc một mũi mỗi 10 năm hoặc tiêm nhắc theo độ tuổi khuyến cáo. Lý do miễn dịch từ vaccine bạch hầu chỉ có thể kéo dài khoảng 10 năm và sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy, nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh.

Để được tư vấn chính xác và đầy đủ nhất, bạn có thể đưa bé và gia đình đến các địa điểm tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn chi tiết hoặc kiểm tra lịch sử tiêm chủng trên các ứng dụng tiêm chủng để biết trẻ và gia đình cần bổ sung những mũi vắc xin nào.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Người lớn muốn tiêm phòng bạch hầu thì dùng luôn vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván phải không? Còn trẻ 14 tuổi, đã lâu không tiêm ngừa thì cần tiêm nhắc không?
Văn Thanh, 36 tuổi, Hà Nội
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Việc suy nghĩ chỉ tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em thôi là không đúng. Người lớn nếu không tiêm nhắc vaccine 10 năm/lần sẽ dễ mắc bệnh vì lượng kháng thể trong người giảm dần đến ngưỡng không đủ để bảo vệ.

Vaccine bạch hầu là hành trình tiêm chủng trọn đời, người lớn cần tiêm nhắc vaccine có thành phần bạch hầu 10 năm/lần và loại vaccine bạch hầu cho người lớn hiện có 3 loại gồm: Boostrix (Bỉ)/ Adacel (Canada) phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván và uốn ván - bạch hầu hấp phụ Td (Việt Nam). Bạn có thể lựa chọn 1 trong 3 loại vaccine này để thực hiện tiêm chủng phòng bệnh sớm.

Với trường hợp của trẻ 14 tuổi, đã lâu không tiêm ngừa vaccine bạch hầu có nghĩa miễn dịch của trẻ đã suy giảm, trẻ cần sớm được bổ sung vaccine để được bảo vệ sớm. Tương tự như người lớn, trẻ 14 tuổi cũng lựa chọn một trong ba loại vaccine trên để tiêm, với phác đồ 1 mũi. Sau đó các mũi tiêm nhắc lại có thể tiêm cách nhau 10 năm.

Vaccine phòng bạch hầu có thể tiêm cho tất cả người lớn và không có giới hạn độ tuổi miễn là đạt các yêu cầu về khám sàng lọc trước tiêm chủng.

Để được tư vấn chính xác và đầy đủ nhất, bạn có thể đưa gia đình đến các địa điểm tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn chi tiết hoặc kiểm tra lịch sử tiêm chủng trên các ứng dụng tiêm chủng để biết trẻ và gia đình cần bổ sung những mũi vaccine nào.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Chào bác sĩ, cháu bị con mèo nhà cắn nhẹ vào tay trong lúc cho nó ăn. Ngay sau đó cháu đã làm theo các bước vệ sinh như hướng dẫn trên mạng. Vì là mèo nhà và hầu như không bỏ đi chơi bao giờ nên cháu chỉ theo dõi nó mà không đi tiêm. Hiện nay đã là ngày thứ 15, mèo vẫn ...
Nguyễn Hiệp, 17 tuổi, Hà Nội
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Thông thường, thời gian ủ bệnh dại từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc kéo dài đến hơn 1 năm. Các vết thương càng nặng, càng gần vùng não - hệ thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, hầu như 100% bệnh nhân đều tử vong trong đau đớn và hoảng loạn. Bất cứ ai có thể đã tiếp xúc với virus gây bệnh dại nên được tiêm phòng trước khi các triệu chứng xuất hiện. Tiêm vaccine là việc rất quan trọng, giúp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh dại và tử vong do dại.

Trường hợp mèo của bạn vẫn bình thường khi qua ngày thứ 15 thì có khả năng mèo của bạn chưa bị bệnh dại lúc cắn bạn. Tuy nhiên, không loại trừ con mèo không mắc bệnh trong tương lai, hiện vẫn có nhiều trường hợp chó mèo nuôi nhốt trong nhà vẫn phát bệnh dại. Lần sau bạn không nên chủ quan chờ theo dõi tình trạng chó, mèo mới đi tiêm vaccine vì thời gian ủ bệnh dại hiện có thể chưa đến 10 ngày, tiêm phòng sẽ không còn kịp nữa. Nhà bạn có nuôi mèo và thường xuyên chơi với mèo nên thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh dại, bạn nên đến trung tâm tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn lịch tiêm vaccine phù hợp. Hiện vaccine dại vẫn được chỉ định tiêm dự phòng khi chưa bị cắn, cào. Lịch tiêm vaccine dự phòng gồm 3 mũi. Nếu các lần bị cào, cắn sau bạn chỉ cần tiêm 2 mũi vaccine và không cần dùng huyết thanh kháng dại có thể gây nhiều tác dụng phụ hơn.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Người lớn tiêm vaccine bệnh bạch hầu thì tiêm loại vaccine nào? Người lớn cần tiêm bao nhiêu mũi? Mỗi mũi bao nhiêu tiền ạ?
Nguyễn Trọng Khánh, 50 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Với vaccine bạch hầu, hiện có hai loại vaccine cho người lớn là loại 3 trong 1 Adacel (Canada) và Boostrix (Bỉ) phòng Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván và loại uốn ván - bạch hầu hấp phụ Td (Việt Nam). Tùy loại vaccine và tùy cơ sở tiêm chủng mà bạn chọn tiêm sẽ có giá khác nhau.

Nhờ thành quả của tiêm chủng, tỷ lệ mắc bệnh cũng như tử vong do bạch hầu suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, những năm qua, bạch hầu đã bùng phát trở lại với những ổ dịch rải rác ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên do độ phủ vaccine chưa cao.

Đã là bệnh truyền nhiễm thì ai cũng có thể mắc phải. Khi mắc bạch hầu người lớn thường gặp triệu chứng nhẹ, nhưng đều nguy hiểm có thể mang vi khuẩn và trở thành nguồn lây chính cho trẻ nhỏ và người cao tuổi, phụ nữ mang thai trong gia đình.

Cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất, tỷ lệ bảo vệ đến 97%. Cụ thể, sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 trong 2 năm đầu đời (vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng), trẻ cần tiêm nhắc một mũi vaccine có thành phần bạch hầu khi được 4-6 tuổi và tiêm một mũi tiếp theo vào lúc 9-15 tuổi. Người lớn cần tiêm nhắc vaccine có thành phần bạch hầu 10 năm/lần kể từ lần tiêm cuối cùng vào giai đoạn 9-15 tuổi. Phụ nữ mang thai được khuyến cáo tiêm một mũi 3 trong 1 vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ để bảo vệ sức khỏe và truyền kháng thể bảo vệ con trước khi đến tuổi tiêm chủng.

Đặc biệt, các đối tượng phụ nữ mang thai, người từ 50 tuổi trở lên, người lớn có bệnh mạn tính ở phổi, tim mạch, thận... là các đối tượng có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc bạch hầu, cần rà soát lịch tiêm để bổ sung kịp thời.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Thưa bác sĩ, bé gái nhà em ho từ giữa tháng 6, có dẫn đi bác sĩ khám thì bác sĩ kết luận là bị viêm phế quản về cho uống thuốc, thở khí dung... Đến cuối tháng 6 thì hết. Nhưng đến ngày 3/7 vừa rồi bé tái lại, ho không nhiều nhưng mỗi lần ho sẽ kèm nôn, như vậy có giống bị ...
Tram Nguyen , 37 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Để xác định một bệnh nhân có mắc bệnh bạch hầu hay không, bác sĩ cần thêm thông tin về yếu tố dịch tễ và các biện pháp thăm khám như xem xét vùng hầu họng, lấy dịch hầu họng để xét nghiệm tìm vi khuẩn. Các yếu tố dịch tễ như trong 14 ngày gần đây bé và người nhà có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm bạch hầu hoặc di chuyển đến vùng có dịch không? Nếu có yếu tố dịch tễ, trẻ sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm tại bệnh viện để xác định có nhiễm vi khuẩn bạch hầu hay không.

Thông thường, người mắc bạch hầu có diễn biến cấp tính và xuất hiện các dấu hiệu điển hình như giả mạc ở vùng hầu họng bít tắc đường thở, nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong từ 6-10 ngày. Trường hợp của bé được bạn miêu tả có khả năng không phải do bệnh bạch hầu gây ra.

Hiện thời tiết mưa nắng thất thường, trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém nên dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản và dễ tái đi tái lại nhiều lần. Trong đó, các tác nhân gây viêm phổi, viêm phế quản như cúm, sởi, Hib, phế cầu, ho gà, não mô cầu... đã có vaccine phòng ngừa. Việc tiêm chủng cho bé cũng giúp củng cố hệ miễn dịch, giúp bé tránh mắc các tác nhân này, giảm nguy cơ biến chứng.

Trong đó, từ 2 tháng tuổi, bé cần tiêm vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 có thành phần phòng Hib, ho gà, bạch hầu; vaccine phế cầu; vaccine não mô cầu nhóm B thế hệ mới. Từ 6 tháng tuổi, bé cần tiêm vaccine cúm. Đến 9 tháng tuổi, bé cần tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella, não mô cầu nhóm ACYW-135. Sau các mũi tiêm đầu đời, đến 4-6 tuổi và 9-15 tuổi, bé cần tiêm 2 mũi vaccine 3 trong 1 phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván. Sau mốc này, tiêm nhắc vaccine 3 trong 1 mỗi 10 năm để duy trì mức kháng thể bảo vệ cơ thể.

Ngoài tiêm cho bé, bạn cũng cần lưu ý các thành viên trong gia đình cũng có khả năng mắc bệnh và lây cho bé. Do đó, bạn và các thành viên trong gia đình cũng nên rà soát lịch tiêm chủng và bổ sung các mũi cần thiết. Bạn có thể đưa bé đến các trung tâm tiêm chủng VNVC để được bác sĩ tư vấn các loại vaccine và lịch tiêm phù hợp theo độ tuổi, lịch sử tiêm chủng.

Trong quá trình chăm sóc bé, bạn lưu ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của bé sạch sẽ bằng dung dịch khử khuẩn, tránh cho bé tiếp xúc với người mắc bệnh đường hô hấp, dạy cho bé ý thức rửa tay vào các thời điểm trước khi ăn, sau khi chơi đồ chơi, đi từ bên ngoài về nhà (với trẻ đã nhận thức được), không đưa tay lên mắt mũi miệng...

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Bé em ngày 8/7/2024 đã tiêm viêm não Nhật Bản mũi 1 ở trạm y tế, sau đó trạm hẹn em 7/8 tiêm mũi 2. Nhưng e có tìm hiểu là mũi 2 cách mũi 1 từ 1-2 tuần. Vậy có được không ạ? Cảm ơn bác sĩ!
Phạm Thị Huyền Thanh, 33 tuổi, Ninh Hoà,Khánh Hoà
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản và phải tiêm đúng lịch, kể cả mũi nhắc lại. Hiện nay Việt Nam có 3 loại vaccine viêm não Nhật Bản, gồm Jevax (Việt Nam), Imojev (Thái Lan), Jeev (Ấn Độ).

Vaccine con bạn được tiêm ở trạm y tế là vaccine Jevax, phác đồ ba mũi cơ bản và cần tiêm nhắc 3 năm một lần. Hai mũi đầu cách nhau 1-2 tuần, mũi ba cách mũi hai 1 năm, sau đó cứ 3 năm cần tiêm nhắc lại một lần.

Bạn cần chú ý vaccine Jevax phải được tiêm nhắc cứ mỗi 3 năm/1 lần chứ không chỉ tiêm 3 mũi là xong. Bạn có thể cho trẻ tiêm kết hợp với Imojev để kết thúc sớm phác đồ, tạo miễn dịch bảo vệ tốt cho trẻ. Trường hợp trẻ đã tiêm 1 mũi Jevax cần tiêm 2 mũi Imojev. Trong đó mũi Imojev đầu tiên cách mũi Jevax đã tiêm tối thiểu 2 tuần. Không tiêm nhắc Jevax sau khi tiêm Imojev.

Gia đình có thể tham khảo lịch chuyển đổi giữa 2 loại vaccine như sau:

- Trẻ đã tiêm một mũi Jevax: Tiêm thêm hai mũi Imojev. Mũi Imojev đầu tiên cách mũi Jevax tối thiểu hai tuần.

- Trẻ đã tiêm hai mũi Jevax: Tiêm thêm hai mũi Imojev. Mũi Imojev đầu tiên cách mũi Jevax thứ hai tối thiểu một năm.

- Trẻ đã tiêm ba mũi Jevax: Tiêm thêm một mũi Imojev cách mũi cuối Jevax tối thiểu ba năm.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Bé em chuẩn bị đi tiêm các mũi đầu đời. Bé tiêm 1 buổi nhiều mũi tiêm được không? Bé có sốt cao hơn không? Em có nên giãn cách mỗi lần tiêm một mũi không?
Bùi Ái Xuân, 24 tuổi, An Khê, Gia Lai
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo lý thuyết, cơ thể trẻ có thể nhận cùng một lúc 10.000 kháng nguyên. Trên thực tế, mỗi loại vaccine chỉ chứa dưới 100 kháng nguyên. Một số khác chỉ chứa 1 kháng nguyên như vaccine ngừa viêm gan B, bạch hầu, uốn ván. Điều đó có nghĩa là với 10 loại vaccine, cơ thể trẻ chỉ cần dùng 0,1% hệ miễn dịch để đáp ứng. Vì vậy, bạn có thể an tâm, sẽ không có tình trạng trẻ tiêm nhiều loại vaccine gây ra “quá tải hệ miễn dịch”.

Bên cạnh đó, tiêm đồng thời nhiều vaccine sẽ tạo nên đáp ứng miễn dịch và phản ứng phụ tương đương như tiêm từng loại riêng lẻ. Trong tiêm chủng, việc tiêm nhiều loại vaccine cùng một buổi còn mang lại nhiều lợi ích. Trong những năm đầu đời, trẻ cần chủng ngừa rất nhiều loại vaccine. Tiêm nhiều mũi trong một buổi tiêm sẽ giúp giảm lượt di chuyển đến trung tâm tiêm ngừa, giảm số lần đau do tiêm. Phụ huynh từ đó mất ít thời gian, giảm căng thẳng hơn khi chăm sóc sau tiêm cho con. Bé được bảo vệ sớm trước các bệnh nguy hiểm.

Về việc những vaccine nào có thể phối hợp tiêm trong cùng một buổi, bạn cần đến trung tâm tiêm ngừa như VNVC để bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp với từng trẻ.

Sau tiêm, bạn lưu ý theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm tại trung tâm tiêm chủng và 24-48 tiếng tiếp theo tại nhà. Đồng thời, để trẻ được bảo vệ tối ưu bởi vaccine, bạn chú ý cho trẻ tiêm đúng liều, đủ lịch, kể cả các mũi nhắc.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Con em 3 tháng, bú mẹ hoàn toàn, sắp tới con đến lịch nhỏ vaccine Rota, 6 trong 1 cũng như phế cầu. Em nghe mấy mẹ trên hội nhóm bảo rằng nếu mẹ uống nước lá tía tô thì con sẽ giảm sốt sau tiêm, điều này đúng không ạ? Em cần chăm sóc bé đúng sau tiêm thế nào?
Phương Thanh, 30 tuổi, TP HCM
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Theo Đông Y, tía tô là một vị thuốc nam có tính nóng, kích thích cơ thể tiết mồ hôi, giúp hạ sốt, trừ cảm mạo. Tuy nhiên việc người mẹ uống nước tía tô để cho con bú ngừa bé bị sốt thì chưa có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học. Do đó mẹ không nên dùng cho mục đích này vì trẻ có thể dị ứng với các dược tính của tía tô hoặc mẹ có thể nhiễm khuẩn do dùng lá không được rửa kỹ.

Việc các mẹ bỉm truyền tai nhau các bài thuốc nam, bài thuốc dân gian thường xuất phát từ các lo lắng về phản ứng sau tiêm của bé. Về các phản ứng này, bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Các triệu chứng như chỗ tiêm sưng, nóng, đỏ, đau, toàn thân trẻ sốt, mệt mỏi là các phản ứng thông thường sau tiêm. Các triệu chứng này sẽ tự khỏi sau khoảng 1-2 ngày. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, bạn có thể cho trẻ uống hạ sốt thông thường chứa các hoạt chất như paracetamol, ibuprofen với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Thông tin này, nếu bé đến tiêm tại VNVC sẽ được các bác sĩ tiêm ngừa tư vấn kỹ trước khi ra chỉ định tiêm.

Sau tiêm, bạn lưu ý luôn cho trẻ theo dõi ít nhất 30 phút đầu tại trung tâm tiêm chủng và 24-48 tiếng tiếp theo tại nhà. Để tạo cảm giác thoải mái cho con, bạn cần cho trẻ ăn đủ bữa, mặc quần áo thoáng mát, không cần kiêng tắm. Tăng cường lượng sữa mẹ cũng là một cách giúp giảm các phản ứng sau tiêm.

Với vết tiêm, bạn chú ý không nên nặn hay đắp bất kỳ loại lá, bài thuốc dân gian nào lên vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm. Không để trẻ sờ, cào vào vết tiêm cũng như nằm đè lên vết tiêm.

Vaccine là biện pháp bảo vệ bé an toàn, hiệu quả trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong những năm đầu đời, với nhiều loại vaccine cần tiêm, bạn chú ý cho con chủng ngừa đúng lịch, đủ liều, kể cả các mũi tiêm nhắc để bé được phòng bệnh tốt nhất.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress