Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Virus gây bệnh dại có trong nước bọt của các động vật nhiễm dại như chó, mèo, dơi... và lây sang người qua việc cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở. Đường lây hiếm gặp hơn là lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa virus dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm. Tại Mỹ, dơi còn đứng đầu danh sách động vật lây truyền dại phổ biến tại nước này.
Trường hợp của bạn mô tả có giọt nước rơi vào miệng khi đàn dơi bay qua, tuy nhiên vẫn chưa rõ giọt nước này có phải là nước bọt của dơi và chúng có mang virus dại hay không. Tuy nhiên, đường lây qua tiếp xúc với nước bọt của dơi ở Việt Nam rất hiếm, vì vậy khả năng bạn bị lây virus dại trong tình huống này rất thấp.
Với trường hợp của bạn hay tiếp xúc với động vật hoang dã, ở xa cơ sở y tế, bạn có thể đến trung tâm tiêm chủng VNVC để được tư vấn tiêm vaccine dự phòng trước phơi nhiễm, tức trước khi bị cắn, cào. Việc này giúp cơ thể tạo ra kháng thể, bảo vệ sớm với bệnh dại. Các lần phơi nhiễm sau, bạn chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần tiêm huyết thanh kháng dại.
Trường hợp phơi nhiễm dại và chưa tiêm dự phòng trước đó, phác đồ gồm 3-5 mũi tùy theo tình trạng con vật, tình trạng vết thương, lịch sử tiêm chủng và đường tiêm. Tùy vào tình trạng vết thương có thể cần tiêm huyết thanh theo chỉ định của bác sĩ.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Virus dại có trong nước bọt của động vật nhiễm bệnh và lây truyền qua các vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở. Thông thường, thời gian ủ bệnh dại từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc kéo dài đến hơn 1 năm.
Theo các nghiên cứu, động vật gây bệnh dại sẽ chết trong vòng 10 ngày kể từ khi phát triệu chứng. Trường hợp của bạn theo dõi được con vật và con vật mới chết khoảng 1, 2 tháng nay thì vào thời điểm con vật liếm bạn khoảng 1 năm trước, nó chưa mắc bệnh dại. Do đó, bạn hoàn toàn yên tâm không có nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ con chó này.
Dại hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tỷ lệ tử vong gần 100% khi phát bệnh. Vaccine và huyết thanh là biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện có. Hiện ngoài các trường hợp tiêm vaccine dại sau khi bị chó cắn, cào, người dân vẫn có thể tiêm vaccine dự phòng dại trước khi bị cắn cào, giúp bảo vệ sớm cho người thường xuyên tiếp xúc với động vật, người thường xuyên du lịch đến nơi khó tiếp cận y tế khi có vết thương. Lịch tiêm trước khi bị cắn, cào chỉ cần 3 mũi, giúp cơ thể tạo kháng thể sẵn, chống lại virus dại khi xâm nhập và không cần tiêm huyết thanh kháng dại dù vết thương có nặng.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua các vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở do động vật có vú máu nóng gây ra, chiếm đa số là chó, mèo. Do đó, với trường hợp con bạn bị mèo hoang cắn, cào có nguy cơ nhiễm dại.
Dại hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Một khi đã phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100%. Thông thường, thời gian ủ bệnh dại từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc kéo dài đến hơn 1 năm.
Hiện bạn vẫn quan sát được con vật còn sống đến mũi tiêm thứ 2, tức vào ngày thứ 7 thì chưa chắc chắn con mèo không mắc bệnh dại. Bạn cần tiếp tục quan sát tiếp con vật, tiêm chủng tiếp theo liệu trình và thông báo với bác sĩ để được tư vấn tiêm các mũi phù hợp.
Nếu con vật không mắc bệnh dại, vaccine vẫn có tác dụng bảo vệ con bạn trong tương lai. Các lần bị chó mèo cắn cào sau chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần tiêm huyết thanh kháng dại dù vết thương có nặng.
Hiện phác đồ tiêm dự phòng trước phơi nhiễm tức trước khi bị chó, mèo cắn cào vẫn được áp dụng cho các đối tượng có nguy cơ cao phơi nhiễm dại, đi đến những nơi khó tiếp cận vaccine dại và huyết thanh kháng dại.
Với câu hỏi của bạn về huyết thanh kháng dại, tùy theo vết thương, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm. Tuy nhiên, huyết thanh kháng dại chỉ được chỉ định tiêm trong vòng 7 ngày kể từ khi có vết thương, do đó trường hợp của bạn đã quá 7 ngày sẽ không tiêm được nữa.
Bên cạnh đó, các vaccine dại hiện được sử dụng tại Việt Nam đều là vaccine thế hệ mới, không chứa các tế bào thần kinh, đã được chứng minh an toàn và hiệu quả cao, không gây ảnh hưởng đến trí nhớ hay khả năng học tập của con bạn. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm cho sức khỏe của con khi được chỉ định chủng ngừa.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua các vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở của động vật có vú máu nóng, chiếm đa số là chó, mèo. Do đó, với trường hợp bạn bị mèo hoang cắn sẽ có nguy cơ nhiễm dại.
Dại không có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine là cách phòng bệnh duy nhất hiện có. Với các vết thương do động vật gây ra, bạn cần sơ cứu vết thương bằng cách rửa với xà phòng dưới vòi nước sạch trong 15 phút, sau đó rửa lại với cồn y tế. Bạn chú ý không nặn máu, không làm dập nát, không băng kín vết thương khiến virus dại đi vào cơ thể nhanh hơn. Sau đó, bạn cần đến các cơ sở y tế, trung tâm tiêm chủng như VNVC để được tư vấn tiêm ngừa.
Phác đồ vaccine dại gồm 3-5 mũi tùy theo tình trạng con vật, tình trạng vết thương, lịch sử tiêm chủng và đường tiêm. Trong đó, vaccine dại có thể tiêm dự phòng trước khi bị cắn, cào cho người thường xuyên tiếp xúc với động vật, du lịch/làm việc ở nơi xa các cơ sở y tế nếu có vết thương do động vật. Phác đồ dự phòng gồm 3 mũi, nếu bị cắn cào sau đó, chỉ cần bổ sung 2 mũi và không cần tiêm huyết thanh.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Vaccine zona thần kinh (giời leo) đã có mặt tại nước ta từ tháng 10/2024, triển khai tiêm đầu tiên tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Vaccine có tên gọi Shingrix, do hãng dược phẩm GSK sản xuất ở Bỉ, tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc zona thần kinh.
Vaccine có hiệu quả phòng bệnh cao lên đến hơn 97% ở người từ 50 tuổi trở lên và 70-87% ở người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona thần kinh do bị các bệnh lý hoặc sử dụng các thuốc, liệu pháp điều trị gây ức chế hoặc có khả năng bị ức chế miễn dịch. Vaccine còn giúp giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác hơn 90%.
Đối với người từng mắc zona thần kinh, vaccine vẫn có giá trị bảo vệ, phòng tái phát, phòng các biến chứng khi tái phát như đau thần kinh sau zona, zona thần kinh mắt… và hạn chế lây nhiễm virus gây bệnh sang người khác. Người từng mắc zona thần kinh cần điều trị bệnh ổn định trước khi tiêm ngừa. Để xác định thời điểm tiêm phù hợp, bạn cần tư vấn với bác sĩ tại các trung tâm tiêm chủng như VNVC để có chỉ định tiêm ngừa cá nhân hóa với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Vaccine là một trong các thành tựu y học có giá trị to lớn với nhân loại. Mũi tiêm không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn là biện pháp phòng bệnh, tránh biến chứng ở người trưởng thành, người cao tuổi.
Hiện Việt Nam lưu hành hơn 50 loại vaccine phòng hơn 40 bệnh truyền nhiễm. Trong đó, người lớn cần tiêm ngừa gần 15 loại vaccine phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt các vaccine như: cúm mùa, phế cầu khuẩn, sốt xuất huyết, não mô cầu khuẩn, bạch hầu - ho gà - uốn ván, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A+B, zona thần kinh...
Mỗi loại vaccine sẽ có số mũi tiêm và khoảng cách giữa các mũi khác nhau. Một số vaccine sẽ giới hạn độ tuổi, ví dụ các vaccine phòng não mô cầu tiêm tối đa cho người đến 55 tuổi. Hoặc như vaccine HPV tiêm cho cả nam và nữ từ 9 - 45 tuổi phòng các bệnh nguy hiểm do HPV như sùi mào, ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng… Trong đó, các loại vaccine phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván có lịch tiêm nhắc 10 năm/1 lần dù lúc nhỏ mọi người đã từng có tiêm. Viêm gan B cần tiêm bổ sung khi kháng thể giảm. Cúm mùa mỗi năm tiêm một mũi.
Với trường hợp gia đình bạn đã lâu chưa tiêm vaccine và không rõ lịch sử tiêm chủng, cần đến trung tâm tiêm chủng để bác sĩ khai thác lịch sử tiêm ngừa, bệnh sử và đưa ra chỉ định tiêm các loại vaccine phù hợp.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Vaccine HPV có mặt trên thị trường từ năm 2008, thuộc chương trình tiêm chủng dịch vụ, đến nay vẫn chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó, nếu bạn được tiêm chủng theo lịch tại trạm y tế (tức chương trình TCMR) và không tiêm thêm loại vaccine loại dịch vụ nào thì bạn chưa được chủng ngừa vaccine HPV.
Về vaccine HPV, hiện nước ta có hai loại Gardasil và Gardasil 9 phòng lần lượt 4 chủng và 9 chủng virus HPV nguy cơ cao. Trong đó, vaccine Gardasil tiêm cho nữ giới từ 9-26 tuổi. Vaccine Gardasil 9 tiêm cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi.
Vaccine HPV được xem là biện pháp phòng HPV an toàn, hiệu quả cao, giúp phòng các bệnh do HPV gây ra như mụn cóc sinh dục và các loại ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng. Vaccine có hiệu quả trên 90% khi tiêm đủ liều, đúng lịch. Các nghiên cứu cho thấy vaccine giúp sinh miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể duy trì ở mức cao và hiệu quả kéo dài.
Để được tư vấn chủng ngừa vaccine HPV, bạn có thể liên hệ đến các hệ thống tiêm chủng như VNVC để được tư vấn, khám sàng lọc và chỉ định tiêm ngừa phù hợp với lịch sử tiêm chủng của bản thân.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
HPV là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh như sùi mào gà, ung thư như cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, vòm họng, hậu môn... Tiêm vaccine HPV là cách hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất để phòng bệnh.
Theo hướng dẫn, vaccine HPV được khuyến cáo tiêm cho nam và nữ giới từ 9-45 tuổi. Người đã từng quan hệ tình dục, sinh con vẫn được khuyến cáo tiêm vaccine HPV để phòng ngừa các chủng virus gây bệnh.
Những người đã từng quan hệ tình dục vẫn nên tiêm vaccine HPV bởi nhiều lý do:
- Đầu tiên, người đã từng quan hệ tình dục nhưng chưa chắc đã bị nhiễm virus HPV, do vậy việc tiêm vaccine vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ được phụ nữ khỏi các chủng HPV nguy hiểm có trong vaccine.
- Thứ hai, người đã quan hệ tình dục có thể mắc 1 hoặc 2 chủng, không phải mắc tất cả các chủng virus HPV nên việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng HPV khác mà họ chưa mắc phải.
- Thứ ba, HPV rất dễ lây và tái nhiễm. HPV có thể tự đào thải khỏi cơ thể và miễn dịch sau khi bị nhiễm trùng chỉ bảo vệ được cơ thể trong thời gian ngắn, do đó họ vẫn có thể tái nhiễm chủng HPV đã từng mắc. Tiêm vaccine là cách phòng các chủng mới và tái nhiễm các chủng đã mắc. Do đó, bạn nên chủ động tiêm ngừa vaccine HPV để được bảo vệ sớm.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Từ tháng 10/2024, nước ta đã có vaccine phòng zona thần kinh có tên gọi Shingrix, do hãng dược GSK sản xuất tại Bỉ, tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc zona thần kinh do bị suy giảm miễn dịch hoặc bị ức chế miễn dịch hoặc có khả năng bị ức chế miễn dịch do bệnh lý hoặc liệu pháp điều trị). Vaccine có hiệu quả cao đến 97% ở đối tượng trên 50 tuổi và đến 87% ở người từ 18 tuổi, đặc biệt giúp giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác đến hơn 90%.
Người từng mắc zona rồi vẫn có khả năng tái phát, tỷ lệ tái phát từ 5% - 30%, do đó trường hợp của bạn cần tiêm vaccine để ngăn ngừa nguy cơ tái phát dẫn đến biến chứng, hạn chế lây lan virus dẫn đến bệnh thủy đậu cho người khác.
Zona thần kinh do virus varicella zoster (gây bệnh thủy đậu) tái hoạt động gây ra. Người đã mắc zona vẫn có khả năng lây truyền virus này và gây bệnh thủy đậu cho người chưa mắc hoặc chưa tiêm ngừa thủy đậu. Zona thần kinh có thể gây các biến chứng như đau dây thần kinh kéo dài sau khi phát ban đã lành, viêm phổi, viêm não, liệt mặt... và tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim sau khi mắc bệnh.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Mỗi loại vaccine có lịch tiêm khác nhau. Trong đó, vaccine phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella MMR II của Mỹ được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn với lịch tiêm 2 mũi, ưu tiên hai mũi cách nhau 3 tháng hoặc hẹn tiêm mũi 2 lúc 4-6 tuổi. Người từ 7 tuổi trở lên có lịch tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng. Khi có dịch, vaccine MMR II có thể được chỉ định tiêm từ 6 tháng tuổi và trẻ nên tiêm mũi thứ 2 vào lúc 12-15 tháng, khuyến cáo tiêm mũi 3 vào lúc 4-6 tuổi.
Còn vaccine phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ) được chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn với lịch tiêm 3 mũi gồm 2 mũi đầu cách nhau 3 tháng, mũi 3 cách mũi 2 là 3 năm hoặc hẹn lúc 4-6 tuổi. Khi có dịch, vaccine Priorix được khuyến cáo tiêm mũi 3, cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng. Trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi có phác đồ 2 mũi cách nhau 3 tháng. Trẻ từ 7 tuổi và người lớn có phác đồ 2 mũi cách nhau 1 tháng.
Con bạn sinh vào ngày 30/12/2017, hiện đã gần 7 tuổi, bạn chọn tiêm vaccine Priorix (Bỉ) nên thuộc đối tượng từ 12 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi. Do đó, con bạn được bác sĩ hẹn tiêm hai mũi cách nhau 3 tháng là đúng, khác với lịch hẹn của vaccine MMR II.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress