Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)
Nhà tôi nuôi 2 con chó và 3 con mèo. Hàng năm tôi đều chủng ngừa cho các bé đầy đủ. Tôi chưa từng bị cắn bao giờ. Tôi nghe nói có tiêm ngừa dự phòng trước phơi nhiễm. Có thật không, tiêm bao nhiêu mũi, tiêm rồi có bị nóng trong người không? Mong bác sĩ giải đáp sớm. Xin cảm ơn!
Thanh Hà, 34 tuổi, Định Quán, Đồng Nai
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Mèo, chó chiếm hơn 96% số ổ chứa virus dại truyền bệnh sang người. Virus có trong nước bọt của chó, mèo, ngoài ra còn có thể bám ở lông, móng nên có thể lây bệnh thông qua cả vết cắn và vết cào. Con vật đã tiêm ngừa dại không đảm bảo 100% không mắc bệnh dại và không thể loại trừ khả năng nhiễm dại trong tương lai.

Dại hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu nên vaccine và huyết thành là cách phòng bệnh duy nhất hiện đó. Đúng như bạn nói, vaccine dại sử dụng được cả trước và sau khi có vết thương do chó mèo cắn, cào.

Phác đồ tiêm dự phòng trước khi phơi nhiễm gồm 3 mũi. Đây là cách bảo vệ sớm, giúp cơ thể sản sinh kháng thể phòng bệnh dại nếu tiếp xúc với virus dại. Ai cũng có thể tiêm ngừa dại trước khi bị cắn, cào, tức trước phơi nhiễm. Phương pháp này phù hợp cho người thường xuyên tiếp xúc với động vật, du lịch hoặc sống ở nơi khó tiếp cận cơ sở y tế khi có vết thương, trẻ em chơi với chó mèo nhưng không ý thức được nguy cơ lây nhiễm bệnh. Sau tiêm dự phòng, nếu tương lai bị cắn, cào, chỉ cần bổ sung thêm 2 mũi, giúp giảm số mũi tiêm và không cần tiêm huyết thanh dù vết thương có nặng. Còn ngược lại, nếu chưa tiêm dự phòng 3 mũi vaccine, khi bị chó mèo cắn cào, người tiêm phải tuân thủ phác đồ khắt khe 5 mũi vaccine và có thể phải tiêm huyết thanh tùy theo tình trạng vết thương.

Hiện các vaccine dại sử dụng tại Việt Nam đều là vaccine thế hệ mới, không chứa các tế bào não chuột, đã được chứng minh an toàn, hiệu quả cao, không ảnh hưởng đến chức năng thần kinh hay sự phát triển của trẻ. Do đó, bạn hoàn toàn có thể an tâm tiêm ngừa.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi 59 tuổi, có bệnh nền cao huyết áp, ổn định, đang uống thuốc mỗi ngày thì tiêm cúm với mũi phế cầu được không? Có an toàn không, có cần vào bệnh viện tiêm không hay ra trung tâm gần nhà tiêm được vậy bác sĩ?
Tấn Lộc, 59 tuổi, Bình Định
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bác,

Theo thống kê, phần lớn các ca tử vong do cúm, viêm phổi phế cầu hàng năm chiếm tỷ lệ lớn ở người lớn, người trên 50 tuổi. Tuổi càng cao sẽ kéo theo sự lão hoá của các cơ quan trong cơ thể, từ hệ cơ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, hệ thống mạch máu. Do đó người lớn là một trong các nhóm nguy cơ cao của các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp và cần tiêm ngừa các vaccine như cúm và phế cầu.

Trường hợp của bác 59 tuổi, có bệnh nền tim mạch, không thuộc trường hợp chống chỉ định của 2 loại vaccine cúm, phế cầu nên có thể tiêm ngừa. Nếu không đang mắc các bệnh cấp tính, huyết áp đang điều trị ổn định có thể tiêm tại các trung tâm tiêm chủng (ngoài bệnh viện) uy tín. Theo phác đồ và các loại vaccine hiện có tại Việt Nam, bạn chỉ cần tiêm một mũi vaccine phế cầu 13 và tiêm một mũi vaccine cúm và nhắc mũi cúm lại hằng năm.

Khi đi tiêm, bác lưu ý mang theo các giấy tờ khám sức khỏe liên quan cũng như danh sách thuốc đang sử dụng. Bác sĩ tiêm chủng sẽ khám sàng lọc và đánh giá tình hình sức khỏe tại thời điểm thăm khám và đưa ra chỉ định tiêm phù hợp.

Để có trải nghiệm tiêm chủng thoải mái nhất, bác cần ăn no vừa phải, không để bụng đói khi đi tiêm ngừa. Sau tiêm bác cần theo dõi ít nhất 30 phút tại trung tâm tiêm ngừa và 24-48 tiếng tiếp theo tại nhà. Bác có thể kết hợp ăn uống đủ các nhóm chất cũng như vận động nhẹ nhàng để vaccine giúp cơ thể sinh kháng thể tốt hơn.

Hiện Việt Nam lưu hành hơn 50 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm. Ngoài vaccine cúm và phế cầu, người lớn cũng cần tiêm ngừa gần 15 loại vaccine phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt các vaccine như: não mô cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A+B,... Người lớn tiêm ngừa không chỉ giúp phòng bệnh cho chính mình, tiết kiệm chi phí điều trị mà còn là cách tránh lây bệnh cho tất cả thành viên khác trong nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Mỗi loại vaccine có phác đồ tiêm khác nhau theo từng độ tuổi. Để biết cụ thể mũi tiêm, bác nên đến trung tâm tiêm chủng như VNVC để bác sĩ khai thác lịch sử tiêm ngừa, bệnh sử và đưa ra chỉ định tiêm thêm các loại vaccine phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bác. Chúc bác và gia đình nhiều sức khỏe.

Em bị mèo cào chỉ bị xước nhẹ ở vùng tay, không chảy máu, không sưng. Lần trước cách đây 3 năm em có tiêm đủ 5 liều vaccine dại, lần này em có phải tiêm lại không ạ?
Nguyễn Xuân Thịnh, 35 tuổi, Thanh hoá
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Mèo, chó chiếm hơn 96% số ổ chứa virus dại truyền bệnh sang người. Virus có từ chó, mèo có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết cắn, cào, liếm không phân biệt lớn nhỏ và có chảy máu hay không.

Nghiên cứu của de Lima và cộng sự năm 2023 cho thấy độc tính virus dại của mèo cao hơn chó. Tỷ lệ lây nhiễm bệnh dại ở mèo cao gấp 10 lần so với chó. Bệnh viện Johns Hopkins, Mỹ cảnh báo dại có thể truyền qua vết cào xước của mèo con. Mèo thường có thói quen liếm móng vuốt, do đó nguy cơ lây truyền bệnh dại cao hơn so với động vật khác.

Do đó, trường hợp của bạn vẫn cần tiêm ngừa vaccine dại và cần đến ngay các cơ sở tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ đánh giá vết thương và ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp. Nếu vết thương ở tay (xa hệ thần kinh trung ương), không sâu, và đã tiêm ngừa trước đó, lần này bạn chỉ cần tiêm thêm 2 mũi vaccine, không cần tiêm huyết thanh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi đang điều trị sùi mào gà. Bác sĩ khuyên tôi đi tiêm vacwx xin HPV. Tiêm có hiệu quả không? Tuổi tôi còn tiêm được không? xin cảm ơn
Minh Anh, 39 tuổi, Bình Dương
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Vaccine HPV được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo là một trong các biện pháp hàng đầu giúp ngăn ngừa các bệnh do HPV gây ra, trong đó có sùi mào gà và các bệnh ung thư ở cả nam và nữ như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, ung thư vùng đầu, cổ.

Hiện vaccine HPV đã được chứng minh có hiệu quả cao, bảo vệ trên 90% trước các chủng virus có trong vaccine. Vaccine có giá trị bảo vệ cho cả các trường hợp đã nhiễm HPV, giúp phòng tái nhiễm và nhiễm mới các chủng HPV nguy cơ cao khác.

Vaccine HPV tiêm cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi. Trường hợp của bạn mắc sùi mào gà có thể do chủng HPV 6 và 11 gây ra, trong khi đó vaccine HPV phòng được 9 chủng gây bệnh, do đó bạn vẫn nên tiêm vaccine để phòng nguy cơ mắc các chủng HPV khác.

Mặt khác, nếu sau này cơ thể đào thải chủng HPV 6 và 11 bạn đã từng mắc, bạn vẫn có thể tái nhiễm lại sau đó, tiêm vaccine cũng giúp phòng nguy cơ tái nhiễm. Bạn có thể mang theo các giấy tờ khám bệnh, đến các trung tâm tiêm chủng dịch vụ như VNVC để bác sĩ tiêm chủng xem xét, đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp.

Ngoài ra, để tránh lây nhiễm HPV cho người khác cũng như nhiễm các chủng mới, bạn cần tuân thủ phác đồ điều trị sùi mào gà hiện tại; giữ vệ sinh cá nhân; không dùng chung vật dụng cá nhân có khả năng bám chất tiết của bạn và lây cho người khác như khăn tắm, đồ lót; quan hệ tình dục an toàn; chú ý tập luyện, ăn uống đủ dưỡng chất giúp cơ thể đào thải virus.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

E bị dương tính 12type hpv, bây giờ e có tiêm vacxin hpv được k ạ
Hoàng thị thu thuỷ, 33 tuổi, Tp Bà Rịa
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

HPV có gần 200 chủng khác nhau, trong đó có 12 tuýp HPV nguy cơ cao gây ra các loại ung thư như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo,... gồm HPV 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59. Do đó, bạn cần theo dõi, tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường để điều trị kịp thời. Mặt khác, HPV vẫn có khả năng tự đào thải ra khỏi cơ thể và tái nhiễm lần sau, tiêm vắc xin vẫn bảo vệ được bạn khỏi nguy cơ mắc các tuýp HPV chưa mắc và tái nhiễm. Ví dụ trường hợp của bạn chưa nhiễm tuýp HPV 6, 11 gây mụn cóc sinh dục, bạn cần tiêm vaccine để bảo vệ trước 2 chủng virus này và phòng nguy cơ tái nhiễm các chủng từng mắc.

Hiện Việt Nam đã có vaccine Gardasil 9 phòng 9 chủng HPV gồm 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58 chỉ định tiêm phòng cho nam nữ từ 9 đến 45 tuổi. Các nghiên cứu đã cho thấy vaccine HPV có hiệu lực bảo vệ hơn 90% các chủng HPV có trong vaccine.

Do đó, trường hợp của bạn, cần tham khảo thêm bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ tiêm chủng để xác định thời điểm tiêm ngừa phù hợp. Khi tư vấn ở bác sĩ tiêm chủng, bạn cần mang theo hồ sơ bệnh và các giấy tờ liên quan cho thấy các chủng bạn đang nhiễm để bác sĩ có tư vấn cụ thể.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi năm nay ngoài 60, không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng, vậy tôi nên tiêm phòng vaccine nào?
Huỳnh Ngọc Linh, 62 tuổi, Đà Nẵng
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tuổi càng cao sẽ kéo theo sự lão hoá của các cơ quan trong cơ thể, từ hệ cơ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, hệ thống mạch máu. Từ đó, các mầm bệnh truyền nhiễm dễ tấn công và gây bệnh nặng ở người cao tuổi. Điển hình như cúm, phế cầu đều có tỷ lệ tử vong cao ở người lớn tuổi.

Người lớn tuổi chủ động tiêm ngừa vừa là cách bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bệnh tật, biến chứng nặng, vừa là cách tránh mắc bệnh và lây nhiễm cho các đối tượng nguy cơ khác trong gia đình như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền…

Hiện Việt Nam lưu hành hơn 50 loại vaccine phòng hơn 40 bệnh truyền nhiễm. Trong đó người lớn cần tiêm ngừa gần 15 loại vaccine phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt các vaccine như: cúm mùa, phế cầu khuẩn, não mô cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A+B... Mỗi loại vaccine sẽ có số mũi tiêm và khoảng cách giữa các mũi khác nhau. Một số vaccine sẽ giới hạn độ tuổi, ví dụ các vaccine phòng não mô cầu tiêm tối đa cho người đến 55 tuổi.

Do đó, trường hợp 60 tuổi chưa tiêm vaccine cần đến trung tâm tiêm chủng để bác sĩ khai thác lịch sử tiêm ngừa, bệnh sử và đưa ra chỉ định tiêm các loại vaccine phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Xin hỏi các chuyên gia về vaccine Gardasil 9: Thứ nhất: nếu trẻ 9-14 tuổi tiêm đủ đúng lịch 2 mũi thì miễn dịch sẽ giảm không còn khả năng bảo vệ, tối đa là mấy năm? Có tài liệu minh chứng không? Thứ hai: Tại sao theo khuyến cáo tiêm vaccine Gardasil 9 cho cả người đang có nguy cơ nhiễm HPV, người đã ...
Vũ Thị Ngọc Hạnh, 38 tuổi, Quảng Ngãi
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt mở rộng giới hạn tuổi tiêm vaccine Gardasil 9 cho người từ 9-45 tuổi thay vì 9-26 tuổi như trước đây. Các chuyên gia nhận định, đây là tin vui giúp người dân có thêm biện pháp phòng sùi mào gà và các bệnh ung thư do HPV gây ra như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, ung thư vùng đầu cổ. Bác sĩ sẽ dựa trên chỉ định tiêm ngừa mới này để tư vấn các câu hỏi của bạn:

Câu 1: Sở dĩ vaccine HPV được khuyến cáo tiêm sớm cho nhóm 9-14 tuổi vì đây là cơ hội phòng bệnh cho trẻ trước khi bước vào tuổi bắt đầu quan hệ tình dục. Nhiễm HPV có xu hướng ngày càng trẻ hóa do xu hướng quan hệ tình dục ngày càng nhỏ tuổi. Theo báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam 2019, tỷ lệ học sinh THCS & THPT quan hệ tình dục lần đầu tiên trước 14 tuổi đã tăng gấp 2 lần, từ 1,48% (năm 2013) tăng lên 3,51%. Chỉ khoảng 20,7% trẻ sử dụng biện pháp phòng ngừa an toàn trong quan hệ tình dục lần đầu tiên.

Ngoài ra, HPV còn có thể lây nhiễm qua tiếp xúc chất tiết của người bệnh bám trên dụng cụ khám phụ khoa và các vật dụng cá nhân như khăn tắm, đồ lót… Đơn cử như nghiên cứu tại Tanzania (vùng nguy cơ dịch tễ cao ở Đông Phi) khảo sát sự xuất hiện HPV (năm 2013) cũng cho kết quả HPV được tìm thấy ở 45,5% bé gái trước khi có quan hệ tình dục lần đầu. Do đó, tiêm ngừa sớm, trẻ sẽ được bảo vệ sớm trước nguy cơ lây nhiễm và phát triển các bệnh do HPV. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy vaccine giúp sinh miễn dịch tốt nhất ở lứa tuổi 9-14 tuổi, nồng độ kháng thể duy trì ở mức cao, không suy giảm theo thời gian sau khi tiêm ở độ tuổi này. Hiện vaccine phòng HPV Gardasil được phê duyệt đến nay gần 20 năm và các nghiên cứu cho thấy vaccine vẫn sinh miễn dịch tốt sau khoảng thời gian này, không cần tiêm nhắc.

Câu 2: Không riêng vaccine HPV, giới hạn tuổi tiêm, phác đồ tiêm của từng loại vaccine trước khi phổ biến tiêm chủng cho người dân đều phải thông qua quá trình phê duyệt nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Tiêu chuẩn phê duyệt dựa trên rất nhiều yếu tố về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, tính an toàn, hiệu quả vaccine… Do đó, mỗi phác đồ tiêm được đưa ra đều đã được các cơ quan, bộ ngành xem xét kĩ lưỡng để mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất cho người dân. Vaccine Gardasil 9 hiện có nghiên cứu sinh miễn dịch tốt đến độ tuổi 45 và chưa có nghiên cứu ở độ tuổi lớn hơn nữa nên hiện vaccine chỉ được chỉ định đến 45 tuổi.

Người nhiễm HPV có khoảng 80% tự đào thải virus và 20% virus sẽ không được đào thải và phát triển sùi mào gà, các loại ung thư. Các trường hợp đã đào thải virus thì miễn dịch với HPV không bền vững, có thể tái nhiễm, do đó tiêm vaccine vẫn giúp bảo vệ trước nguy cơ tái nhiễm và nhiễm thêm các chủng HPV mới. Người tiêm phòng mắc HPV cũng gián tiếp bảo vệ bạn tình.

Câu 3: Trường hợp muốn chuyển đổi vaccine Gardasil 4 sang Gardasil 9 hoặc ngược lại, theo thông tin kê toa, bạn cần tiêm ngừa lại từ đầu phác đồ để vaccine phát huy tối đa khả năng bảo vệ các chủng HPV có trong vaccine.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Vaccine HPV nghe nói vừa được cho tiêm ở người đến 45 tuổi. Tôi đi tiêm thì liệu vaccine có hiệu quả cho người có tuổi cận giới hạn tiêm như tôi không? Và nếu tiêm thì tôi tiêm mấy mũi.
Bùi Thanh Nữ, 44 tuổi, Long An
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt mở rộng giới hạn tuổi tiêm vaccine Gardasil 9 tiêm cho người từ 9-45 tuổi thay vì 9-26 tuổi như trước đây. Các chuyên gia nhận định, đây là cơ hội tốt, giúp nhóm 27-45 tuổi, đặc biệt là nhóm tuổi trung niên 40-45 tuổi phòng các bệnh do HPV gây ra.

HPV hiện là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) và các loại ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, ung thư dương vật, hậu môn, ung thư vùng đầu cổ. Vaccine có hiệu quả phòng các chủng nguy cơ cao gây các bệnh kể trên, có hiệu lực bảo vệ cao, trên 90%.

Vaccine HPV cũng đã được phê duyệt tiêm chủng cho người đến 45 tuổi tại hơn 100 quốc gia, trong đó có Mỹ, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc. Các nghiên cứu cũng cho thấy sau khi tiêm chủng, người từ 27 - 45 tuổi tiêm vaccine HPV có đáp ứng sinh miễn dịch không thua kém so với người từ 16 - 26 tuổi. Nồng độ miễn dịch cũng được duy trì ở mức cao. Hiệu quả bảo vệ được nhìn thấy lên đến 20 năm.

Phác đồ tiêm HPV được phê duyệt cho người đến 45 tuổi, nghĩa là người trên 45 tuổi, đến trước sinh nhật thứ 46 tuổi vẫn được tiêm. Trường hợp của bạn, 44 tuổi vẫn được tiêm ngừa HPV và áp dụng theo phác đồ tiêm 3 mũi vào 0-2-6 tháng so với mũi đầu tiên.

Bên cạnh đó, để phòng các bệnh do HPV, bạn cũng cần chú ý áp dụng thêm các biện pháp khác như giữ vệ sinh cá nhân, quan hệ tình dục an toàn, nữ giới cần kết hợp thêm thăm khám phụ khoa, xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Nhà em có nuôi 1 con mèo và tiêm ngừa dại đầy đủ, thời hạn cần tiêm ngừa kế tiếp là ngày 7/5/2024. Tuần trước (ngày 8) khi em tắm cho mèo, nó giãy và đạp mạnh vào vùng ức của em. Lúc kiểm tra và sát trùng thì không có vết thương hở. Từ lúc bị mèo đạp, vùng ức và ngực của em ...
Thành Nam, 22 tuổi, Vũng Tàu
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Mèo cũng có nguy cơ lây bệnh dại tương tự chó. Nghiên cứu của de Lima và cộng sự năm 2023 cho thấy độc tính virus dại của mèo cao hơn chó. Tỷ lệ lây nhiễm bệnh dại ở mèo cao gấp 10 lần so với chó. Bệnh viện Johns Hopkins, Mỹ cảnh báo dại có thể truyền qua vết cào xước của mèo con. Mèo thường có thói quen liếm móng vuốt, do đó nguy cơ lây truyền bệnh dại từ vết cào cũng cao hơn so với động vật khác.

Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh chó, mèo đã tiêm phòng không lây truyền bệnh dại. Hiệu quả miễn dịch ở động vật sau khi tiêm phòng dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng vaccine, kỹ thuật tiêm, thời điểm tiêm, phác đồ và số mũi tiêm nhắc. Thế giới đã có một số nghiên cứu phát hiện chó, mèo đã tiêm phòng vẫn bị bệnh dại, những người phát bệnh dại đều tử vong.

Vì vậy, trường hợp của bạn đã bị mèo nhà đã tiêm ngừa cào, không có vết thương hở, bạn ở Vũng Tàu thì có để đến các trung tâm tiêm chủng của VNVC để được các bác sĩ tư vấn, giải đáp miễn phí các thắc mắc.

Mặt khác, trường hợp người thường xuyên chăm sóc các động vật vẫn có thể tiêm vaccine dự phòng trước khi bị cắn, cào, lịch tiêm gồm 3 mũi, mỗi lần bị cào, cắn sau chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần sử dụng huyết thanh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Em có dẫm phải đinh rỉ và có đi tiêm huyết thanh uốn ván nhưng 7 ngày sau em có hiện tượng nóng rất nóng và rát và đau bên tay tiêm vậy có bị làm sao không ạ? Cảm ơn bác sĩ
Nguyễn Đắc Công, 34 tuổi, tỉnh Bắc Ninh
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Tiêm phòng vaccine uốn ván là rất cần thiết đối với mọi người, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao như người có vết thương hở dính đất cát, phụ nữ có thai, nông dân, người làm việc trong các trang trại, công nhân làm việc tại công trường xây dựng… Hiệu quả phòng bệnh của vaccine có thể đến đến 95% nếu tiêm đủ liều, đúng lịch.

Vaccine uốn ván cũng như hầu hết mọi vaccine phòng bệnh khác, sau khi tiêm sẽ gặp một số tác dụng phụ nhẹ cho thấy cơ thể đang phản ứng để xây dựng khả năng miễn dịch chống lại căn bệnh này. Một số tác dụng phụ thông thường của vaccine uốn ván bao gồm đau nhức, đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn. Hầu hết những tác dụng phụ này đều phổ biến đối với tất cả các loại vaccine uốn ván.

Với trường hợp của bạn nóng và rát xuất hiện vào ngày thứ 7 sau tiêm vaccine không phải là triệu chứng cảnh báo phản ứng bất thường, không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn cần quay lại các trung tâm tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và thăm khám.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress