Nhật ký chiến đấu ung thư vú của mẹ bỉm sữa
Melissa Thompson, 32 tuổi (Mỹ) chia sẻ câu chuyện của mình nhằm tiếp thêm sức mạnh cho những người cùng hoàn cảnh.
Mắc bệnh ung thư vú thai kỳ, Melissa Thompson phải cắt bỏ vú, trải qua những đợt hóa trị vô cùng đau đớn cùng nguy cơ vô sinh. Cô chia sẻ hành trình chiến đấu căn bệnh khó chữa của mình trên trang Health
Những ngày đầu làm mẹ
Poppy, con gái của tôi, sinh vào tháng 7/2015 tại một bệnh viện gần nhà. Như bao bà mẹ khác, sau sinh, tôi bắt đầu cho con bú sữa mẹ. Những ngày đầu mọi thứ đều tuyệt nhưng vài ngày sau tôi bắt đầu sốt cao. Trong giấy xuất viện ghi chú, phải gọi cho bác sĩ ngay nếu sốt trên 38 độ. Lần nữa nhiều lần, cuối cùng tôi cũng phải tìm đến phòng khám khi tình hình ngày càng tệ.
Bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm vú - một trường hợp nhiễm trùng mô vú thường bị kích hoạt bởi tuyến sữa gây ra sưng tấy, đau và đỏ. Bà cho tôi uống kháng sinh. Tôi tiếp tục cố gắng cho con bú sữa mẹ, mặc dù rất đau. Cơn sốt kéo dài, việc cho con bú ngày càng khó khăn. Tôi phải uống một đợt kháng sinh khác nhưng lần này không hiệu quả và được giới thiệu đến bác sĩ phẫu thuật vú.
Bác sĩ phẫu thuật đã làm siêu âm, họ nói rằng mọi thứ đều ổn, không nên quá lo lắng. Một tháng sau, tôi quay lại để tiếp tục theo dõi siêu âm và sinh thiết. Trong lúc chờ đợi kết quả, nhiều người rất lo lắng, còn tôi lại rất bình tĩnh. Tôi không nghĩ mình mắc bệnh. Tôi vừa làm mẹ, còn quá nhiều thứ cần bận tâm để quản lý cuộc sống với một đứa trẻ sơ sinh.
Thông báo từ bệnh viện
Tôi đang ôm Poppy ngủ thì nhận được điện thoại từ bệnh viện. Họ nhắc có một cuộc hẹn về ung thư vào 9h mai. Lúc đó, tôi ngạ quỵ vì sốc. Sau khi trấn tĩnh, tôi lục danh bạ, mong muốn tìm được bác sĩ quen chuyên khoa ung thư nhưng vô vọng. Tôi gọi đến bệnh viện cầu cứu. Khi nghe giải thích tình hình, người phụ nữ ở đầu bên kia điện thoại thở dài và chuyển máy cho tôi gặp bác sĩ. Họ nói tôi cần được theo dõi và nên chuẩn bị tinh thần.
Kết quả chụp CT và MRI cho thấy một khối u ác tính 3cm ở vú trái, chẩn đoán giai đoạn 3. Bác sĩ giải thích, tôi bị ung thư vú trong thai kỳ hoặc năm đầu sau sinh. Nó tương đối hiếm, chiếm khoảng một trên 3.000 phụ nữ mang thai. Nhưng đây là trường hợp ác tính phổ biến thứ hai ảnh hưởng đến thai nghén.
Lấy trứng và cắt bỏ vú
Kết quả kiểm tra cho thấy khả năng cao di căn sang vú còn lại, do đó, phẫu thuật cắt bỏ là lựa chọn duy nhất. Tôi cũng cần hóa trị liệu. Bác sĩ khuyên tôi nên cân nhắc việc đông lạnh trứng vì 60% sẽ mất khả năng sinh nở. Sau khi tìm hiểu và tham khảo ý kiến gia đình, tôi bắt đầu tiêm hormone, lấy trứng để đông lạnh.
Trong suốt ba tuần từ chẩn đoán đến phẫu thuật cắt bỏ vú, tôi vẫn là một bà mẹ bỉm sữa, thức dậy mỗi ba giờ một lần. Điều đau lòng nhất là chỉ ít ngày nữa thôi, bé con của tôi sẽ phải ngừng bú mẹ.
Sự giúp đỡ của mẹ
Sau phẫu thuật, tôi trở về nhà trong cơn đau, di chuyển hạn chế... Tinh thần luôn lo lắng suy nghĩ về kết quả bệnh lý. Mẹ ở lại chăm sóc chúng tôi trong thời gian này. Điều duy nhất tôi có thể làm là cho con nằm trên đùi mình và ngủ chung giường. Nhưng thật đau lòng khi nghe tiếng con khóc mà không thể tự mình dỗ dành. Tôi đã trở thành một bà mẹ, nhưng giờ tôi vẫn cần sự giúp đỡ của mẹ mình.
Thời gian đầu, tôi và con gái có nhiều thời gian bên nhau, con bé ngủ nhiều và tôi cũng thế. Tôi muốn đưa con bé đến các lớp Mẹ và Bé nhưng không đủ sức . Khi phải trở lại bệnh viện phẫu thuật tái tạo, tôi và con bị cách ly do hệ thống miễn dịch của tôi quá yếu nên bị nhiễm vi trùng. FaceTime là cách chúng tôi kết nối.
Báo cáo bệnh lý cho thấy, tôi có nguy cơ cao tái phát ung thư. Hoá trị sẽ giúp cơ hội sống lâu hơn. Quyết định lưu giữ trứng vô cùng đúng bởi sau hóa trị, tôi phải đối mặt với liệu pháp hoóc môn, có thể đưa vào giai đoạn mãn kinh trong 10 năm. Việc này nhằm lấy đi những chất kích thích nội tiết tố làm tăng trưởng ung thư, giảm nguy cơ tái phát.
Hoạt động vì bệnh nhân ung thư vú
Sau khi kết thúc điều trị, tôi bắt đầu lo lắng con gái có thể giống mình. Tôi tự nhủ sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo việc này không đến với con. Tôi tham gia Quỹ Nghiên cứu Ung thư Vú (BCRF), một tổ chức ung thư vú hàng đầu ở Mỹ với mong muốn góp phần tìm ra cách loại bỏ căn bệnh này.
Tôi cũng ủng hộ và viết lại một dự luật đòi hỏi các công ty bảo hiểm y tế phải trang trải chi phí điều trị sinh sản cho phụ nữ bị chẩn đoán ung thư. Có rất nhiều phụ nữ như tôi phải đối diện với khoảng chi phí thụ tinh ống nghiệm đắt đỏ. Dự luật này (Luật Melissa), đã được thông qua vào tháng sáu vừa qua tại Connecticut (Mỹ).
Bây giờ, Poppy đã hai tuổi, tôi không thể chạy theo kịp con nhưng việc được ngắm nhìn thiên thần nhỏ mỗi ngày đã là một đặc ân của Thượng đế . Tôi hy vọng rằng, việc chia sẻ câu chuyện của tôi sẽ khuyến khích phụ nữ trẻ lưu ý về sức khoẻ của họ, đặc biệt trong quá trình mang thai và sau khi sinh.
An Tâm (Theo Health)
Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Dược phẩm GoldHealth Việt Nam phối hợp mở chuyên mục “Ung thư” từ ngày 1/9/2019. Đây là nơi cung cấp cho độc giả kiến thức về ung thư từ cách nhận biết bệnh, phòng tránh, đến chăm sóc dinh dưỡng, cách tập luyện… Bệnh nhân cũng có thể chia sẻ lại câu chuyện của mình: khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị, sự động viên và hỗ trợ đến từ người thân trong gia đình hay một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thời gian biểu vận động hàng ngày... tại đây. Chuyên mục có sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về các loại ung thư. Để tìm hiểu thêm thông tin, đọc giả hãy truy cập website https://genkstf.vn và https://ksol.vn; nếu cần hỗ trợ, tư vấn thêm về vấn đề ung thư, bạn đọc có thể gọi vào số tổng đài miễn cước 18006808 (trong giờ hành chính) hoặc 0962686808 (hotline - ngoài giờ hành chính), email: tuvan@ghv.com.vn.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN UNG THƯ
Gửi câu hỏi tư vấn
Nguyên Giám đốc BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam.
Chuyên gia cố vấn mục hỏi đáp
* Vui lòng điền chính xác số điện thoại và email để nhận được câu trả lời và tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia
Sống như những đóa hoa, vươn về phía mặt trời
(*) Đây là cuộc thi viết về nghị lực bệnh nhân ung thư, độc giả có thể truy cập để gửi bài dự thi