Chủ nhật, 9/7/2017, 00:00 (GMT+7)

Hành trình tìm lại tiếng nói của bệnh nhân ung thư vòm họng

Anh Võ Thanh Nhàn luyện thanh suốt một năm để tìm lại tiếng nói đã mất đi sau phẫu thuật trị ung thư vòm họng.

Với thể chất khỏe mạnh, từ nhỏ đến lớn, chẳng mấy khi anh Nhàn (TP HCM) đến bệnh viện. Năm 2013, khi cơn khàn tiếng lâu khỏi, bác sĩ nghi ngờ anh mắc ung thư vòm họng nhưng đi sinh thiết tới 4 bệnh viện vẫn không cho ra kết quả xác định.

Điều lo sợ cuối cùng cũng đến khi chữ “K” đại diện cho căn bệnh quái ác hiển hiện sau một lần xét nghiệm. Anh Nhàn biết mình phải đối diện với điều gì phía trước. Xung quanh anh, có người vĩnh viễn mất tiếng nói, có người thậm chí lìa bỏ cuộc đời. Anh lang thang khắp công viên, nghĩ về hai đứa con mới vào đại học, cha mẹ già yếu ở nhà và người vợ sẽ sống sao nếu anh ra đi.

Bác sĩ thông báo bệnh anh ở giai đoạn đầu, chỉ cần thực hiện một ca phẫu thuật. Nhưng đó lại là một quyết định khó khăn hơn bao giờ hết. Bác sĩ nói không thể đảm bảo có thể giữ lại tiếng nói, thậm chí là cả mạng sống cho anh dù tỷ lệ thành công 80%. “Chỉ khi phẫu thuật, bác sĩ mới quyết định được có khả năng giữ lại tiếng nói cho tôi hay không”, anh nhớ lại.

Người đàn ông sinh năm 1970 hỏi bác sĩ liệu còn cách nào khác. Vốn là người thích ngoại giao và thường xuyên giao tiếp với mọi người qua công việc của một studio cưới, thông tin này như bản án tử đối với nam bệnh nhân. “Đây là cách duy nhất, bác sĩ nói vậy. Mọi thứ chỉ phụ thuộc vào số phận. Tôi không có lựa chọn nào khác”, anh tâm sự.

Ca phẫu thuật đầu năm 2014 diễn ra dài hơn so với dự tính. Anh Nhàn biết qua lời kể của các y tá sau này. Bệnh nhân chia sẻ: “Bác sĩ làm rất kỹ và cẩn thận để cố gắng giữ lại tiếng nói cho tôi”. Mở mắt tỉnh dậy giữa căn phòng tĩnh lặng thanh âm, xung quanh chỉ người và người nằm la liệt bất động, anh tưởng mình đang ở nhà xác. Bỗng xuất hiện một chiếc bóng đi qua, cánh tay yếu ớt của anh cố gắng vỗ vỗ để gây chú ý. Cuối cùng người đàn ông cũng được đẩy ra khỏi phòng hồi sức sau mổ và gặp lại người thân sau một ngày một đêm đối diện với lằn ranh sinh tử mong manh của đời người.

hanh-trinh-tim-lai-tieng-noi-cua-benh-nhan-ung-thu-vom-hong

Anh Võ Thanh Nhàn đã tìm lại được lại tiếng nói dù không còn hoàn hảo như xưa.

“Lúc đó tôi mới biết mình còn sống. Bác sĩ nói ca mổ của tôi thành công trong việc bảo tồn khả năng nói chuyện. Tuy nhiên, sau một tháng nằm viện, tôi vẫn không thể nói được tiếng nào, mọi giao tiếp đều phải viết ra giấy”, anh nhớ lại. Nam bệnh nhân không ăn, không ngủ được suốt thời gian đó vì đàm lên liên tục, có lúc ngộp thở suýt chết. Nếu không nhờ có người thân túc trực chăm sóc 24/24, anh có lẽ không sống nổi tới hôm nay.

Bác sĩ cho biết anh phải chịu cực hơn những bệnh nhân khác vì có khả năng giữ lại tiếng nói. Với những bệnh nhân cắt bỏ hẳn thanh quản thì dễ chịu hơn nhưng họ phải lặng im cả phần đời còn lại. Tuy nhiên, hành trình để tìm lại những nốt trầm bổng trong giao tiếp chỉ mới bắt đầu từ đó.

Mấy tháng sau khi trở về nhà, anh Nhàn vẫn không thể thốt ra được lời nào, cổ họng đau rát. Đều đặn mỗi tuần ba buổi, anh cùng vợ lặn lội từ huyện Bình Chánh đến bệnh viện Tai Mũi Họng (quận 3) để học luyện thanh. Như ca sĩ luyện hát, anh cố gắng phát âm “a”, “e” rồi tập giọng dài, cách ém hay lấy hơi.

Mỗi lần học là 15 phút và mỗi sáng khi thức dậy anh đều luyện liên tục. Hễ có thời gian rảnh là tập nói, với khao khát mãnh liệt là giao tiếp trở lại với cuộc sống. Những cơn đau cứ cuộn đến khi vòm họng rung lên với những chuyển động của cơ mặt. Cuối cùng, mọi đau đớn cũng được đền đáp khi người đàn ông tứ tuần dần có thể phát âm từng chữ và ráp lại thành câu hoàn chỉnh.

Một năm kể từ ngày phẫu thuật, anh Nhàn đã có thể cất giọng nói chuyện. Nhưng tiếng nói của anh không còn trầm bổng và truyền cảm như ngày xưa. Anh có thể nói, nhưng thều thào và phải cắt câu cho ngắn bớt, có thể ngồi nói chuyện hàng giờ nhưng phải nói nhẹ, không nói dài.

Cũng từ đó, cuộc sống của người đàn ông này thay đổi hoàn toàn. Anh không mấy khi chủ động tiếp xúc với người xung quanh. "Nhiều người khi nghe tôi nói chuyện lo sợ tôi có thể lây bệnh cho họ nên xa lánh. Vì vậy giờ đây tôi chỉ giao tiếp chủ yếu với bạn bè và người thân thôi", anh tâm tình nhưng không còn mặc cảm nữa vì sau mọi biến cố, việc giữ được sinh mệnh và tiếng nói với anh đã là một bước ngoặt lớn.

hanh-trinh-tim-lai-tieng-noi-cua-benh-nhan-ung-thu-vom-hong-1

Anh Nhàn cùng các thành viên câu lạc bộ 4T.

Công việc gắn bó hơn 20 năm cũng gác lại một bên, anh lui về phía sau làm hậu kỳ tại studio thay vì phong trần rong ruổi đi chụp hình, quay phim như ngày xưa. Nhưng niềm vui thì không thiếu vì cứ mỗi 2 tuần anh lại sinh hoạt cùng hội viên câu lạc bộ 4T dành cho các bệnh nhân ung thư.

Ở đó chỉ có sự lạc quan, yêu đời và mọi người truyền cảm hứng cho nhau. Chị Nguyễn Thị Cam Thảo, thành viên sáng lập câu lạc bộ 4T tiết lộ anh Nhàn từng lên truyền hình trong vài chương trình tiếp sức cho bệnh nhân ung thư. "Từ một người không thể nói được mà có thể đứng hát trước mọi người là một điều phi thường", chị nhận xét.

Còn anh Nhàn chỉ nói rằng nếu có thể giúp được cộng đồng thì việc gì cũng không ngại. Mấy mươi năm chỉ thỉnh thoảng nghêu ngao những câu hát vậy mà lần đầu anh chịu đứng trước sân khấu Nhạc viện TP HCM cất giọng và sau đó là trong chương trình "Thay lời muốn nói". Chiếc micro được tăng âm vẫn không giấu nét thều thào trong giọng hát nhưng niềm tin, nghị lực của anh đã truyền được đến hàng nghìn bệnh nhân ung thư trên khắp Việt Nam.

"Tôi không nghĩ mình là một người bệnh, dù sau phẫu thuật cứ một tháng lại đến bệnh viện kiểm tra, sau này cách giãn dần ra 3 tháng và giờ là 6 tháng. Vì càng nghĩ bệnh càng nặng. Tinh thần là thứ quan trọng nhất có thể giúp chống chọi với căn bệnh ung thư", anh chia sẻ.

Trương Sanh

 
 
 

Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Dược phẩm GoldHealth Việt Nam phối hợp mở chuyên mục “Ung thư” từ ngày 1/9/2019. Đây là nơi cung cấp cho độc giả kiến thức về ung thư từ cách nhận biết bệnh, phòng tránh, đến chăm sóc dinh dưỡng, cách tập luyện… Bệnh nhân cũng có thể chia sẻ lại câu chuyện của mình: khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị, sự động viên và hỗ trợ đến từ người thân trong gia đình hay một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thời gian biểu vận động hàng ngày... tại đây. Chuyên mục có sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về các loại ung thư. Để tìm hiểu thêm thông tin, đọc giả hãy truy cập website https://genkstf.vnhttps://ksol.vn; nếu cần hỗ trợ, tư vấn thêm về vấn đề ung thư, bạn đọc có thể gọi vào số tổng đài miễn cước 18006808 (trong giờ hành chính) hoặc 0962686808 (hotline - ngoài giờ hành chính), email: tuvan@ghv.com.vn.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN UNG THƯ

Chuyên gia cố vấn

   

Gửi câu hỏi tư vấn

GS.TS Nguyễn Chấn Hùng

Nguyên Giám đốc BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam.

Chuyên gia cố vấn mục hỏi đáp

hotline Hotline tư vấn: 1800 68080962 686 808

* Vui lòng điền chính xác số điện thoại và email để nhận được câu trả lời và tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia

Thông báo

×